Cần thiết ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn
14/07/2020 | 14:11Tại Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 14/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ VHTTDL báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ (Nghị định số 79/2012/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ (Nghị định số 15/2016/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2016. Hai văn bản trên cơ bản đã tạo lập được hành lang pháp lý, đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo nghệ thuật, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân đồng thời củng cố, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các quy định tại Nghị định cũng là cơ sở để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc ...
Bên cạnh đó, biện pháp quản lý đối với hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn chưa phù hợp với thực tiễn, trong khi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động này có xu hướng tăng lên. Biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu và hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến những vướng mắc, bất cập...
Do vậy, việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là cần thiết, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước; tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng, thực thi pháp luật.
Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp tại Nghị định số 79, Nghị định số 15 và sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn quản lý.
Về bố cục, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, dự thảo Nghị định gồm 6 chương 31 điều. Cụ thể, Chương I (từ Điều 1-7) quy định chung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; điều kiện đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn; quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Chương II (từ Điều 8-13) quy định về biểu diễn nghệ thuật gồm 2 mục quy định về hình thức, thủ tục hành chính và biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật và hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Chương III (từ Điều 14-19) quy định về thi người đẹp, người mẫu gồm 2 mục quy định về hình thức, thủ tục hành chính và biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu và hoạt động của cá nhân từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu.
Chương IV (từ Điều 20-26) quy định quản lý đối với hoạt động lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật; điều kiện, thủ tục hành chính lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật; hoạt động lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật trên hệ thống phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; điều kiện về xuất khẩu, nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam.
Chương V (từ Điều 27-29) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ VHTTDL, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chương VI (từ Điều 30-31) quy định điều khoản thi hành Nghị định.
Thẩm tra dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị định nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định chỉ là giải pháp trong điều kiện chưa thể xây dựng luật hoặc pháp lệnh, do vậy, Ban Soạn thảo cần lưu ý việc bảo đảm phù hợp với các nội dung về quyền hưởng thụ, tiếp cận văn hóa của mọi người dân đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận.
Hồ sơ, quy trình xây dựng Nghị định trình UBTVQH đã được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao ý kiến đóng góp của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định, còn có những nội dung chưa rõ ràng, không còn phù hợp, phân cấp quản lý không rõ ràng....
Liên quan đến việc cấp phép cho người nước ngoài về Việt Nam biểu diễn hay ra nước ngoài biểu diễn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ VHTTDL cần có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, cơ quan quản lý để thực hiện tốt hơn vì đây là hoạt động liên quan đến tư tưởng, văn hóa của người dân và quản lý dân cư.
Liên quan đến hoạt động quản lý, cấp phép cho các cuộc thi người đẹp, người mẫu, việc phân cấp cho các địa phương cần phải có sự cẩn trọng vì liên quan đến quyền con người, Luật Dân sự, Luật Hộ tịch, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Việc sửa đổi Nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu lại dự thảo Nghị định; giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kết nối với Bộ ngành để góp ý kiến, thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng lại việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn./.