Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Các hoạt động “Vui Tết Độc lập” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam

05/09/2016 | 12:47

Các hoạt động “Vui Tết Độc lập” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mà điểm nhấn là phiên chợ vùng cao đã đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc.

Hòa trong không khí hân hoan của cả nước Kỷ niệm 71 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2016) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2016), cộng đồng các dân tộc Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày, Dao, Lào, Ba Na, Ê đê, Khmer đã hội tụ về “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với nhiều hoạt động “Vui Tết Độc lập” chính thức khai mạc sáng ngày 2/9/2016.

Tiết mục biểu diễn của đồng bào dân tộc Mông trong chương trình khai mạc các hoạt động Vui Tết Độc lập tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tới dự và chung vui với đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” có các đồng chí: Phùng Minh Cường - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ VHTTDL; Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Bộ VHTTDL; Lâm Văn Khang - Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh và 50 nghệ nhân dân tộc Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày, Dao, Lào, Ba Na, Ê đê, Khmer…

Đại diện cộng đồng các dân tộc có mặt tham gia hoạt động tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nghệ nhân Quàng Văn Hạc (bản Pó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) cho biết, đến với không gian văn hóa “Sơn La, phiên chợ vùng cao vui đón tết”, nhân dân Thủ đô và du khách sẽ được thưởng thức những phong vị độc đáo của bà con đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái với xôi nếp dẻo, cá nướng thơm trong tiếng sáo dặt dìu, cùng tham gia không gian văn hóa, các trò chơi dân gian truyền thống như đánh quay, leo dây, tò má lẹ, tung còn…


Tái hiện nghi lễ cúng dòng họ của dân tộc Mông tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

* Cũng trong sáng ngày 2/9, cùng với nhiều hoạt động văn hoá, ẩm thực phong phú, đồng bào dân tộc Mông (đến từ bản Mô Cổng, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đã tái hiện nghi lễ cúng dòng họ của đồng bào Mông - một nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào Mông được lưu truyền từ xa xưa cho đến ngày nay.

Theo đó các thành viên trong dòng họ do ông Trưởng họ đứng đầu cùng nhau làm lễ cầu xin thần linh phù hộ cho các thành viên trong dòng họ và bản làng, mong muốn vụ mùa được tốt tươi, chăn nuôi phát triển, rừng già xanh tươi, hoa màu không bị sâu bọ, chim chóc phá hoại, gia đình nào cũng có thu nhập cao, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ cúng thường sẽ diễn ra tại gốc cây với ý nghĩa cúng cả rừng, thổ công, thổ địa. Lễ cúng gồm hai phần: Lễ cúng sống và lễ cúng chín. Lễ cúng sống, dưới sự hướng dẫn của người Trưởng họ, các thành viên trong dòng họ sẽ mang lễ vật đến địa điểm làm lễ, các con vật đem cúng vẫn còn sống. Trưởng họ khấn để tạ ơn thổ địa và mời các thần nhận gà, lợn. Sau khi kết thúc lễ cúng sống, các thành viên trong dòng họ sẽ mang gà, lợn đi làm thịt chuẩn bị cho lễ cúng chín. Gà, lợn sau khi được nấu chín thì người Trưởng họ sẽ tiếp tục làm lễ mời các thần nhận cỗ. Sau đó sẽ kết thúc bài cúng và hẹn năm sau sẽ tiếp tục làm lễ cầu khấn các thần linh phù hộ.

Sau phần lễ là phần hội, mọi người ăn uống chung vui, cùng nhau nhảy múa những điệu múa truyền thống của dân tộc Mông và chơi các trò chơi dân gian./.

Nguyên Hà



Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×