Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần có một hội nghị “bàn tròn” ngành Thể thao trong thời gian tới

16/09/2021 | 21:45

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng giao Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì để chuẩn bị tổ chức một hội nghị "bàn tròn" của ngành Thể thao trong thời gian tới.

Cần có một hội nghị “bàn tròn” ngành Thể thao trong thời gian tới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì và phát biểu tại buổi làm việc với Tổng cục Thể dục thể thao.

Chiều 16/9, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc với Tổng cục Thể dục thể thao. Cùng dự có Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương.

Buổi làm việc được trực tuyến tới các điểm cầu là Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh nhằm nhìn lại quá trình chuẩn bị và tham dự Olympic Tokyo 2020 của Đoàn Thể thao Việt Nam, đồng thời bàn kế hoạch, mục tiêu cho những giải thi đấu thể thao trong nước, quốc tế trong thời gian tới.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thể dục thể thao, Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 với tổng cộng 43 thành viên, trong đó có 18 VĐV, 18 HLV, chuyên gia, lãnh đội. Sau 11 ngày thi đấu, thành tích tốt nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam là lọt vào bán kết nội dung 400m rào nữ của VĐV Quách Thị Lan, môn Điền kinh.

Chính vì vậy, ngay từ đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu các lãnh đạo Tổng cục, các đại biểu tham dự phát biểu thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế đó là vì sao Đoàn Thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào tại Olympic Tokyo 2020 để từ đó rút ra được bài học, đưa ra được giải pháp cụ thể, thiết thực nhất cho thời gian tới.

Buổi làm việc trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn đã đi thẳng vào những tồn tại, hạn chế và "nút thắt" cần tháo gỡ của ngành thể dục thể thao trong thời gian qua. Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, mục đích của việc nhìn lại kỳ Olympic vừa qua là để nhìn rõ hơn thực lực của Thể thao Việt Nam, từ đó rút ra được bài học gì.

Đi sâu vào phân tích, luận giải một số ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng cho rằng, bài toán đặt ra hiện nay đó là muốn có thế hệ VĐV giỏi thì bên cạnh với việc phải nuôi dưỡng, phát hiện sớm thì còn phải có "thầy" giỏi. Về việc này, ông giao Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì để chuẩn bị tổ chức một hội nghị "bàn tròn" của ngành Thể thao trong thời gian tới.

Theo đó, hội nghị này sẽ huy động sự tham của gia các nhà khoa học chuyên ngành về thể thao, kết nối trực tuyến với các địa phương để từ đó tìm ra được giải pháp nhằm giúp Thể thao Việt Nam đạt thành tích tốt hơn trong thời gian tới, gần nhất là ASIAD 2022.

Theo Bộ trưởng, muốn có được thành tích tốt hơn ở các giải đấu tới cần phải bàn tính để lựa chọn môn thể thao mà Việt Nam có lợi thế tham gia trên luận cứ khoa học thực tiễn, tiếp đó là các vấn đề như tuyển chọn VĐV và HLV…

Cần có một hội nghị “bàn tròn” ngành Thể thao trong thời gian tới - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Bên cạnh với việc triển khai hội nghị, Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành Thể thao cần tập trung xây dựng được chiến lược phát triển cho ngành trong thời gian tới để trình Thủ tướng Chính phủ. Để làm được việc này, cần tổ chức rút kinh nghiệm, nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu phải thành lập ngay một ban soạn thảo chiến lược có chuyên môn sâu và trải nghiệm về thực tiễn. Trong đó, chiến lược này phải thể chế hóa các quan điểm của Đảng về thể thao, nhất là Nghị quyết của Đại hội Đảng khóa 13 về thể thao.

"Quan điểm là phải phát triển hài hòa quần chúng và thành tích cao. Phải đặt ra được mục tiêu 5 năm tới mà ngành Thể thao đạt được là cái gì. Mục tiêu phải thực chất, có khoa học nếu không chiến lược này sẽ không thành công. Đi kèm với đó là xây dựng các đề án, phải chọn đề án nào là động lực để phát triển ngành" - Bộ trưởng yêu cầu.

Gợi mở vấn đề phải chăng đề án động lực mà chúng ta đang thiếu là việc tuyển chọn HLV, Bộ trưởng yêu cầu khi xây dựng chiến lược phải kết tinh trí tuệ của toàn ngành và phải làm căn cơ và bài bản.

Cũng theo Bộ trưởng, ngành Thể thao cũng cần có cách tiếp cận mới đó là hợp tác công tư trong đầu tư, không thể mãi trông chờ vào nguồn lực đầu tư Nhà nước. "Lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao phải luôn trăn trở, suy nghĩ, lúc nào cũng cảm thấy áp lực với công việc. Bên cạnh đó phải phát huy sự sáng tạo để có nhiều giải pháp hơn nữa đối với ngành" - Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị ngay từ đội ngũ cán bộ ngành thể thao cần phải rèn luyện để giữ được tâm sáng, nhiệt huyết, xây dựng một thể đoàn kết, thống nhất, có mục tiêu…như vậy thì tương lai của ngành Thể thao mới phát triển xứng tầm được.

Nhấn mạnh về thời gian diễn ra Đại hội Thể thao châu Á 2022 không còn dài, Bộ trưởng một lần nữa yêu cầu Tổng cục Thể dục thể thao cần nhìn lại bài học từ Olympic Tokyo để có đánh giá một cách tổng quan, thực chất về thực lực của ngành. "Đây không chỉ là sân chơi mà còn là thể diện và ngân sách của quốc gia" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành Thể thao sớm đưa vào kế hoạch tập luyện, tổ chức thi đấu trong nước, nước ngoài, tập huấn cho các HLV, VĐV. Khi kế hoạch này ban hành, toàn ngành thể thao phải nỗ lực để thực hiện với những mục tiêu cụ thể./.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×