Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Các đại sứ, chuyên gia UNESCO choáng ngợp với nghệ thuật sơn mài Việt Nam

06/06/2022 | 09:52

Chương trình Trải nghiệm nghệ thuật sơn mài Việt Nam & Giao lưu kết nối do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức cuối tuần qua đã mang đến nhiều khám phá bất ngờ, thú vị đối với các Đại sứ, các chuyên gia UNESCO, đại diện Bộ Ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Các đại sứ, chuyên gia UNESCO choáng ngợp với nghệ thuật sơn mài Việt Nam - Ảnh 1.

Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart phát biểu tại chương trình.

Nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam cùng những bộ sưu tập nghệ thuật độc đáo, những bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng hàng đầu của nền mỹ thuật Việt đã khiến những vị khách quốc tế không khỏi ngưỡng mộ, trầm trồ.

Đại diện Bộ VHTTDL tham dự chương trình có Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu.

Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cho biết, với việc mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch và hầu hết các hoạt động văn hóa - xã hội cũng đã trở lại thích ứng với trạng thái bình thường mới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gần đây đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn; đặc biệt là việc Bảo tàng đã cho ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA nhằm hướng tới hoạt động du lịch bền vững, mang tới nhiều hơn nữa những trải nghiệm mới mẻ cho du khách tới tham quan Bảo tàng.

Ông Christian Manhart  cho biết, UNESCO Việt Nam đã cùng làm việc với các chuyên gia trong các lĩnh vực bảo tàng, công nghệ số cũng như nhận được sự cam kết rất mạnh mẽ từ các đơn vị cấp tỉnh và trung ương cùng 8 khu di sản thế giới để cùng áp dụng ứng dụng trải nghiệm số trong hoạt động tham quan của du khách trong và ngoài nước. Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng khẳng định ý nghĩa của chương trình trải nghiệm trong việc tạo sự giao lưu, kết nối thông qua các tác phẩm nghệ thuật.

Các đại sứ, chuyên gia UNESCO choáng ngợp với nghệ thuật sơn mài Việt Nam - Ảnh 2.

Các đại biểu xem phim ngắn giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá cao ý tưởng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong việc tổ chức sự kiện kết nối giữa nghệ thuật và du lịch bền vững, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Du lịch di sản là một ngành đang phát triển bùng nổ tại Việt Nam, một quốc gia có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm và sở hữu tới 8 di sản văn hóa thiên nhiên và 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, di sản văn hóa thiên nhiên không chỉ là nguồn lực quan trọng làm đa dạng nền văn hóa, gắn kết xã hội mà còn là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực để vừa thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa việc phát triển và bảo tồn di sản văn hóa.

Các đại sứ, chuyên gia UNESCO choáng ngợp với nghệ thuật sơn mài Việt Nam - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp các quý vị đại biểu, khách quý tới dự sự kiện Tìm hiểu nghệ thuật sơn mài Việt Nam và giao lưu kết nối, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, cách đây 56 năm, Bảo tàng đã chính thức mở cửa đón khách tham quan tại địa chỉ 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có vị trí quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hoá nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tòa nhà Bảo tàng là một công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc là nơi cho con gái các quan chức Pháp trên toàn Đông Dương về học tại Hà Nội, toà nhà đã được cải tạo thành một kiến trúc ấn tượng bởi sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc Pháp cổ và kiến trúc dân gian Việt Nam.

"Hiện nay, Bảo tàng trưng bày hơn 2000 hiện vật theo dòng chảy phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam từ thời Tiền-Sơ sử đến ngày nay, trong đó có 9 Bảo vật Quốc gia và các sưu tập nghệ thuật đặc sắc, như sưu tập tranh sơn mài, tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh giấy, tranh dân gian, gốm…",ông Nguyễn Anh Minh cho biết.

Chia sẻ với các vị khách quốc tế về sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản mỹ thuật của Việt Nam tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế, theo Giám đốc Bảo tàng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động đa dạng như: đổi mới trưng bày, tổ chức các hoạt động giáo dục, chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý hiện vật, xây dựng thư viện điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện phục vụ khách tham quan, thúc đẩy truyền thông, xúc tiến du lịch, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.

"Những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vinh dự được nhiều đại sứ quán và tổ chức văn hoá quốc tế lựa chọn để giới thiệu nền văn hoá của quốc gia mình với công chúng Việt Nam. Nhân sự kiện này, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các vị đại sứ và các vị đại diện các tổ chức văn hoá quốc tế về sự tin tưởng này.  Chúng tôi hy vọng, qua sự kiện hôm nay, mối quan hệ hợp tác giữa chúng ta ngày càng bền chặt. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các quý vị đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, UNESCO, Bộ Ngoại giao, đại diện các cơ quan văn hoá, du lịch Việt Nam có mặt tại đây thì những giá trị, vẻ đẹp di sản văn hóa, đặc biệt là mỹ thuật của Việt Nam sẽ được quảng bá rộng rãi tới công chúng quốc tế…", ông Minh bày tỏ.

Các đại sứ, chuyên gia UNESCO choáng ngợp với nghệ thuật sơn mài Việt Nam - Ảnh 4.

Cùng với việc tìm hiểu về các công đoạn làm tranh sơn mài, các vị khách quốc tế còn có cơ hội lắng nghe câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh sơn mài Việt Nam.

Nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam là nền mỹ thuật đầu tiên ở châu Á có sự giao lưu với hội hoạ phương Tây từ rất sớm, ngay từ đầu thế kỷ 20, thông qua trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925. Các thế hệ hoạ sĩ đầu tiên của ngôi trường này không chỉ được tiếp xúc với những chất liệu ngoại nhập như sơn dầu, mà cũng chính tại đây, những sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương và nghệ nhân nghề sơn đã nghiên cứu, thử nghiệm chất liệu sơn ta truyền thống để biến nó trở thành một chất liệu cho hội hoạ, đó chính là sơn mài. Tranh sơn mài chính là một đặc trưng của nền mỹ thuật Việt Nam. Trong chương trình giao lưu, những ẩn số của sơn mài Việt đã được các vị khách đặc biệt đến từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khám phá.

Nghệ thuật sơn mài Việt Nam với bộ sưu tập tranh sơn mài của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thông qua chương trình trải nghiệm đã mang đến nhiều cảm xúc của sự khám phá cho các vị khách quốc tế tham dự chương trình. Những câu chuyện, hành trình của những tác phẩm sơn mài mang vóc dáng văn hóa Việt lần đầu tiên đã đến với những vị khách đặc biệt này, cũng theo một cách rất đặc biệt.

Với Ứng dụng iMuseum VFA tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR và định vị iBeacon, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hi vọng sẽ mang lại những trải nghiệm hoạt động tham quan bảo tàng tốt nhất cho du khách. Ông Nguyễn Anh Minh cũng cho biết thêm, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào hoạt động tham quan của bảo tàng là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.

Xuyên suốt chương trình Trải nghiệm nghệ thuật sơn mài Việt Nam, hướng dẫn viên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đưa các khách mời đặc biệt đến  với những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật sơn mài Việt;  tìm hiểu về các công đoạn làm tranh sơn mài và lắng nghe các câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh sơn mài Việt Nam bằng ứng dụng iMuseum VFA.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×