Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cải lương thổi hồn cho Xiếc kể câu chuyện về huyền tích Mẫu Liễu Hạnh

11/01/2022 | 10:01

Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa ra mắt vở diễn "Thượng thiên Thánh mẫu". Vở diễn được xây dựng dựa trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh- vị đệ nhất Thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Sự kết hợp tinh tế và hấp dẫn

Sau thành công của tác phẩm sân khấu Cây gậy thần, chuỗi chương trình Huyền sử Việt với sự kết hợp giữa Cải lương và Xiếc lại tiếp tục gây ấn tượng với khán giả trong vở diễn Thượng thiên Thánh mẫu.

Cải lương thổi hồn cho Xiếc kể câu chuyện về huyền tích Mẫu Liễu Hạnh - Ảnh 1.

Nghệ thuật xiếc được thổi cao những câu chuyện có ý nghĩa trở nên hấp dẫn hơn

Nếu như ở Cây gậy thần, sự kết hợp lần đầu tiên giữa hai loại hình nghệ thuật này mang lại cảm giác mới lạ thì ở vở diễn Thượng thiên Thánh Mẫu, sự kết hợp tinh túy và hòa quyện giữa hai loại hình nghệ thuật Cải lương và Xiếc mang đến cách thưởng thức nghệ thuật có tính giải trí cao nhưng vẫn đầy đặn tính triết lý sâu sắc, trữ tình và tư duy bác học của sân khấu đương đại.

Vở "Thượng Thiên Thánh Mẫu" được xây dựng trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh - vị đệ nhất Thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam. Theo truyền thuyết dân gian, bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, ba lần giáng trần cứu nhân độ thế, truyền dạy nhiều nghề truyền thống và những khúc văn ca cho người dân.

Nghệ sĩ cải lương vừa bay trên không vừa thể hiện những lời ca ngọt ngào

Khán giả sẽ được thưởng thức những lớp diễn ngập tràn cảm xúc vừa mang tính hiện thực vừa mang tính huyền thoại. Không gian và thời gian được kéo đẩy bằng hình ảnh các bạn trẻ thời nay đi xuyên không vào quá khứ, hòa mình vào câu chuyện về những cuộc tái sinh luân kiếp duyên nợ trần ai của Thánh Mẫu.

Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên (Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) và NSND Tống Toàn Thắng (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) tiếp tục khẳng định sự sáng tạo đột phá, sự phối hợp ăn ý giữa các mảng miếng của Cải lương với những trò diễn mang tính sáng tạo, ly kỳ và không kém phần gay cấn, thót tim của Xiếc. Những tinh hoa của nghệ thuật Cải lương như các điệu lý, các câu vọng cổ, các lớp diễn trữ tình được xen cài với những trò bay trên không, ảo thuật nâng người, đế kiếm trên dây…một cách hoàn hảo. Chính vì vậy, vở diễn đã cuốn hút công chúng từ đầu đến khi kết thúc.

Cải lương thổi hồn cho Xiếc kể câu chuyện về huyền tích Mẫu Liễu Hạnh - Ảnh 3.

Nếu như sân khấu cải lương là ước lệ, mềm mại, thì sân khấu xiếc là trực diện, mạnh mẽ. Và khi hai loại hình kết hợp với nhau, khán giả đã có được sự tổng hòa tinh tế của hai nghệ thuật này. Những yếu tố ước lệ đã biến mất, thay vào đó là sự sinh động, lôi cuốn. Bên cạnh đó, sự mạnh mẽ, trực diện của mỗi trò diễn Xiếc được nghệ thuật cải lương thổi vào những câu chuyện, có ý nghĩa riêng khiến nghệ thuật Xiếc trở nên hấp dẫn hơn. Và cả câu chuyện của vở diễn hiện ra chân thực như đưa khán giả ngược dòng thời gian, chứng kiến, hòa vào câu chuyện huyền tích Thượng thiên Thánh Mẫu.

Cảnh Các bạn trẻ đi xuyên không vào quá khứ, cảnh Thái Bà sinh hạ Thánh Mẫu , cảnh Giáng Tiên chia biệt Đào Lang về Thiên Giới, Cảnh Hội quần tiên trên Thiên Giới lý giải tại sao Thánh Mẫu giáng trần, cảnh Thánh Mẫu diệt kẻ ác nhân nơi Tây Hồ Phong Nguyệt bảo vệ công lý, cảnh Thánh Mẫu quyết chiến với Tiền Quân Thánh để bảo vệ chúng dân… là những sự kết hợp đầy tinh tế và hấp dẫn của nghệ thuật cải lương và nghệ thuật xiếc.

Đầu tư nghiêm túc cho những tác phẩm chất lượng cao

Phó giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: "Chưa có một tác phẩm nào mà chúng tôi lại dàn dựng vất vả, kỳ công như với Thượng Thiên Thánh Mẫu. Khởi công dàn dựng từ tháng 4/2021 mà tới tận tháng 1/2022 mới ra mắt được. Cá nhân tôi rất nhiều cảm xúc khi trải qua 1 năm có rất nhiều sự cố, biến động trong cuộc đời làm nghệ thuật. Sự chậm trễ bởi dịch bệnh, việc phải thực hiện giãn cách rồi cách ly, rồi cả sự thất vọng khi chương trình đã lên kế hoạch dàn dựng, khai trương lại bị đình lại, khó khăn vất vả có tới 3 nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải bỏ nghề mặc dù còn rất yêu nghề… Tất cả những thất bại và cả khó khăn không làm cho hai nhà hát bị khuất phục, chúng tôi lại cùng nuôi cho mình những năng lượng mới để cùng nghiền ngẫm, sáng tạo, tìm ra chìa khóa và ngôn ngữ khai phá tác phẩm".

Cải lương thổi hồn cho Xiếc kể câu chuyện về huyền tích Mẫu Liễu Hạnh - Ảnh 4.

Nghệ sĩ cải lương và nghệ sĩ xiếc kết hợp trong 1 cảnh diễn

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho biết: "Cho đến tác phẩm thứ hai hợp tác dàn dựng này, tôi và NSND Tống Toàn Thắng thực sự đã không hề bị áp lực. Cái đích mà chúng tôi hướng tới đó làm sao không chỉ nổi bật nội dung của vở diễn mà còn xây dựng hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh và "khoe" được những sáng tạo đặc trưng nổi bật của hai loại hình nghệ thuật là xiếc và cải lương. Chúng tôi rất mừng vì nghệ sĩ của cả hai đơn vị nghệ thuật đều cảm thấy hào hứng, chờ đón tác phẩm ra đời và hy vọng sang năm mới, Việt Nam sẽ ngăn chặn được dịch Covid-19 và nghệ sĩ chúng tôi có thể khoe những tác phẩm mà chúng tôi đã dành tất cả tâm huyết sáng tạo với khán giả".

Còn tác giả kịch bản, Ths Lê Thế Song chia sẻ: "Viết về một nhân vật Thánh Mẫu mà ai cũng biết, rất khó. Tôi rất may mắn khi được đồng hành với 2 đạo diễn tài năng là NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng. Các anh ấy bồi đắp thêm cho kịch bản. Thánh Mẫu giáng trần rất nhiều lần, tôi chọn 3 lần điển hình nhất của Mẫu để vở diễn có thể co lại trong 2 tiếng".

Cải lương thổi hồn cho Xiếc kể câu chuyện về huyền tích Mẫu Liễu Hạnh - Ảnh 5.

Vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng

Không chỉ đầu tư cho những tiết mục đặc sắc của cải lương và xiếc. Hai đạo diễn cũng rất cầu toàn khi tái hiện cảnh cuối với hệ thống thần linh của Tứ phủ với những bộ trang phục đại diện cho các vị thần linh, được thêu thùa vô cùng cầu kỳ, kỹ lưỡng đã tạo nên sự uy nghiêm, thiêng liêng cho nghi lễ. Đặc biệt, sự tham gia của nghệ nhân ưu tú Phạm Hải Hậu trong nghi thức hầu đồng đã đem đến một không gian đa sắc màu, truyền thêm ngọn lửa tình yêu di sản đến giới trẻ. Bên cạnh đó, NSND Tự Long cũng đã rất xuất sắc khi cống hiến cho người xem những khúc Văn ca Thánh Mẫu và Nghi lễ Hầu đồng giầu cảm xúc, tinh tế ngọt ngào cùng vẻ rạng ngời và linh thiêng của một thành tố góp phần tạo nên di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Thế Khoa nhận xét: "Đã có thể nói về một thể loại cải lương, xiếc đầy triển vọng dù quá kỳ công. Mọi thứ đã liền mạch, đã hòa điệu tự nhiên trong một tổng thể. Ở tác phẩm này thì Hầu đồng, Cải lương, Xiếc cùng tôn nhau lên. Thật đẹp, thật trữ tình, thật bay bổng, thật kỳ diệu, thật linh thiêng, Huyền sử Việt đã tìm được hình thức sân khấu thể hiện xứng đáng nhất, hấp dẫn nhất. Mong dịch nhanh qua để Thượng Thiên Thánh Mẫu sẽ được chào đón khán giả"./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×