Cần huy động sức mạnh của toàn xã hội đề bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số
31/10/2018 | 17:30Chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có phần trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số và liên kết vùng trong du lịch có "bỏ quên" tỉnh Bắc Kạn?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, bảo tồn di sản văn hóa đối với đồng bào dân tộc thiểu số là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của ngành VHTTDL.
Trong những năm vừa qua, Bộ VHTTDL đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và nhiệm vụ. Trong đó, thứ nhất là tiến hành điều tra và kiểm kê để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay đã có 134 di sản văn hóa phi vật thể trên 271 di sản văn hóa phi vật thể của cả nước được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, tiến hành lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, hai di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đang được trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Xòe Thái và Hát Then Đàn Tính.
Thứ hai, hằng năm, Bộ VHTTDL triển khai nhiều hoạt động chào mừng ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4. Định kỳ tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung Tây Nguyên; giao lưu văn hóa với từng dân tộc như Ngày hội Văn hóa dân tộc Hoa, Thái, Chăm, Mường, Dao… với quy mô toàn quốc; Giao lưu Liên hoan nghệ thuật Hát Then Đàn Tính dân tộc Tày- Nùng- Thái; Giao lưu văn hóa nghệ thuật các tuyến biên giới VN- Lào, VN-Cam pu chia.
Một nhiệm vụ nữa cũng được Bộ VHTTDL chú trọng là điều tra sưu tầm, thống kê và tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một cao. Đến nay đã hỗ trợ, phục dựng và bảo tồn được 85 lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Dáy, Brau Ê đê, Khơ Mú, Pà Thẻn, Bố Y…
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án bảo tồn làng bản, buôn truyền thống. Đến nay đã có hơn 32 làng bản, buôn của 35 dân tộc như Xtiêng, Khơ Mú, Mông, Mường, Tày, Dao, Lô Lô… được hỗ trợ đầu tư bảo tồn.
Đã tiến hành dự án bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục của các dân tộc thiểu số. Hằng năm, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10 nghìn người thông qua các việc mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể cho các dân tộc có số dân ít người như Mạ, La Hủ, Cống, Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brau, Chứt…tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Nghệ An, Cao Bằng, Kon Tum…
Các lớp học do các nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trực tiếp truyền dạy đã được mở ra. Đã tiến hành phong tặng 276 nghệ nhân là đồng bào các dân tộc thiểu số, những người nắm giữ các di sản như dân ca, dân vũ, nhạc, tiếng nói, chữ viết… để truyền dạy là cho các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ VHTTDL định kỳ tổ chức gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số có số dân dưới 10 nghìn người để trực tiếp lắng nghe các ý kiến đề xuất, tâm tư nguyện vọng của đồng bào.
Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập huấn công tác bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong cán bộ văn hóa xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín.
Hỗ trợ mỗi năm khoảng 100 văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số ở Hội văn học nghệ thuật tham gia vào các trại sáng tác.
Chỉ đạo phối hợp các địa phương, các đoàn văn hóa nghệ thuật, các đội văn nghệ cấp thôn bản thường xuyên xây dựng các chương trình nghệ thuật ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra còn nhiều nhiệm vụ khác cũng được Bộ VHTTDL thực hiện nhằm bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chia sẻ nỗi lo lắng của các Đại biểu Quốc hội về nguy cơ nhiều di sản văn hóa của đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số mai một, biến dạng do hiện nay, chưa có điều kiện để bảo tồn hết tất cả các di sản văn hóa dân tộc thiểu số. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, để hạn chế điều này, cần huy động sức mạnh toàn xã hội trong bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số.
Không tỉnh nào bị bỏ quên trong phát triển liên kết vùng du lịch
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn- Hồ Thị Kim Ngân- về kết nối du lịch các tỉnh Đông Bắc, đặc biệt là Bắc Kạn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, du lịch là hoạt động mang tính liên vùng, liên ngành, có tính chất xã hội hóa rất cao. Hiện nay, không có một địa phương nào có thể một mình phát triển du lịch được, luôn phải liên kết. Bộ trưởng khẳng định, trong những năm vừa qua, liên kết du lịch vùng đã đạt hiệu quả rất cao. Đối với vùng Đông Bắc, đây là vùng có nhiều tài nguyên, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, liên kết vùng này chưa triển khai hiệu quả và thiết thực.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, hiện nay đã có đưa vào quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Ba Bể và đã có nhiều tập đoàn vào tỉnh này đầu tư các thiết chế du lịch. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của của ngành, Bộ sẽ quan tâm đến du lịch Bắc Kạn cũng như các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung để liên kết du lịch vùng này đạt được hiệu quả cao, xứng đáng với tiềm năng du lịch của vùng./.
Hoàng Nguyên