Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Nhật Bản về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan
02/02/2018 | 12:56Sáng 2/2, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Bản quyền tác giả thuộc Cơ quan Văn hóa Nhật Bản, Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) tổ chức “Hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan”.
Tham dự hội thảo có ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL; ông Kiyotaka Watabe – Trưởng phòng Hiệp hội Phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA); ông Takuya Fujimori – Ban Hợp đồng và bản quyền, Trung tâm quản lý quyền và lưu trữ, Đài Truyền hình Nhật Bản (NHK); cùng đại diện các cơ quan quản lý và thực thi, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong các lĩnh vực; các nhà nghiên cứu, nhà nghiên cứu, nhà khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Gia Linh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng cho biết: “Thời gian qua, Việt Nam đã từng bước hội nhập quốc tế. Song song với đó, chúng ta đã ký các công ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan. Bước đầu, năm 2004 chúng ta gia nhập Công ước Berne, năm 2005 gia nhập Công ước Geneva, năm 2006 gia nhập Công ước Brussels, năm 2007, gia nhập Công ước ROM và Hiệp định TRIPS. Gần đây nhất, Việt Nam đã ký kết gia nhập các hiệp định tự do thế hệ mới như Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Nhật Bản, cùng nhiều hiệp định khác. Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động thực thi tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Tình trạng vi phạm vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau".
Ông Kiyotaka Watabe – Trưởng phòng Hiệp hội Phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) cho biết: "Hiện nay, vấn đề mà hầu hết các nước trên thế giới gặp phải là vi phạm bản quyền trực tuyến. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin cùng các giải pháp phần mềm, các ấn phẩm đều được số hóa nên khả năng bị sao chép rất cao và tình trạng vi phạm đã vượt qua lãnh thổ một quốc gia. Trong khi đối tượng vi phạm không có ý thức vì hành vi của mình và các biện pháp ứng phó của các nước thực sự chưa có hiệu quả. Hiện nay, trên mạng có nhiều trang web, ứng dụng dành cho smart-phone, từ đó đưa công chúng tiếp cận với những trang web giải trí, những sản phẩm bị vi phạm bản quyền. Để ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền không chỉ cần sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong một quốc gia mà còn cần sự hợp tác toàn cầu".
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về các vấn đề như: Hệ thống pháp luật quản lý thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; Công tác ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền tác giả tại Nhật Bản; Hoạt động của CODA trong việc ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền và vấn đề phân phối nội dung được bảo hộ bản quyền.
Hội thảo sẽ phần nào cung cấp các thông tin góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trong hoạt động thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy giao lưu, phát triển công nghiệp văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản./.
Gia Linh