Bộ VHTTDL gặp mặt các nghệ sĩ nhân Kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng Phim Truyện Việt Nam
24/12/2019 | 14:58Sáng 24/12, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đã tổ chức gặp mặt nghệ sỹ nhân Kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng Phim Truyện Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim Truyện Việt Nam) 1959 – 2019.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông và 300 khách mời là các NSND, NSƯT, cán bộ, nhân viên, người lao động nhiều thế hệ của Hãng Phim Truyện Việt Nam đã tới dự buổi gặp mặt.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cùng các nghệ sĩ ôn lại lịch sử 60 năm qua của Hãng phim Truyện Việt Nam.
Năm 1959, bộ phim truyện đầu tiên mang tên Chung một dòng sông ra đời đánh dấu sự hình thành và phát triển của phim truyện điện ảnh Cách mạng Việt Nam; bộ phim cũng đã đặt dấu mốc lịch sử thành lập nên Hãng Phim Truyện Việt Nam.
Làm theo lời Bác, các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đã đồng tâm chung sức xây dựng Hãng Phim Truyện Việt Nam ngày một hoàn thiện về chuyên môn và bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhớ cho đến ngày nay. Mảnh đất số 4 Thụy Khuê là ngôi nhà thân thương đã vun đắp những tài năng của những nghệ sĩ, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng nhất của điện ảnh Việt Nam. Đó là: NSND Phạm Văn Khoa, NSND Nguyễn Hồng Nghi, NSND Phạm Kỳ Nam, NSND Trần Vũ, NSND Nguyễn Đăng Bảy, NSND Trần Vũ, NSND Hải Ninh, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Bạch Diệp, NSND Trà Giang, NSND Ngọc Lan, NSND Thụy Vân, NSND Như Quỳnh… và còn rất nhiều tên tuổi đã gắn liền với nhiều bộ phim truyện xuất sắc ra đời trong thời kỳ chiến tranh: Nổi gió; Con chim vành khuyên; Đường về quê mẹ; Lửa trung tuyến; Vĩ tuyến 17, ngày và đêm; Em bé Hà Nội; Ngày Lễ thánh; Đến hẹn lại lên, Thành phố lúc rạng đông, Sài Gòn tháng 5 năm 1975.
Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều nghệ sĩ điện ảnh đã ngã xuống trên chiến trường trong lúc đang làm nhiệm vụ. Chúng ta luôn ghi nhớ lòng dũng cảm, sự hy sinh của các liệt sĩ vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Đất nước thống nhất, các cán bộ, nghệ sĩ của Hãng có mặt trên khắp mọi miền đất nước, dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ góp sức xây dựng nền Điện ảnh Việt Nam thống nhất, đổi mới, tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc như: Sao Tháng Tám, Mối tình đầu, Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Cỏ lau, Đời cát, Ngã ba Đồng Lộc, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Cuộc đời của Yến ... Các tác phẩm này đã chiếm được trái tim, tình cảm của hàng triệu triệu khán giả. Đó là nguồn động viên vô cùng quý giá dành cho những người làm phim của Hãng Phim Truyện Việt Nam.
Nhiều tác phẩm, các nghệ sĩ xuất sắc đã được trao những giải thưởng cao quý, với 65 Bông Sen Vàng tại các kỳ Liên hoan Phim Quốc gia; những giải thưởng Quốc tế quý giá ngay từ trong những năm tháng chiến tranh: Huy chương Vàng Liên hoan Phim Quốc tế Moscow 1969, giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moscow 1973, Giải thưởng Lớn Bồ Câu Vàng tại Liên hoan Phim Leipzig 1975, Giải thưởng chính của Liên hoan Phim Quốc tế Karlovy Vary 1976… đã khẳng định vai trò luôn đi đầu của Hãng Phim Truyện Việt Nam trong các hoạt động điện ảnh, đứng đầu sóng ngọn gió trong mọi sự đổi thay để tồn tại và phát triển, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Với những cống hiến trên đối với điện ảnh Cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 01 Huân chương Độc lập hạng Ba, 05 Huân chương Lao động hạng Nhất, 06 Huân chương Lao động hạng Nhì, 06 Huân chương Lao động hạng Ba, 06 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 13 Giải thưởng Nhà nước cho các Nghệ sĩ tài năng của Hãng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, đây là dịp để đội ngũ nghệ sĩ, nhân viên Hãng Phim Truyện Việt Nam cùng ôn lại quá khứ vinh quang và thấy rõ trách nhiệm của thế hệ hôm nay, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để tạo nên sức sống mới cho Hãng Phim Truyện Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
60 năm, đánh dấu một chặng đường lịch sử, với những thành tựu quan trọng mà các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đạt được, Thứ trưởng mong mỏi các nghệ sĩ hãy giữ vững niềm tin vào giá trị lao động sáng tác nghệ thuật và niềm tin trên con đường đổi mới và phát triển.
Thứ trưởng khẳng định, quá trình cổ phần hóa Hãng Phim Truyện Việt Nam đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục một cách sớm nhất có thể. Các nghệ sĩ của Hãng cần một môi trường sáng tạo có tính đổi mới đột phá. Quá trình đưa Hãng Phim đi tiếp chặng đường mới sẽ có sự ủng hộ, hỗ trợ xứng đáng từ phía các Bộ, ngành; sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ.
Đại diện cho các nghệ sĩ của Hãng Phim Truyện Việt Nam, đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng khẳng định, Hãng Phim Truyện Việt Nam đã có lịch sử lâu dài, với nhiều thế hệ nghệ sĩ sáng tạo. Buổi gặp mặt thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Cục Điện ảnh, giúp cho các anh chị em nghệ sĩ của Hãng có nhiều hy vọng. "Với tư cách là nghệ sĩ của Hãng, tôi tin vào lịch sử đất nước, lịch sử Hãng Phim Truyện Việt Nam, tin vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ VHTTDL, tin vào các thế hệ nghệ sĩ, cũng như tin vào bản thân tôi, sẽ có được những bộ phim mới trong thời gian tới, với thương hiệu Hãng Phim Truyện Việt Nam".
Tại buổi lễ, Bộ VHTTDL đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHTTDL cho các NSND, NSƯT, cán bộ nhân viên của Hãng Phim Truyện Việt Nam./.