Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Các Nhà hát phải chủ động, sáng tạo trong truyền thông chương trình biểu diễn chất lượng cao

01/03/2017 | 09:50

Sáng 28/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với đại diện các Nhà hát thuộc Bộ về chương trình biểu diễn chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2017.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong năm 2016, các chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội mới dừng ở việc thăm dò thị trường. Năm 2017, các chương trình biểu diễn của các nhà hát phải đặt tính hiệu quả và kinh tế lên ngang với chất lượng biểu diễn. Bộ trưởng khẳng định, việc biểu diễn, tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật, tạo thói quen mua vé xem các chương trình nghệ thuật trong nhân dân là cách làm cần thiết, mang tính sống còn đối với các nhà hát.



Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Các nhà hát tự chủ, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc truyền thông, quảng bá và bán vé biểu diễn


Bộ trưởng yêu cầu các nhà hát nghiên cứu, chủ động đề xuất cách làm, nêu những khó khăn để Bộ có hỗ trợ giải quyết.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn đề xuất với Bộ trưởng về việc các đơn vị, nhà hát cần thiết phải vào cuộc, phối hợp với Nhà hát Lớn để bán vé. Mức vé mà ông Nguyễn Đăng Chương đề xuất các Nhà hát phải đảm nhận cho mỗi chương trình là 30- 40%, Nhà hát Lớn đảm nhận bán từ 70-60%.

Theo ông Nguyễn Đăng Chương, cần tạo áp lực như thế các nhà hát biểu diễn với có thói quen làm marketing, quảng bá, từ đó có thị trường khách hàng của mình.



Các nhà hát đề xuất giá vé biểu diễn các chương trình tại Nhà hát Lớn từ 300- 500 nghìn đồng


Theo ông Phạm Anh Phương- Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, do đặc thù của các chương trình biểu diễn, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam nhiều năm qua vẫn thực hiện việc bán vé tạm đủ bù chi phí biểu diễn. Nhát hát có kết hợp cùng một đơn vị bán vé và thực hiện chiết khấu phần trăm. Với việc chủ động bán 30% vé tại các chương trình biểu diễn của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam ở Nhà hát Lớn, ông Phương mong muốn được áp dụng cơ chế này. Đồng thời đề xuất, giá vé các chương trình ở mức từ 300- 500 nghìn đồng.

Với Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam, mức chủ động bán 30-40% vé các chương trình biểu diễn cũng được các nhà hát đồng tình. Thậm chí, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ còn đề xuất Bộ cho phép cơ chế bán vé cả chương trình biểu diễn. Ví dụ, có đơn vị mua trọn gói một đêm diễn, gắn logo nhà tài trợ.



Ông Nguyễn Đăng Chương- Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị mỗi nhà hát chịu trách nhiệm bán 30% vé

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, mục đích của các chương trình biểu diễn nghệ thuật là quảng bá văn hóa, tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật cho khán giả, vì vậy, có thể áp dụng nhiều cách bán vé, miễn là các chương trình phải đảm bảo thu đủ bù chi.

Tuy nhiên, các nhà hát như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam lo lắng khi áp dụng lượng bán tối thiểu 30% vé.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, việc bán vé vẫn được Nhà hát Chèo thực hiện định kỳ vào đêm diễn tối thứ Sáu hàng tuần tại Rạp Kim Mã. Nhà hát cũng có trang web riêng, quảng bá các vở diễn, ngoài ra, có khuyến mại mua vé xem được tặng đĩa chèo..Tuy nhiên, sân khấu Chèo cũng rất khó khăn trong việc thu hút khán giả. Bà Ngoan cho biết thêm: Đêm diễn nhiều nhất, Nhà hát chỉ bán được khoảng 40 vé, thậm chí, có những đêm diễn chỉ từ 5-10 vé với mức giá 150 nghìn đồng/vé. Vì vậy, năm 2016, giá vé chương trình lên đến 1 triệu thì thực sự khó khăn để Nhà hát quảng bá đến khán giả. Năm nay, Bộ trưởng cho phép các nhà hát đề xuất giá vé thì mức từ 200- 300- 500 nghìn đồng là hợp lý, các nhà hát có thể chủ động mời khán giả truyền thống của mình đến Nhà hát Lớn.



Các nhà hát truyền thống vẫn được hỗ trợ trong năm 2017


Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng yêu cầu, với các nhà hát có khả năng bán được vé như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ… thì chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong cách quảng bá, truyền thông để bán vé. Với các nhà hát nghệ thuật truyền thống, Bộ sẽ vẫn hỗ trợ truyền thông, hỗ trợ bán vé qua Nhà hát Lớn đồng thời kêu gọi tài trợ biểu diễn. Với các nhà hát như Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, cần chủ động xây dựng chương trình, chủ động bán vé hoàn toàn.

“Các nhà hát tự chủ, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc truyền thông, quảng bá và bán vé biểu diễn. Mục đích của các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn là tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật trong nhân dân”- Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Hồng Hà, Minh Khánh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×