Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ VHTTDL xây dựng đề án, tuyển chọn đào tạo tài năng trong lĩnh vực Thể thao thành tích cao đến năm 2030 tầm nhìn 2035

26/07/2018 | 08:00

Với mục tiêu phấn đấu đưa Thể thao Việt Nam vươn lên tốp đầu khu vực Đông Nam Á đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, Việt Nam trở thành quốc gia có nền Thể dục Thể thao (TDTT) phát triển mạnh ở châu lục, sáng ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với tổ soạn thảo dự thảo đề án tuyển chọn, đào tạo tài năng trong lĩnh vực Thể thao thành tích cao (TTTTC) đến năm 2030 tầm nhìn 2035.

Theo báo cáo của Vụ Đào tạo - Bộ VHTTDL: mục tiêu đề án hướng tới chính là phát hiện, tuyển chọn, đào tạo trẻ em có năng khiếu vượt trội để trở thành tài năng, dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, Olympic và thế giới. Phấn đấu để thành tích ở một số môn thể thao có thế mạnh của Việt nam đạt và duy trì trình độ châu lục, thế giới. Cùng với đó, tuyển chọn huấn luyện viên có đam mê, có phẩm chất nhân cách tốt, có trình độ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm, khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện và thi đấu. Cán bộ quản lý, huấn luyện, giảng viên, nghiên cứu viên đang làm việc tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm huấn luyện thể thao trong cả nước.

 

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT phát biểu tại buổi làm việc

 

Đề án nêu rõ, trong lĩnh vực đào tạo tài năng thể thao thành tích cao sẽ được tập trung vào 16 môn thể thao trong tổng số 32 môn thể thao trọng điểm đã được xác định trong chiến lược phát triển TDTT Việt Nam, chính là những môn đã giành được nhiều huy chương tại các giải đấu, Đại hội thể thao quốc tế.

Mục tiêu cụ thể mà đề án đặt ra đến năm 2020, đối với vận động viên (VĐV) tài năng số VĐV đội tuyển quốc gia đạt khoảng 1000, số VĐV ở các CLB thể thao chuyên nghiệp và giành được thành tích quốc tế đạt khoảng 600. Huấn luyện viên các cấp đạt 1250, trong đó huấn luyện viên cấp cao khoảng 50 người... và đến năm 2030 các chỉ tiêu này dự kiến tăng gần gấp đôi.

Đối với công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao các tỉnh, thành phố: VĐV năng khiếu thể thao nghiệp dư, VĐV năng khiếu trẻ được đào tạo tập trung, VĐV đội tuyển của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các ngành, VĐV đội tuyển trẻ quốc gia và đội tuyển quốc gia sẽ thông qua các giải đấu được tổ chức hàng năm tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng địa phương, từng ngành. Riêng đội tuyển trẻ quốc gia và đội tuyển quốc gia, hàng năm tổ chức tập huấn từ 500 - 750 VĐV đội tuyển trẻ, 400 - 500 VĐV đội tuyển quốc gia tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, trong đó tập trung tập huấn theo chế độ đặc biệt từ 75 - 100 VĐV đội tuyển quốc gia. Từ năm 2020 trở đi, tất cả các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao phải tiến hành đào tạo VĐV.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Theo đề án, hình thức đào tạo tài năng thể thao thành tích cao sẽ tập trung ở trong nước, chủ yếu tập trung vào các cơ sở đào tạo uy tín của cả nước về lĩnh vực Thể thao thành tích cao gồm 3 cơ sở đào tạo đại học và 4 trung tâm trọng điểm huấn luyện thể thao trực thuộc Bộ VHTTDL. 5 Trung tâm phụ trợ trực thuộc các tỉnh/thành phố, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, các Trung tâm huấn luyện Thể thao Quân Đội, Công An...

Bên cạnh đó, sẽ có thời gian tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài và tham gia các giải đấu trong hệ thống thi đấu trong nước và quốc tế do các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao tổ chức. Hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện thể thao có uy tín ở nươc ngoài. Cơ sở đào tạo tài năng thể thao thành tích cao được tổ chức thực hiện tại các trung tâm huấn luyện thể thao, cơ sở đào tạo trong nước và có uy tín trong lĩnh vực thể thao. Đồng thời, lựa chọn các cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện thể thao có uy tín, chất lượng cao ở các nước tiên tiến, có thế mạnh đào tạo về lĩnh vực TDTT.

Nắm bắt được các nhiệm vụ chính từ đề án này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: việc xây dựng đề án, tuyển chọn đào tạo tài năng thể thao trong lĩnh vực TTTTC đến năm 2030 và tâm nhìn 2035 là rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của thể thao thế giới. Song để đề án này phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, thì chúng ta cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào thực trạng và thấy thế mạnh của Thể thao Việt Nam ở đâu và các VĐV Việt Nam phù hợp, có tài năng với những môn Thể thao nào để tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo ngay từ tuyến tuyển chọn VĐV tài năng tại địa phương một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đề án không quá đặt áp lực vào yêu tố thành tích, bởi trong thi đấu thể thao rất khó nói trước, cùng với đó, các nước trong khu vực và châu lục cũng đã và đang đầu tư phát triển rất nhanh về Thể thao thành tích cao.

Để đề án mang lại tính thuyết phục cao và sớm đi vào thực tiễn được hiệu quả nhất, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã giao cho Vụ Đào tạo và Tổng cục Thể dục Thể thao bàn luận sâu hơn, sát thực nhất với tình hình thực tiễn về tuyển chọn đào tạo VĐV thành tích cao, tình hình kinh tế xã hội tại Việt Nam hiện nay cũng như trong những năm tới. Từ đó, đề án sớm được hoàn thiện và ban hành trong thời gian sớm nhất.

(Theo Tổng cục TDTT)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×