Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cái khó của Bộ trưởng

09/01/2023 | 07:55

Những ngày vừa qua, câu chuyện 100 sinh viên Trường Đại học TDTT Bắc Ninh tham gia hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh, cảnh quan tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội, tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều.

Cái khó của Bộ trưởng - Ảnh 1.

Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Có những ý kiến bày tỏ chia sẻ cảm thông với chỉ đạo "bất đắc dĩ" này của lãnh đạo Bộ VHTTDL, cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng cách làm này chưa phù hợp.

Khó có thể đánh giá được luồng ý kiến nào là đúng, luồng ý kiến nào là sai, nhưng phải khẳng định rằng, đó đều là những sự góp ý đáng quý đối với ngành Thể thao, nguyên nhân cũng xuất phát từ tình yêu, sự quan tâm, lo lắng của người hâm mộ nước nhà dành cho nền bóng đá Việt Nam.

Không thể phủ nhận, bóng đá Việt Nam có được sự thành công như ngày hôm nay thì ngoài sự quan tâm, đầu tư của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước,  các tổ chức, doanh nghiệp, sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong toàn ngành Thể thao, đó còn là sự đóng góp rất lớn của người hâm mộ nước nhà. Ở chiều ngược lại, những vinh quang mà bóng đá Việt Nam đạt được trong thời gian qua cũng đã mang lại một không khí vui tươi, tinh thần phấn khởi nhằm tiếp thêm sức mạnh cho người dân để lao động, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Trong Hội nghị tổng kết ngành VHTTDL năm 2022 được tổ chức cuối tháng 12/2022, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (Thời điểm đó ông vẫn đang là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) được mời phát biểu đã đánh giá: "Ấn tượng của tôi đối với ngành VHTTDL trong năm qua đó chính là lĩnh vực Thể thao. Các hoạt động thể thao đã giúp cho chúng ta có cảm hứng, hiệu quả lao động được nâng cao, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội".

Tuy vậy, đằng sau những "ánh hào quang" đó thì thi thoảng, dù không mong muốn nhưng chúng ta vẫn phải chứng kiến những "câu chuyện buồn" của ngành Thể thao. Mới đây nhất là những tồn tại trong quản lý tài sản công của lãnh đạo Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia thời kỳ trước (Điều này đã được chỉ rõ tại Kết luận thanh tra số 106/KL-TTCP ngày 11/05/2021 của Thanh tra Chính phủ).

Chính những sai phạm đó đã kéo theo là khoản nợ thuế "khổng lồ" hơn 1.000 tỉ đồng không thể chi trả, dẫn đến sự bế tắc trong vận hành, quản lý, thiếu nguồn lực để chi trả thu nhập cho nhân viên tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia hiện nay. Hệ lụy của nó còn là những hình ảnh nhếch nhác, bẩn thỉu, hạ tầng xuống cấp tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình mà người hâm mộ đã chia sẻ trên mạng xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.

Quay trở lại thời gian ngày 5/1/2021 khi Thanh tra Chính phủ Kết luận về kết quả thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, thời điểm này ông Nguyễn Văn Hùng chỉ vừa đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ VHTTDL chưa đầy 1 tháng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó làm "Tư lệnh" ngành VHTTDL trong bối cảnh mà Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đang phải "án binh bất động" để chờ những phương án xử lý, tháo gỡ. Trong thời gian hơn 1 năm rưỡi, kể từ đó đến nay, ngoài thời điểm được đầu tư, sửa chữa nhờ nguồn kinh phí tổ chức SEA Games 31 thì có vẻ như, những khó khăn mà nơi này gặp phải vẫn chưa thể tháo gỡ, kinh phí để duy trì, bảo dưỡng sân vẫn chỉ trông chờ vào số tiền thu được từ việc tổ chức các trận đấu.

Đây cũng là bài toán vô cùng hóc búa cho "Tư lệnh" ngành VHTTDL kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Dù đã nhiều lần họp bàn để tìm các phương án tháo gỡ tạm thời, thế nhưng cũng phải thừa nhận rằng, tìm câu trả lời phù hợp nhất cho những tồn tại trong cả một giai đoạn dài là điều không hề dễ dàng, không phải "ngày một, ngày hai".

Trở lại câu chuyện những hình ảnh không nên có tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, trong cuộc họp với ngành Thể thao gần đây nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã rất cầu thị khi thẳng thắn thừa nhận: "Với vai trò là Bộ trưởng thì rõ ràng, tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất liên quan đến những tồn tại của ngành ở thời điểm này".

Tuy nhiên, điều mà ông băn khoăn đó chính là ở một số bộ phận, lĩnh vực thì phương châm toàn ngành trong cả nhiệm kỳ "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" chưa được thực hiện thường xuyên, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Bằng chứng là câu chuyện tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

"Kế hoạch tổ chức AFF Cup đã có từ trước chứ có phải đột xuất đâu, sao vẫn để những việc như vậy xảy ra?" Bộ trưởng đặt câu hỏi này đến lãnh đạo ngành TDTT, đồng thời cho biết, ông đã từng gọi điện cho phía Ban quản lý sân Lạch Tray để nhờ kỹ thuật hỗ trợ cải thiện mặt sân cỏ cho Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Phía Ban quản lý sân Lạch Tray đã đồng ý để hỗ trợ, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau đó hai bên đã không có sự phối hợp với nhau?.

Với sự "sốt sắng" đó, trong thời điểm Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đang gặp phải tình trạng nhếch nhác, bẩn thỉu khi chỉ còn 3 ngày nữa sẽ đến thời điểm thi đấu của Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam với đội tuyển Indonesia ở trận bán kết lượt về AFF Cup thì cũng không có gì là quá khó hiểu khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phải gọi điện để nhờ đến sự hỗ trợ từ phía Trường Đại học TDTT Bắc Ninh.

Tất nhiên, ai cũng đều biết rằng, những chỉ đạo "bất đắc dĩ" này của "Tư lệnh" ngành VHTTDL chỉ là phương án tình thế, tạm thời trong tình huống cấp bách. Bởi, việc xử lý tồn đọng mà thời kỳ trước để lại tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia không thể là sự vào cuộc mang tính nhất thời mà cần những giải pháp căn cơ, kỹ lưỡng dựa trên các đánh giá, phân tích tình hình cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước.   

Có thể khẳng định, câu chuyện chung tay để cùng hỗ trợ cho Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình tạm thời có được những hình ảnh tốt hơn đón người hâm mộ trong trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam sắp tới không chỉ là sự lắng nghe, cầu thị từ phía lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Đó cũng là thể hiện sự trách nhiệm "không phải cứ vinh quang thì nhận, khó khăn thì né tránh" của lãnh đạo Bộ VHTTDL đối với hình ảnh của ngành Thể thao, một ngành mà mục đích cao nhất của những nỗ lực để đạt được vinh quang chính là mang lại giá trị tinh thần, cảm hứng tích cực, tiếp thêm động lực để người dân nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×