Liên hoan sân khấu các vở diễn lịch sử Thăng Long - Hà Nội được tổ chức mới đây là hoạt động quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc trong dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. 14 vở diễn gồm nhiều thể loại: tuồng, chèo, cải lương, kịch... lựa chọn từ các đơn vị nghệ thuật được dàn dựng công phu.
Các vở diễn sau liên hoan vẫn tiếp tục phục vụ công chúng và được dư luận đánh giá cao.
|
Vở Cải lương Trọn đời Trung hiếu với Thăng Long
|
Liên hoan diễn ra tại 15 địa điểm khắp các địa bàn của TP Hà Nội, thu hút đông người xem với 14 vở diễn của các nhà hát và đoàn nghệ thuật mang đề tài lịch sử gắn với mảnh đất 1000 năm Thăng Long - Hà Nội gồm:
Thanh gươm đô đốc (Nhà hát tuồng Việt Nam),
Mỹ nhân và anh hùng (Nhà hát kịch Việt Nam),
Hồn Việt (Nhà hát tuồng Ðào Tấn),
Ngọc Hân Công chúa (Nhà hát chèo Hà Nội),
Thần đồng đất Việt (Nhà hát chèo Nam Ðịnh),
Tấm áo bào Hoàng đế (Nhà hát chèo Ninh Bình),
Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy (Ðoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang),
Lời người - Lời của nước non (Nhà hát dân ca Nghệ An ),
Dời đô (Ðoàn cải lương Ðồng Nai),
Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ (Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế),
Ngô Vương Quyền (Ðoàn cải lương Hải Phòng)... Hầu hết các vở diễn dự liên hoan đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, đang được biểu diễn ở nhiều nơi.
Nét nổi bật là các vở chèo chiếm tỷ lệ cao tại liên hoan. Các tác giả đã đi sâu vào đề tài lịch sử khai thác những yếu tố phù hợp với khả năng biểu hiện của nghệ thuật chèo, đem đến cho vở diễn tính sử thi kết hợp nhuần nhuyễn chất trữ tình tạo ra sức hấp dẫn. Có thể kể đến vở chèo Bài ca giữ nước của cố Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt, do Nhà hát chèo Quân đội thực hiện. Vở diễn dựng lại giai đoạn lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của hai cha con Vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông, dàn dựng theo ba phần: Lý Thánh Tông tuyển hiền, Ỷ Lan nhiếp chính, Lý Nhân Tông học làm vua. Vở diễn có nội dung sâu sắc mang nhiều triết lý về đối nhân xử thế, khắc họa thành công nhiều nhân vật lịch sử. Nhân vật mà đến nay vẫn được công chúng yêu mến là vai Hề hoạn được coi là đỉnh cao của nghệ thuật chèo. Bài ca giữ nước là vở diễn đậm chất sử thi và hấp dẫn góp phần giúp người xem hiểu rõ về lịch sử của đất nước. Vở Thần đồng đất Việt của Trần Ðình Ngôn, đạo diễn NSND Bùi Ðắc Sừ, do Nhà hát chèo Nam Ðịnh dàn dựng lấy tư liệu lịch sử nhà Trần. Vở diễn kể về vị trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam là Nguyễn Hiền. Với tinh thần tự chủ, tự tôn dân tộc, nhân vật đã thể hiện sự khéo léo, trí tuệ, sự thông minh của một Trạng Nguyên giải câu đố của Sứ nhà Nguyên. Vở diễn thu hút người xem ở nhiều tích trò, lối diễn hồn nhiên của nghệ sĩ trẻ Thanh Vân trong vai Nguyễn Hiền. Vở Những vần thơ thép của Trần Ðình Ngôn, đạo diễn NSND Bùi Ðắc Sừ, đã xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những bài thơ trong "Nhật ký trong tù". Các vở diễn thuộc các bộ môn khác như tuồng, cải lương, kịch... cũng đi vào đề tài lịch sử chắt lọc những sự kiện, nhân vật tiêu biểu để phô diễn thế mạnh của bộ môn nghệ thuật của mình. Vở cải lương Trọn đời trung hiếu với Thăng Long trình diễn vào ngày cuối của liên hoan, của đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, đã xây dựng thành công hình tượng một nhân vật lịch sử với những chiến công hiển hách đánh giặc ngoại xâm và sự hy sinh, lòng trung hiếu, vì giang sơn, vì tình yêu với Thăng Long, để lại ấn tượng sâu sắc với người hâm mộ yêu nghệ thuật cải lương. Từ liên hoan này có thể khẳng định, đề tài lịch sử luôn là mảnh đất màu mỡ để các bộ môn nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống khai thác. Vấn đề đặt ra là cần đầu tư nhiều hơn, công phu hơn ngay từ khâu "đầu vào" của tác phẩm, trước hết là khâu kịch bản.
(theo Nhân dân online)