Cần thấu hiểu đặc thù trong công tác đào tạo nghệ thuật
19/08/2021 | 10:12Làm sao để học sinh ở các trường nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu cả về chuyên môn cho tới văn hoá là mục đích cao nhất đối với tất cả các trường hiện nay. Và vì vậy, sẽ rất cần một sự thấu hiểu, chia sẻ từ các Bộ, ngành liên quan để công tác đào tạo nghệ thuật đạt hiệu quả tốt nhất
Dựa trên Thông báo số 76/TB-VPCP ngày 8/4/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về cấp bằng tốt nghiệp THCS cho các học viên Học viện Múa Việt Nam và giảng dạy văn hóa THPT, với nội dung các cơ sở GDNN đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình GDTX được tiếp tục thực hiện, 4 cơ sở đào tạo nghệ thuật của Bộ VHTTDL đã đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép chủ động đào tạo văn hóa phổ thông tại trường.
Tuy nhiên mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu từ năm học 2021-2022, các trường này sẽ không được chủ trì thực hiện việc giảng dạy Chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT.
Kết hợp giữa cơ sở đào tạo nghệ thuật với các trung tâm GDTX cần nghiên cứu kỹ
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có công văn số 2785/SGDĐT-GDTX-CN gửi: Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, yêu cầu các trường này phải phối hợp với các trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tổ chức giảng dạy văn hóa cho học viên có nguyện vọng học Chương trình GDTX cấp THCS để xét tốt nghiệp THCS, cấp bằng tốt nghiệp THCS hoặc Chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, cấp bằng tốt nghiệp THPT. Yêu cầu từ năm học 2021-2022, các trường sẽ không được chủ trì thực hiện việc giảng dạy Chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT. Công văn nêu: "Trung tâm GDNN - GDTX có trách nhiệm chủ trì thực hiện các khâu chọn, cử và phân công giáo viên; tổ chức thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá, quản lý, lưu trữ hồ sơ, phê học bạ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình và thực hiện cấp văn bằng theo đúng quy định".
Sáng 16/8, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Vụ Đào tạo và các cơ sở đào tạo nghệ thuật của Bộ VHTTDL về những vấn đề vướng mắc của các trường khi thực hiện quy định này.
Lãnh đạo Vụ Đào tạo và các trường nghệ thuật đã chia sẻ nỗi lo lắng khi đã sát với kỳ tuyển sinh mà lại nhận được yêu cầu từ phía Sở GD&ĐT Hà Nội, theo họ là không phù hợp với thực tế đào tạo năng khiếu nghệ thuật đặc thù hiện nay; yêu cầu này cũng làm xáo trộn cách thức đào tạo GDTX ở các trường.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn cho rằng, việc kết hợp giữa cơ sở đào tạo nghệ thuật với các trung tâm GDTX cần có sự nghiên cứu, bàn thảo cụ thể chứ không thể vội vàng. Quan trọng nhất vẫn phải là hiệu quả của chất lượng đào tạo. Làm sao để học sinh các trường nghệ thuật đảm bảo được kiến thức chuyên môn và văn hoá.
Hiện nay, kết hợp GDTX tại các trường nghệ thuật của Bộ vẫn đang được duy trì theo hướng mở và tùy theo điều kiện của từng trường, có trường có riêng một khoa văn hóa đáp ứng mọi tiêu chuẩn và thực hiện đào tạo hệ GDTX rất tốt nhiều năm qua; trường không có điều kiện thì kết hợp với các trung tâm GDTX trên địa bàn để phối hợp đào tạo văn hoá.
Theo ông Lê Anh Tuấn, các trường nhận được công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội cần có sự trao đổi cụ thể với phía Sở, làm sao thống nhất để có thể chủ động được trong việc xây dựng kế hoạch học tập, tận dụng được những điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất cũng như cách thức đào tạo để không làm xáo trộn việc học hành cũng như phương thức đào tạo của nhà trường.
Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Lê Anh Tuấn, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam Trần Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam Ngô Lê Thắng đều cho rằng, nếu theo yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội, từ nay việc chủ trì, quản lý công tác dạy và học văn hóa của các cơ sở đào tạo nghệ thuật phải chuyển ra một trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn, việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đào tạo của các trường. Hơn nữa, phải thực hiện triển khai việc liên kết đào tạo với trung tâm GDTX ngay vào tháng 9/2021 là không phù hợp thực tế.
Theo Luật Giáo dục 2019, chỉ có trung tâm GDTX, trung tâm GDNN mới có nhiệm vụ thực hiện chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT, như vậy thì theo luật, các trường nghệ thuật sẽ không có chức năng thực hiện giảng dạy chương trình GDTX.
Lý do các cơ sở đào tạo nghệ thuật đề nghị đó là cần một cơ chế đặc thù đào tạo GDTX đối với đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Độ tuổi tuyển sinh ở các trường rất khác nhau, có trường phải thực hiện cả chế độ bảo mẫu đối với học sinh, nhằm đảm bảo cho các em được giáo dục toàn diện, được chăm sóc, quản lý chu đáo. Nếu liên kết với trung tâm thì việc tổ chức đưa đón, đảm bảo an toàn cho học sinh sẽ rất khó thực hiện, hoặc nếu thực hiện được thì sẽ phát sinh chi phí rất lớn cho nhà trường và phụ huynh học sinh trong khi học sinh đào tạo nghệ thuật đang thuộc diện hưởng trợ cấp của Nhà nước theo Đề án đào tạo các chuyên ngành khó tuyển sinh.
Một số trường như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam… đều có một khoa Văn hóa hoặc khoa Kiến thức phổ thông. Các khoa này đáp ứng đủ điều kiện quy định đối với một trung tâm GDTX của Bộ GD&ĐT như: Tiêu chuẩn công tác quản lý, tiêu chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học viên, tiêu chuẩn cơ sở vật chất và trang thiết bị…
Ông Ngô Lê Thắng cho biết: "Việc giảng dạy chương trình GDTX của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam được đặt dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy và được cấp mã định danh trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Đội ngũ giáo viên Khoa Văn hóa phổ thông của Trường được đào tạo chính quy, 100% giáo viên đều có trình độ đào tạo đại học và sau đại học. Cơ sở vật chất của Trường khang trang, sạch đẹp, được trang bị đầy đủ thiết bị, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy văn hóa ở tất cả các khối lớp. Đặc biệt, thời gian học văn hóa được sắp xếp hợp lý, hỗ trợ cho việc đào tạo, huấn luyện chuyên môn vào những khoảng thời gian nhất định trong năm để các em biểu diễn, thi đấu trong và ngoài nước hay phục vụ các nhiệm vụ chính trị… Trong nhiều năm qua, chất lượng đào tạo văn hóa phổ thông cho học sinh của Trường đều đạt kết quả tốt, thể hiện ở kết quả học tập lên lớp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT hằng năm rất cao. Năm học 2020-2021, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Trường đạt 100%".
Cần thấu hiểu đặc thù trong công tác đào tạo nghệ thuật
Lãnh đạo của 4 cơ sở đào tạo nghệ thuật nhận được công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội đều có chung kiến nghị chờ Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này và trong thời gian đó, xin được giữ nguyên mô hình đào tạo văn hóa hiện nay của từng trường. Đây không phải là lần đầu các cơ sở đào tạo nghệ thuật vấp phải những quy định chung của ngành giáo dục áp dụng cho mọi đối tượng. Đã nhiều lần Bộ VHTTDL cũng như các cơ sở đào tạo nghệ thuật có kiến nghị và có sự trao đổi, thống nhất để xác định tính đặc thù trong công tác đào tạo nhóm ngành nghệ thuật. Theo Chương trình khung giáo dục văn hóa thuộc nhóm ngành năng khiếu nghệ thuật thì các môn văn hóa được giảm đi và ưu tiên tập trung vào học chuyên môn, giúp học sinh, sinh viên có thời gian luyện tập, phát triển năng khiếu. Điều quan trọng là mỗi trường có thể chủ động lựa chọn phương thức học và đào tạo tại trường, nếu không có khoa văn hóa thì có thể kết hợp với một trung tâm GDTX để cùng đào tạo văn hóa cho học sinh.
Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam Trần Văn Hải cho rằng: "Lứa tuổi đào tạo, thời gian đào tạo, đặc thù của từng loại hình nghệ thuật… ở mỗi trường đều rất khác nhau, không thể theo công thức chung giống như đào tạo ở các ngành nghề khác trong xã hội. Đó là lý do các trường nghệ thuật rất mong được quyền tự chủ, lựa chọn hình thức đào tạo riêng. Với việc dạy và học văn hóa phổ thông, theo tôi, nên để mỗi cơ sở tự xây dựng đề án đào tạo để đảm bảo hoàn thành cả hai chương trình một cách hợp lý.
Trước những băn khoăn, lo lắng của lãnh đạo Vụ Đào tạo và các cơ sở đào tạo nghệ thuật, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, trước tiên các trường cần có văn bản và có sự trao đổi với Sở để làm rõ hơn về đặc thù trong công tác đào tạo nghệ thuật, làm rõ năng lực tổ chức giảng dạy giáo dục văn hóa phổ thông của mình. Đồng thời, đề nghị Sở cho phép được chủ động tổ chức giảng dạy chương trình GDPT, đề nghị cho phép được tiếp cận đầy đủ các phần mềm cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục, được tiếp cận các hướng dẫn về thi, kiểm tra văn hóa phổ thông hệ GDTX…
"Việc giảm tải các môn văn hóa, tăng cường các tiết học chuyên ngành của các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật đã được sự thống nhất thành chủ trương, văn bản thực hiện nhiều năm nay là để hướng tới đào tạo nghệ sĩ tài năng cho nền nghệ thuật nước nhà. Làm sao để học sinh ở các trường nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu cả về chuyên môn cho tới văn hóa là mục đích cao nhất đối với tất cả các trường hiện nay. Và vì vậy, sẽ rất cần một sự thấu hiểu, chia sẻ từ các Bộ, ngành liên quan để công tác đào tạo nghệ thuật đạt hiệu quả tốt nhất", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Đánh giá về chất lượng đào tạo văn hóa phổ thông, Thứ trưởng nhận định, các cơ sở đào tạo nghệ thuật đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức giảng dạy chương trình GDPT theo đúng các quy định hiện hành về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án, quản lý học bạ, các quy định về xét và công nhận tốt nghiệp... Chất lượng đào tạo được đảm bảo với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hằng năm rất cao./.