Bộ VHTTDL luôn đồng hành cùng TP.HCM tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình đầu tư vào các dự án Văn hóa và Thể thao
15/10/2024 | 15:48Sáng 15/10, tại TP.HCM, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao trên địa bàn TP.HCM trong năm 2024 theo hình thức PPP.
Đến tham dự và chủ tọa Hội nghị có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Cùng chủ tọa có ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM.
Hội nghị kêu gọi đầu tư các dự án Văn hóa - Thể thao TP.HCM năm 2024 nhằm đẩy mạnh xã hội hóa để huy động sức mạnh tổng hợp phát triển lĩnh vực văn hóa và thể thao, huy động tốt các nguồn lực trong xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Đồng thời, quảng bá hình ảnh Thành phố; giới thiệu các dự án, chính sách thu hút đầu tư; khẳng định những lợi thế, tiềm năng của Thành phố trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình; đẩy mạnh mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn TP.HCM; định hướng, hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa phát triển trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của Thành phố.
Ưu tiên đầu tư 5 dự án trong năm 2024 theo hình thức PPP
Phát biểu giới thiệu các dự án trong lĩnh vực Văn hóa – Thể thao TP.HCM ưu tiên đầu tư, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận nhấn mạnh, TP.HCM luôn đề cao vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa và thể thao. Thành phố luôn chú trọng công tác đầu tư, mong muốn thu hút được nhiều nguồn lực từ trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao, xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao tầm cỡ, trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu; trong đó có kêu gọi xúc tiến đầu tư các dự án về Văn hóa – Thể thao.
Ngày 24 tháng 6 năm 2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết cho phép TP.HCM được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Nghị quyết đã tạo cơ hội lớn, có tính đột phá để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển. Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 16 quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu cho các dự án PPP. Theo đó, đối với các thiết chế do cấp Thành phố quản lý, quy mô đầu tư tối thiểu từ 45 tỷ đồng trở lên; các thiết chế do quận huyện, thành phố Thủ Đức quản lý, quy mô tối thiểu từ 10 tỷ đồng trở lên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và đầu tư.
Ngày 15/8/2024, UBND Thành phố đã ban hành quy trình về trình tự thủ tục thực hiện dự án PPP gồm 6 chương và 24 phụ lục đính kèm. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu khi tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư vào TP.HCM.
Ông Trần Thế Thuận cho hay, TP.HCM hiện đang kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án, trong đó, có 23 dự án được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua danh mục đầu tư (trong đó có 05 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước, 18 dự án còn lại thành phố mời gọi nhà đầu tư quan tâm, cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả), trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Khu Liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc, tại Khu Trường đua Phú Thọ… Các dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của TP.HCM. Các thông tin về dự án như: mục tiêu dự án, diện tích đất, quy mô đầu tư, phương án thiết kế...
Theo đó, Thành phố sẽ kêu gọi ưu tiên đầu tư vào 5 dự án gồm: Dự án Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật TP.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án Khu phức hợp Trung tâm Văn hóa thiếu nhi Đa năng – Rạp chiếu phim; Dự án Trung tâm văn hóa – thể thao đa năng TPHCM tại huyện Cần Giờ; Dự án xây dựng mới Nhà hát Gia Định; Dự án Trung tâm Văn hóa Thành phố.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến, trăn trở của Nhà đầu tư/doanh nghiệp khi tham gia vào các dự án đã được nêu ra và cũng được lần lượt lãnh đạo các sở ban ngành Thành phố giải đáp, thông tin. Trong đó, đa số các ý kiến tập trung về cơ chế chính sách hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn, đầu mối...
Ông Mai Trọng Linh, Tập đoàn CT Group quan tâm đến chính sách hỗ trợ ưu đãi của TP.HCM cũng như trong quá trình đầu tư có được điều chỉnh dự án cho phù hợp với thực tiễn. "Trường hợp Nhà đầu tư chưa thể thu hồi vốn trong thời gian vận hành, trong trường hợp này Thành phố sẽ có cơ chế để hỗ trợ Nhà đầu tư như thế nào?... Với danh mục dự án PPP mà Thành phố kêu gọi, Nhà đầu tư có thể thay đổi, điều chỉnh quy mô đầu tư; hoặc đề xuất bổ sung thêm các hạng mục để phù hợp với nhu cầu đầu tư và định hướng phát triển của Thành phố được hay không?", ông Linh nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đề cập đến việc tiếp cận nguồn vốn vay. Bà Đinh Thị Thúy Hằng – đại diện Rạp phim CineStar đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng và khai thác Nhà hát của mình ở Đà Lạt. Từ kinh nghiệm đó, CineStar rất quan tâm đến các dự án liên quan đến rạp phim, nhà hát.
Bà Thúy Hằng đặt câu hỏi: "Khi doanh nghiệp đăng ký tham gia nghiên cứu, cam kết cùng đồng hành với chính quyền thành phố để hoàn thành các dự án đầu tư và khai thác vận hành công trình hiệu quả để phục vụ nhân dân, như vậy Nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi gì về thuế, về nguồn vốn vay hoặc ưu đãi gì trong các bước đấu thầu thực hiện dự án?".
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc khẳng định, TP.HCM luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp/nhà đầu tư đầu tư. Tuy nhiên, Nhà đầu tư được đề nghị lựa chọn khi đáp ứng 5 điều kiện sau: Hồ sơ dự thầu hợp lệ; Đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm; Đáp ứng yêu cầu về mặt kĩ thuật; Đáp ứng yêu cầu về mặt Tài chính – Thương mại; Có hồ sơ dự thầu được xếp hạng nhất.
Bộ VHTTDL luôn đồng hành với TP.HCM
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa được nêu tại Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã ưu tiên tập trung đầu tư 08 ngành để phát triển, nâng chất, tăng hàm lượng chất xám và khoa học – công nghệ cao trên từng sản phẩm.
Trên lĩnh vực văn hóa và thể thao, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng TP.HCM, thành trung tâm lớn về văn hoá, có sức lan toả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả nước. Phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ văn hoá, thể thao và sản phẩm du lịch mang tầm quốc tế.
Tại Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Nghị quyết đã trao cho TP.HCM nhiều cơ chế chính sách mới, khá toàn diện, tạo đà cho TP tăng tốc, phát triển. Việc hiện thực hóa Nghị quyết không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy kinh tế, xã hội của TP mà còn là trọng trách, sứ mệnh của TP đối với cả nước.
Thành phố đã có nhiều mô hình, giải pháp, nỗ lực mời gọi đầu tư xây dựng các cụm công trình, khu liên hợp đa năng, hiện đại. Trong đó, việc tổ chức Hội nghị hôm nay là một trong số nhiều giải pháp để TP.HCM lắng nghe các ý kiến, hiến kế của quý vị nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, đưa Thành phố hướng tới một đại đô thị thông minh, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế. Thành công của TP.HCM trong phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thiết chế văn hóa thể thao hiệu quả, sẽ là tiền đề nhân rộng, hỗ trợ, thúc đẩy, khơi thông các nguồn lực để xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của nước nhà.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kỳ vọng, từ Hội nghị này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân. Đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa. Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ thỏa đáng cho người dân, tạo điều kiện cho người dân địa phương được đào tạo nghề, có công ăn việc làm, phúc lợi xã hội; đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin rằng, TP.HCM tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Bộ VHTTDL sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết sách lớn tạo nền tảng vững chắc để TPHCM tăng tốc, tạo đột phá mới. Đặc biệt Bộ VHTTDL luôn đồng hành cùng TP.HCM tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình đầu tự các dự án Văn hóa và Thể thao.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cảm ơn sự tham dự và ý kiến phát biểu đầy tâm huyết của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, nhà đầu tư về các định hướng, ý muốn đầu tư và đóng góp chung vào sự phát triển của ngành văn hóa và thể thao thành phố. Qua các nội dung đã trao đổi tại Hội nghị có thể thấy được các tổ chức quốc tế, các Hiệp hội, các nhà đầu tư đã gắn bó và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong suốt những năm qua.
Bên cạnh đó, qua trao đổi của các doanh nghiệp tại Hội nghị đã giúp Lãnh đạo Thành phố hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp và Nhà đầu tư mong muốn đóng góp, tham gia vào sự phát triển của ngành văn hóa và thể thao nói riêng và TP.HCM nói chung. Chủ tịch UBND TP.HCM tin rằng với sự tin cậy, đồng hành và gắn bó của các tổ chức, các doanh nghiệp và các Nhà đầu tư là một trong những nhân tố mang tính chất quyết định đến sự phát triển và thành công của kinh tế - văn hóa xã hội của TP.
"Tại hội nghị này, TP không chỉ tiếp nhận những ý kiến rất có ý nghĩa và đầy tâm huyết, mà còn đón nhận những cam kết mạnh mẽ của các Nhà đầu tư về những dự định, đề án tương lai. Thành phố luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các Nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững." Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.