Cần nhìn thẳng vào tồn tại trong việc triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2020
02/09/2021 | 11:43Ngày 1/9, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã chủ trì về buổi làm việc về báo cáo Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đàm Quốc Chính – Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (Đề án 641) cho biết, sau 10 năm triển khai, những người trực tiếp triển khai Đề án khó có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra bởi nhiều khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan.
Theo đó, Đề án có hai giai đoạn gồm Giai đoạn 1 (2011-2020) với mục tiêu thực hiện thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng, thể dục thể thao (TDTT) và Giai đoạn 2 (2021-2030) với mục tiêu thụ hưởng thành quả của giai đoạn 1 để thực hiện mở rộng phạm vi toàn quốc và hoàn thiện Đề án (2021-2030).
Đề án này có sự tham gia, phối hợp của Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT và các Bộ Y tế; Bộ GD&ĐT; Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội...
Ông Đàm Quốc Chính cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không thể đạt được mục tiêu là do không có kinh phí triển khai dù nhiều nội dung, nhiệm vụ của các chương trình thành phần đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, việc thiếu tính đồng bộ khi triển khai Đề án giữa trung ương và địa phương cũng là nguyên nhân dẫn đến Đề án chưa thực sự hiệu quả.
"Theo quy chế hoạt động của Ban điều phối, quy định các chương trình hoạt động độc lập, thành viên Ban chủ nhiệm chương trình làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Do đó, việc liên kết hoạt động điều phối chung về thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ triển khai rất khó khăn" – ông Đàm Quốc Chính phân tích.
Mặt khác, do kết quả thực hiện nhiệm vụ chương trình 1 (nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến yếu tố thể lực, tầm vóc người Việt Nam) không được triển khai do không có kinh phí dẫn đến ảnh hưởng tới các chương trình 2, 3 và 4.
Cụ thể, cả 3 chương trình trên dù vẫn triển khai nhưng dựa trên các kết quả nghiên cứu nhỏ lẻ, không có tính đại diện hoặc dựa trên các kết quả nghiên cứu của các quốc gia khác nên không phù hợp với thể lực, tầm vóc con người Việt Nam.
"Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tính thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán về cơ sở khoa học đối với việc triển khai đề án trong thực tiễn. Thậm chí làm cho việc báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Đề án mang tính khiên cưỡng vì không có những số liệu dẫn chứng cụ thể. Cùng với đó hệ thống cơ sở vật chất tuy đã có sự đầu tư, sự quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi ở cấp Tiểu học có 17% số trường có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT; cấp trung học cơ sở có 12% số trường có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT; cấp trung học phổ thông có 30% số trường có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT" – ông Đàm Quốc Chính nói.
Phát biểu tại buổi họp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định, Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam mang tính nhân văn cao, mục tiêu đề án hướng đến nhằm phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành chưa thực sự tốt, nguồn lực triển khai còn rất khó khăn và các thành viên Ban điều phối đã rất nỗ lực trong những năm qua.
Sau khi lắng nghe một số ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, đánh giá cao những sự cố gắng của các thành viên của Ban điều phối trong những năm qua.
"Chúng ta phải nhìn thẳng vào những tồn tại, nguyên nhân của việc chậm tiến độ so với kế hoạch mà Đề án đã đề ra. Cùng với đó là phải xem lại tổng thể những hiệu quả mà Đề án đã đạt được, đánh giá thật kỹ để đưa ra những giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Đồng thời, các đề xuất cũng phải chi tiết đối với các Bộ, ban ngành liên quan và sớm hoàn thiện lại báo cáo trước 15/9" – Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu./.