Bộ VHTTDL nâng cao hiệu quả quản lý về bảo tồn, phát huy giá trị di sản
09/08/2022 | 10:59Theo chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ tham gia trả lời chất vấn đối với một số vấn đề liên quan đến ngành như Du lịch, Văn hóa.
Liên quan đến một số nội dung về văn hóa được đề cập đến trong phiên chất vấn, có thể khẳng định đây đều là những lĩnh vực quan trọng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tích cực triển khai theo đúng tinh thần của Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể; khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương; quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa…
Để cụ thể hóa những chỉ đạo này của Tổng Bí thư, ngay từ những ngày đầu năm 2022, tại tỉnh Nghệ An, trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ phát động chủ đề năm công tác của ngành "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ" với 4 nhiệm vụ cụ thể và xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và 3 nhiệm vụ về công tác cán bộ.
Nhằm nâng cao hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, chỉ trong 8 tháng qua, Bộ VHTTDL đã triển khai 2 Hội nghị, Hội thảo nhằm tổng kết và xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về Luật Di sản văn hóa, sớm trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.
Hai góc độ tiếp cận dự án Luật Di sản Văn hóa được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ đó là: bảo vệ di sản và quan trọng hơn là phát huy giá trị di sản văn hóa. "Bảo vệ không có nghĩa là bó buộc lại, còn phát huy thì phải làm sao để những di sản được tỏa sáng, đóng vai trò dẫn dắt, quảng bá và là thương hiệu, nơi để chúng ta nói với bạn bè quốc tế, nơi khẳng định hồn cốt của dân tộc".
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 238 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; trong tổng số hơn 4 vạn di tích đã được kiểm kê, có 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.590 di tích quốc gia và hơn 10.000 di tích cấp tỉnh; khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 187 bảo tàng (gồm 128 bảo tàng công lập, 59 bảo tàng ngoài công lập). Trên bình diện quốc tế, đã có 29 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO vinh danh (gồm: 08 di sản văn hóa vật thể, 14 di sản văn hóa phi vật thể và 07 di sản tư liệu).
Để việc xây dựng thể chế về lĩnh vực bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa bám sát thực tiễn, từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều cuộc làm việc với các địa phương như: Bắc Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Cần Thơ…Trước mỗi buổi làm việc, người đứng đầu ngành VHTTDL đều dành nhiều thời gian lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của những người làm công tác văn hóa ở cơ sở để từ đó có những kiến nghị về chính sách phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Đây cũng đều là những chất liệu quý, đa sắc màu trong quá trình xây dựng bộ luật mới về di sản văn hóa.
Cũng trong 8 tháng qua, nhằm nâng cao hiệu quả công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, Bộ VHTTDL đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với các địa phương như Cần Thơ, Kon Tum tổ chức các Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc, Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn- Tây Nguyên…
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao cho ngành VHTTDL đó là xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về chấn hưng văn hóa. Đây là nhiệm vụ lớn mà toàn ngành đang tích cực triển khai trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.
Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; khoảng 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Có ít nhất 05 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh theo các Công ước của UNESCO.
Với sự vào cuộc tích cực bằng các giải pháp thiết thực, hữu hiệu, cùng những mục tiêu, giải pháp cụ thể đã đề ra, kỳ vọng trong thời gian tới, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, di sản sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, sẽ góp phần hơn nữa vào việc thực hiện các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao cho ngành Văn hóa.