Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

"Cần nhân rộng mô hình người dân tham gia giám sát, loại bỏ tiêu cực trong lễ hội"

10/02/2014 | 11:31

Mở đầu kế hoạch công tác trong năm mới 2014, trong các ngày 7-8.2 (tức ngày 8-9 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị, quản lý và tổ chức lễ hội tại một số điểm di tích, lễ hội trọng điểm trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình.

Ghi nhận những chuyển biến tích cực, Bộ trưởng lưu ý, mùa lễ hội còn kéo dài, công tác quản lý và tổ chức cần bám sát, không được lơ là. Đặc biệt, cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý nhà nước và sự nhập cuộc của chính người dân với vai trò là đối tượng tham gia, cũng như là chủ thể của các lễ hội.

Lễ hội Yên Tử: Chủ động lường trước các tình huống và giải pháp ứng phó


Ngày 7.2 (mồng 8 tháng Giêng), hai ngày trước khi chính thức khai hội Yên Tử, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị tại Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), trong đó lưu ý các khâu chuẩn bị đón tiếp khách, khu vực bến bãi đỗ xe, cáp treo, hệ thống nhà vệ sinh, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm..., đặc biệt, điểm nhấn trọng tâm được quan tâm là số lượng, vị trí đặt các hòm công đức, công tác quản lý tiền giọt dầu...

Cần nhân rộng mô hình người dân tham gia giám sát, loại bỏ tiêu cực trong lễ hội 
“Đây mới là thời điểm đầu tiên của mùa lễ hội. Bên cạnh việc ghi nhận những chuyển biến tích cực của công tác tổ chức lễ hội và ý thức tham gia lễ hội của người dân ngày một nâng cao thì các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng vẫn phải duy trì chặt chẽ việc kiểm tra, thanh tra tại các lễ hội để mọi hoạt động của lễ hội đi vào nề nếp. 
Các quy định về việc quản lý, tổ chức và triển khai lễ hội của Chính phủ, của Bộ đã đi vào đời sống thì phải củng cố để nó ngấm sâu, lan toả rộng hơn nữa. Tôi đặc biệt hoan nghênh mô hình huy động người dân tham gia giám sát và loại bỏ các hiện tượng tiêu cực còn tồn tại trong lễ hội. Mô hình này cần được triển khai, nhân rộng ra tất cả các tỉnh, thành trong cả nước” Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh

Mặc dù chưa tới ngày khai hội nhưng lượng khách hành hương đổ về miền đất thiêng Yên Tử trong những ngày đầu năm ước tính tăng vượt trội so với năm trước.

Ghi nhận những nỗ lực trong công tác chuẩn bị cho lễ hội xuân Yên Tử, Bộ trưởng lưu ý, với hàng vạn du khách mỗi ngày, địa hình phức tạp, chính quyền địa phương, BQL di tích và BTC lễ hội cần luôn luôn sát sao theo dõi những diễn biến, hoạt động của lễ hội, chủ động lường trước các tình huống và giải pháp ứng phó; kiên quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực như bán hàng rong, ăn xin đeo bám khách, nạn xóc quẻ thẻ, bán thịt thú rừng tại di tích; tăng cường kiểm soát công tác phòng cháy chữa cháy; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự; an toàn cho du khách hành hương.

Đặc biệt chú ý không để xảy ra việc đổi tiền lẻ chênh lệch giá tại di tích, hạn chế tình trạng rải tiền lẻ; quản lý tiền công đức theo tiêu chí công khai, minh bạch... Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh, là lễ hội trọng điểm nên Hội xuân Yên Tử cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia lễ hội.

Đoàn công tác cũng đã trao đổi một số vấn đề về công tác VHTTDL trên địa bàn, điểm nhấn là công tác quản lý, tổ chức lễ hội 2014. Báo cáo Bộ trưởng về kế hoạch tổ chức Hội xuân Yên Tử 2014, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Uông Bí Nguyễn Thành Phố cho biết, lễ hội năm nay có nhiều nét mới.

Điểm nhấn là công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông vừa khánh thành; các lễ cầu an, cầu phúc được Tỉnh hội Phật giáo tổ chức trong đêm cùng chương trình hành trình về nguồn dự kiến sẽ thu hút lượng lớn du khách trong những ngày đầu xuân 2014. “Công tác quản lý đã được triển khai rất tích cực.

 Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh trực
tiếp kiểm tra một điểm dịch vụ phục vụ người đi lễ tại Yên Tử

Du khách xếp hàng đi cáp treo lên chùa Hoa Yên, Yên Tử (sáng 7.2)


Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tổ chức và phối hợp quản lý lễ hội đã được ban hành, tập trung vào quản lý hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa du lịch; vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông... Đặc biệt, BTC lễ hội đã tăng cường quản lý, không để xảy ra các dịch vụ đổi tiền lẻ chênh lệch giá tại khu di tích...”, ông Nguyễn Thành Phố nhấn mạnh.

So với Hội xuân 2013, lễ hội Yên Tử năm nay đã giảm 41 điểm dịch vụ dọc tuyến, bố trí sắp xếp các điểm dịch vụ tại các nhà ga đảm bảo trật tự, văn minh; sắp xếp và cấp thẻ cho đội ngũ dịch vụ chụp ảnh tại Yên Tử. UBND TP. Uông Bí cũng đã quyết định thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc niêm yết và bán theo giá niêm yết, ngăn chặn việc bán hàng rong, ép giá...

Đáng chú ý, năm nay, có 4 địa điểm tổ chức trông giữ phương tiện miễn phí cho du khách được lập tại chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực và chùa Lân. Liên đoàn Lao động thành phố thành lập Nghiệp đoàn xe ôm để phục vụ du khách...

 Bộ trưởng trao đổi với lãnh đạo tỉnh và BTC Lễ hội phát lương tại đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) sáng 8.2


Lễ phát lương đền Trần Thương: Đảm bảo an toàn cho du khách


Hội Xuân Yên Tử 2014: Có nhiều điểm mới 
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Uông Bí Nguyễn Thành Phố cho biết, lễ hội Yên Tử năm nay đã giảm 41 điểm dịch vụ dọc tuyến, đồng thời bố trí sắp xếp các điểm dịch vụ tại các nhà ga đảm bảo trật tự, văn minh; sắp xếp và cấp thẻ cho đội ngũ dịch vụ chụp ảnh tại Yên Tử. UBND TP. Uông Bí cũng đã quyết định thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc niêm yết và bán theo giá niêm yết, ngăn chặn việc bán hàng rong, ép giá... Đáng chú ý, một trong những điểm mới của mùa lễ hội năm nay là có 4 địa điểm tổ chức trông giữ phương tiện miễn phí cho du khách được lập tại chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực và chùa Lân. Liên đoàn Lao động thành phố cũng đã thành lập Nghiệp đoàn xe ôm để phục vụ du khách...
 

Ngày 8.2 (mồng 9 tháng Giêng), Đoàn công tác đã kiểm tra các hoạt động chuẩn bị tổ chức lễ hội tại Đền Trần Thương (Hà Nam), đặc biệt là công tác chuẩn bị cho lễ phát lương, bắt đầu từ đêm 14 tháng Giêng. Tiếp và cùng tham gia kiểm tra có Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trần Xuân Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Mai Tiến Dũng.

Năm 2014 là năm thứ 5 lễ phát lương đền Trần Thương được tổ chức. Theo lãnh đạo tỉnh, năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm về công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác tuyên truyền của lễ hội. Mọi điều kiện để tổ chức lễ hội được chuẩn bị chu đáo, trọng tâm từ đêm 14 tháng Giêng và ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Ngọ.

Sau khi kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và đoàn công tác đã đánh giá cao công tác chuẩn bị về mọi mặt cho lễ hội. Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Hà Nam nhiều năm qua đã có nhiều chuyển biến, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, đốt đồ mã nơi công cộng...

Bộ trưởng lưu ý, lễ phát lương đền Trần Thương năm 2014 cần chuẩn bị chu đáo, tập trung các yếu tố nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, trật tự và văn minh cho lễ hội, kế thừa những kết quả đã có được từ các năm trước. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các vấn đề về vệ sinh môi trường, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, quản lý và hướng dẫn người dân không rải tiền lẻ lộn xộn, gây phản cảm...

Đoàn công tác cũng đã tới kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà thi đấu Đa năng của tỉnh Hà Nam. Nhà thi đấu có quy mô 7.500 chỗ ngồi, hiện đang được đẩy nhanh tiến độ để phục vụ tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014.

Nhân dịp về công tác đầu năm tại tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng đã đến kiểm tra tiến độ
và chất lượng xây dựng Nhà thi đấu đa năng của tỉnh để phục vụ Đại hội TDTT Toàn quốc 2014


Nhân rộng mô hình huy động người dân giám sát, loại bỏ tiêu cực


 Nạn rải và cài tiền lễ tràn lan tại nơi thờ tự giảm rất nhiều 
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Văn Hóa tại các điểm di tích, lễ hội lớn trong dịp đầu năm như chùa Hương, chùa Thầy, Đền Và, Chùa Mía (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), đền Trần Thương (Hà Nam), đền thờ vua Đinh- Lê, chùa Bái Đính (Ninh Bình)..., so với những năm trước, hiện tượng rải tiền lẻ tràn lan, cài cắm lên tượng Phật, ném tiền xuống giếng, ao, hồ... đã giảm đi rất nhiều. Bên cạnh công tác tuyên truyền được BQL các di tích, BTC lễ hội đẩy mạnh, ý thức người dân tham gia các lễ hội cũng đã được nâng cao.

Cùng ngày 8.2, Đoàn công tác đã kiểm tra công tác tổ chức lễ hội đầu năm tại Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư và chùa Bái Đính, Ninh Bình.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng cho biết, tỉnh luôn quan tâm đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đầu xuân 2014, lượng khách đến các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh khá đông nhưng cơ bản đã hạn chế được tình trạng lộn xộn, ý thức du khách tiến bộ hơn.

Các hiện tượng như cài tiền vào tay tượng, ném tiền xuống giếng, ao, hồ, tình trạng bán hàng rong, đặt thang vượt tường rào vào khu di tích... đã cơ bản được giải quyết. An ninh trật tự được đảm bảo; tình trạng ăn xin, trộm cắp, chèo kéo khách, bán hàng rong... giảm đáng kể, tạo điều kiện an toàn, thuận lợi cho du khách.

Khảo sát thực tế tại các địa điểm nói trên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao công tác giữ gìn cảnh quan môi trường, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu di tích lịch sử, điểm tham quan trên địa bàn.

Dù lượng khách tham quan đông nhưng tình trạng lộn xộn, xả rác, rải tiền lẻ bừa bãi, gài, cắm tiền vào tay tượng tại các khu di tích lịch sử, điểm tham quan... như một số năm trước đã được hạn chế. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm, dịch vụ chụp ảnh được quy hoạch thành khu riêng cũng đã góp phần giải quyết tình trạng chen lấn, chèo kéo khách. Tỉnh đã tăng cường lực lượng phân luồng, hướng dẫn xe vào bến, bãi, tránh tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự...

Tại chùa Bái Đính, nơi thu hút hàng vạn lượt du khách mỗi ngày, một bến xe rộng hơn 200 ha đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng, đồng thời trang bị thêm xe điện phục vụ việc đưa, đón khách đến các điểm tham quan. Hệ thống tường rào bao quanh chùa đã được kiên cố hóa nên không còn tình trạng du khách trèo qua tường vào chùa như những năm trước.

Bộ trưởng hoan nghênh sự sát sao, quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cùng sự vào cuộc hiệu quả của người dân với vai trò giám sát các hoạt động tại lễ hội, góp phần loại bỏ tiêu cực.

Theo Bộ trưởng, đây là mô hình cần tiếp tục nhân rộng nhằm đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý lễ hội. Bộ trưởng đề nghị, mùa lễ hội còn dài, các cơ quan chức năng của tỉnh, BQL các di tích lịch sử, điểm tham quan trên địa bàn cần tiếp tục siết chặt công tác quản lý, không để tái diễn những hiện tượng phản cảm làm phiền lòng du khách.

Bộ trưởng cũng đã đến kiểm tra tại khu vực bến thuyền thuộc Quần thể danh thắng Tràng An. Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của du khách trong dịp đầu năm, tại đây đã trang bị thêm một số lượng thuyền du lịch, đồng thời tổ chức, sắp xếp lại để giải quyết tình trạng lộn xộn khi lượng khách tập trung đông. Bộ trưởng lưu ý, những ngày đầu năm, lượng khách tăng cao, đặc thù khu vực bến thuyền lại chật hẹp, vì vậy đề nghị BQL Quần thể danh thắng cần đặc biệt chú ý công tác quản lý nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, tránh để xảy ra các hiện tượng lộn xộn, mất an ninh trật tự...

Lễ hội chùa Bái Đính: Người bán hàng tham gia dẹp bỏ nạn ăn xin

Bộ trưởng cùng Đoàn công tác kiểm tra hệ thống tượng Phật tại chùa Bái Đính. Những năm trước, đây là nơi du khách thường cài tiền lễ lên chân, tay tượng nhưng năm nay hiện tượng này đã giảm hẳn

Chiều 8.2, Bộ trưởng đã trực tiếp kiểm tra tại bến đò thuộc Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) 

Theo ông Lâm Quang Nghĩa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Bình, một trong những vấn nạn tạo nên hình ảnh phản cảm tại các lễ hội đầu năm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại Chùa Bái Đính- một lễ hội lớn thu hút đông đảo du khách dịp đầu năm là tình trạng ăn xin, ăn mày chèo kéo khách hành hương. Kiên quyết dẹp bỏ tình trạng này, các ban, ngành chức năng của tỉnh đã cùng vào cuộc để tìm những giải pháp cụ thể, hiệu quả.

Bên cạnh việc cảnh cáo các chủ xe chở người ăn xin, hành khất từ nơi khác đến hành nghề tại địa bàn lễ hội, các cơ quan chức năng đã phát động các chủ cửa hàng xung quanh khu vực di tích cùng giám sát, phát hiện và phối hợp để xử lý các trường hợp ăn mày, ăn xin chèo kéo, lợi dụng du khách. Nhờ vậy, tình trạng này đã cơ bản được phát hiện và giải quyết kịp thời, trả lại hình ảnh đẹp vốn có của lễ hội đầu năm. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×