Bộ VHTTDL: Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch
06/08/2021 | 08:49Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký ban hành Kế hoạch của Bộ VHTTDL số 2754/KH-BVHTTDL về việc Tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19.
Văn bản nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quán triệt phương châm hành động năm 2021 của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện "mục tiêu kép", Bộ VHTTDL đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, đồng thời xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình nghệ thuật do Bộ VHTTDL chỉ đạo thực hiện như Những ngôi sao bất tử, San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch phát sóng trên truyền hình và livestream trên các nền tảng số bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho toàn thể nhân dân cùng các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ VHTTDL xây dựng Kế hoạch tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19.
Mục đích của Kế hoạch xây dựng chuỗi chương trình nghệ thuật cổ vũ, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; Khơi dậy và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cùng nhau vượt qua đại dịch; Khơi dậy ngọn lửa đam mê, sự nhiệt huyết, sáng tạo của các nghệ sĩ để sáng tác các tác phẩm mới về đề tài phòng, chống dịch Covid-19, lan toả trong cộng đồng những thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Kế hoạch yêu cầu: Các chương trình nghệ thuật phải đặc sắc, phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Sự hỗ trợ, chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương, các nghệ sĩ để chương trình nghệ thuật tạo được hiệu ứng lan toả; Tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; Bảo đảm an toàn, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả;Thống nhất đồng bộ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch: Thành lập nhóm các nghệ sĩ có uy tín, có tầm ảnh hưởng xã hội trong các đơn vị nghệ thuật để tổ chức xây dựng các video clip, sáng tác ca khúc, tiểu phẩm sân khấu nhằm tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những kết quả đạt được và định hướng công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tạo sự lan toả các thông điệp, gương người tốt việc tốt, tinh thần đoàn kết, chia sẻ yêu thương trong quá trình phòng, chống dịch bệnh. Phát động sáng tác các ấn phẩm truyền thông (ca khúc, kịch ngắn, tranh, ảnh…) liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để tuyên truyền. Xây dựng một số chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc để phát sóng trên truyền hình và các nền tảng số phục vụ nhân dân.
Về kinh phí tổ chức, các đơn vị chủ động cân đối, rà soát trong dự toán kinh phí ngân sách Nhà nước 2021 đã được thông báo và cả nguồn kinh phí xã hội hoá (nếu có).
Về tổ chức thực hiện, Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nội dung nêu tại Kế hoạch, các Nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật trong cả nước xây dựng các video clip, sáng tác ca khúc, tiểu phẩm sân khấu về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phát trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang cá nhân của các nghệ sĩ. Văn phòng Bộ là đầu mối triển khai công tác truyền thông trước, trong và sau khi xây dựng, triển khai thưc hiện các nội dung thuộc Kế hoạch. Vụ Kế hoạch, Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Lãnh đạo Bộ quyét định phương án điều chỉnh Kế hoạch công tác năm 2021, điều chỉnh kinh phí từ các nhiệm vụ không thực hiện được do dịch bệnh Covid-19 tác động sang thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các cơ quan truyền thông của Bộ: Báo Văn Hoá, Trung tâm Công nghệ Thông tin bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan trong công tác truyền thông, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, mở Diễn đàn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kịp thời phản ánh, lan toả các tấm gương tốt, hình ảnh đẹp trong cộng đồng, các hành vi ứng xử nhân ái, nghĩa tình, phù hợp. Qua đó, tạo tinh thần lạc quan, đoàn kết, ngăn ngừa và phê phán các hành vi cá nhân, ích kỷ, trục lợi, phát ngôn sai sự thật, xuyên tạc, phá hoại công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Bộ VHTTDL cũng đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh Truyền hình VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam), Truyền hình Nhân dân (Báo Nhân dân) quan tâm, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng hỗ trợ phát sóng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đề nghị các Sở VHTTDL, Sở Văn hoá, Thể thao, Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đề nghị Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL trong quá trình tổ chức các hoạt động nghệ thuật cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19.
Kèm theo Kế hoạch là phụ lục tổng hợp các chương trình, vở diễn dự kiến sẽ phát sóng trên các đài truyền hình. Đài Truyền hình Việt Nam sẽ quay các chương trình: Sắc mầu thổ cẩm (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc), Những người khốn khổ - Những điều muốn nói , Hồ Thiên nga – Sau cánh màn nhung (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam), Các trích đoạn trong các vở kịch cổ điển Vũ Như Tô, Otenlo, Ê Dốp, Lôi Vũ, Mê đê (Nhà hát Kịch Việt Nam), Trung thần (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Dây tràng hạt diệu kỳ, Giai điệu Tổ quốc (Nhà hát Chèo Việt Nam), Great romantic night, The wonder of time (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam). Đài Truyền hình Nhân dân sẽ quay các chương trình: Đêm huyền diệu (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc), Ngôi sao xiếc Việt, Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Giai điệu Việt Nam, Bài ca không quên (Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam), Xin mặt trời ngủ yên, Dòng sông hoa đỏ (Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam). Truyền hình VOV quay các chương trình: Võ Tam Tư (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Bão ngầm, Ni sư Hương Tràng (Nhà hát Cải lương Việt Nam). Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng sẽ quay các chương trình: Cuộc chiến vô cực, Thanh xuân 21 (Nhà hát Tuổi trẻ), Múa rối nước truyền thống, Đồng vọng rối Việt (Nhà hát Múa rối Việt Nam). Dự kiến sẽ có khoảng 10 chương trình nghệ thuật online trên nền tảng livestream trên các nền tảng số.
Kế hoạch của Bộ VHTTDL về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19, đề nghị các cơ quan,đơn vị liên quan chủ động phối hợp thực hiện.
Theo Báo Văn Hóa, HIỀN LƯƠNG