“Cần có quy hoạch và kế hoạch khai thác các giá trị của địa phương”
04/09/2009 | 07:00(VH)- Tiếp tục chuyến công tác ở các tỉnh Tây Nguyên, sáng ngày 29.7, tại TP. Đà Lạt, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các Sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng về tình hình phát triển văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh; công tác chuẩn bị Festival Cồng chiêng-2009 tại Gia Lai vào tháng 11 tới.
Dự và cùng chủ trì buổi làm việc với Bộ trưởng có Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Đức Hoà.
Báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác về tình hình thực hiện kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2009 và kết quả hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh, ông Trương Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian qua các hoạt động của ngành đạt được nhiều kết quả tích cực, có nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn hoá của nhân dân trong tỉnh; công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được chú trọng; các hoạt động thể dục, thể thao trong tỉnh tiếp tục gặt hái nhiều thành công ở cả hai nội dung thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt-Lâm Đồng ngày càng tăng, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch năm sau cao hơn năm trước.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh tập trung triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020” của Bộ VH,TT&DL; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn liền với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện tốt chương trình xây dựng xã điểm đạt chuẩn văn hoá; đôn đốc thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá cồng chiêng”; xây dựng chiến lược phát triển TDTT thành tích cao đến năm 2020; đẩy mạnh công tác quy hoạch và đầu tư du lịch... Căn cứ vào tình hình hoạt động thực tiễn trong những năm tới, lãnh đạo tỉnh cũng đã đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng và Đoàn công tác một số vấn đề quan trọng.
Phát biểu góp ý cho việc phát triển ngành văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới, bên cạnh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong những năm qua, nhất là lĩnh vực bảo tồn văn hoá, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và du lịch, các thành viên trong Đoàn công tác cũng đã đưa ra nhiều gợi ý quan trọng. Cụ thể như đẩy mạnh hơn nữa trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị di sản văn hoá bản địa trên địa bàn tỉnh, xây dựng ngân hàng dữ liệu văn hoá phi vật thể, tăng cường quảng bá hoạt động du lịch thông qua tổ chức nhiều sự kiện, phát triển những loại hình thể thao phù hợp với địa hình của tỉnh... Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo tỉnh, các thành viên trong Đoàn công tác, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cấp chính quyền trong việc duy trì phát triển đà tăng trưởng kinh tế, tình hình chính trị, an ninh và quốc phòng tiếp tục được giữ vững, tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày càng được củng cố, đặc biệt đời sống của người dân đang từng bước được nâng cao và có sự chuyển biến rõ rệt. Bộ trưởng nhấn mạnh, Lâm Đồng là một trong những tỉnh của Tây Nguyên có nhiều thế mạnh nhất trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và du lịch. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo và quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các cấp uỷ, chính quyền, những lợi thế, tiềm năng về điều kiện thiên nhiên, khí hậu, di tích, danh thắng... đã được tổ chức quy hoạch, đầu tư, khai thác và phát huy giá trị một cách tương đối hiệu quả. Bộ trưởng mong rằng, trong thời gian tới, tỉnh cần có nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi hơn để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, những giá trị, tiềm năng và lợi thế đó của tỉnh vẫn chưa được khai thác, phát huy một cách tương xứng, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá, thể thao và du lịch. Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới các cấp uỷ, chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Mọi sự phát triển kinh tế-xã hội cuối cùng cũng đều tập trung cho sự phát triển con người, vì thế tỉnh nghiên cứu và ra Nghị quyết về xây dựng Chiến lược phát triển văn hoá, thể dục, thể thao. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực VH,TT&DL nhất là tuyến cơ sở. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá trong đó có di tích, danh lam thắng cảnh đã được tỉnh quan tâm và đạt được nhiều kết quả, nhưng Bộ trưởng cũng cho rằng, việc khai thác những giá trị đó cần phải có quy hoạch, kế hoạch gắn liền, gắn chặt chẽ với công tác gìn giữ, trùng tu, tôn tạo chứ không thể khai thác một cách cạn kiệt tài nguyên văn hoá này. Để làm được điều này không chỉ có ngành VH,TT&DL mà cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng. Tiếp đó, cần đẩy mạnh và thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra nhà nước đối với các dịch vụ văn hoá, du lịch trên địa bàn. Ông nhấn mạnh, nếu chỉ kiểm kê số lượng các dịch vụ hoạt động văn hoá, du lịch thì chưa đủ mà cần phải có đánh giá về chất lượng, hiệu quả, mặt tích cực lẫn hạn chế của lĩnh vực này. Có như vậy mới kịp thời đưa ra những biện pháp, giải pháp chấn chỉnh. Cán bộ của Sở, phòng cần thường xuyên đi kiểm tra, thanh tra cơ sở để nắm bắt tình hình thực tiễn, theo đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo tỉnh.
Bộ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao việc tỉnh đã ban hành tiêu chí xây dựng xã, phường văn hoá. Tuy thời gian xây dựng chưa nhiều nhưng có thể nói đây là mô hình để cho nhiều địa phương khác tham khảo, học tập. Ông cũng nói, xây dựng tiêu chí thì không khó lắm nhưng quan trọng hơn nhiều là làm sao những tiêu chí xã, phường văn hoá đó trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, làm cho diện mạo cơ sở ngày càng khang trang, sạch đẹp. Nhằm đưa những tiêu chí này đi vào cuộc sống, đề nghị các cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao, chứ không nên rơi vào tình trạng “khi đăng ký thì tổ chức rầm rộ, còn đi vào xây dựng lại nhạt nhoà”. Là một tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng trên nhiều lĩnh vực, và để Đà Lạt trở thành một thành phố du lịch bền vững thì ngoài việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp, khoa học, cũng cần phải đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này. Thường xuyên liên kết với các địa phương, các thành phố lớn để xây dựng nên những tuyến điểm du lịch hấp dẫn du khách đến với địa phương. Chú trọng và quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá, sân bay... nhằm tạo điều kiện cho du khách đến với tỉnh thuận lợi. Bộ trưởng cũng lưu ý, những ý kiến phát biểu của các thành viên trong Đoàn công tác rất có giá trị, vì vậy đề nghị lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành quan tâm nghiên cứu và đưa vào kế hoạch phát triển.
Tại đây, Bộ trưởng cũng đã ghi nhận và đồng ý với nhiều đề xuất và kiến nghị của lãnh đạo tỉnh. Bộ trưởng đã giao cho các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện nghiên cứu những kiến nghị của tỉnh, ngành và trong thời gian tới có sự tư vấn, giúp đỡ một cách hiệu quả.
Theo Báo Văn Hóa