Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Triển khai có chiều sâu nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hoá với các sự kiện có tầm vóc, tôn vinh các di sản phi vật thể vô giá

23/03/2023 | 15:50

Sáng 23/3, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với tỉnh Phú Thọ về kế hoạch tổ chức Liên hoan thực hành, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam lần thứ nhất- năm 2023 và Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Văn phòng Bộ, Cục Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan.

Đoàn công tác của tỉnh Phú Thọ do ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn; cùng đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UBND tỉnh...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Triển khai có chiều sâu nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa với các sự kiện có tầm vóc, tôn vinh các di sản phi vật thể vô giá - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ

Theo Kế hoạch, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp tổ chức 3 sự kiện lớn gồm: Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam lần thứ nhất- năm 2023; Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Hội nghị quốc tế "Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững". Các sự kiện dự kiến tổ chức trong dịp diễn ra Giỗ tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2023.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, năm 2023 là năm chúng ta triển khai có chiều sâu Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hoá. Trong đó có một nội hàm rất quan trọng là tôn vinh các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, coi đó là nguồn tài nguyên văn hóa hết sức quý báu mà quốc gia, thiên nhiên, con người Việt Nam hàng ngàn năm gây dựng và phát triển cho đến hôm nay.

Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ bảo tồn, tôn vinh đặt ra cấp thiết đối với các cấp, ngành, các địa phương nơi đang lưu giữ, thực hành những di sản văn hóa của dân tộc.

Trong dịp này, cùng với các hoạt động kỷ niệm tại các địa phương, trên vùng đất Tổ, sẽ có chuỗi hoạt động tôn vinh các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức với tầm vóc, quy mô lớn mà điểm nhấn trọng tâm là tôn vinh các giá trị di sản phi vật thể vô giá.

Theo Bộ trưởng, sẽ có 3 sự kiện lớn gồm: Liên hoan thực hành, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam, Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Hội nghị quốc tế với chủ đề dự kiến "Diễn đàn du lịch, văn hoá, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam. Kết thúc chuỗi hoạt động là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng với những nghi thức trang trọng do tỉnh Phú Thọ tổ chức.

"Liên hoan thực hành, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam là hoạt động điểm nhấn trong chuỗi hoạt động được Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Phú Thọ cùng các đơn vị liên quan tổ chức trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2023. Đặc biệt, sự kiện này sẽ nhân lên nhiều ý nghĩa khi gắn với dấu mốc kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

"Đây là chuỗi sự kiện có quy mô lớn, ý nghĩa quan trọng, vì vậy, Bộ VHTTDL và tỉnh Phú Thọ cần phối hợp chặt chẽ để triển khai công việc đạt hiệu quả cao nhất", Bộ trưởng chỉ đạo.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh Phú Thọ nhận thức được việc tổ chức chuỗi sự kiện này là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, nên ngay khi ban hành Kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2023, tỉnh đã chủ động đưa các hoạt động vào kế hoạch tổ chức Tuần văn hóa Đất Tổ.

Ông Bùi Văn Quang cho biết, tỉnh Phú Thọ sẽ tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị của Bộ VHTTDL thực hiện thành công các hoạt động tại Phú Thọ, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, quảng bá hình ảnh du lịch vùng đất Tổ.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Cục, vụ, đơn vị cũng nêu ý kiến đóng góp nhằm xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức sự kiện hiệu quả, thành công.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Triển khai có chiều sâu nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa với các sự kiện có tầm vóc, tôn vinh các di sản phi vật thể vô giá - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, tỉnh Phú Thọ và Bộ VHTTDL thống nhất báo cáo với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương để nhận được sự ủng hộ về việc tổ chức 4 sự kiện văn hóa lớn (3 sự kiện nêu trên và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương) trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm nay.

Bộ trưởng khẳng định, sự kiện đầu tiên cần phải quan tâm đó là Lễ kỷ niệm 20 năm Việt Nam tham gia Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Bộ trưởng cho rằng, sự kiện này khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và tôn vinh phát huy giá trị về di sản, coi đây là cội nguồn sức mạnh theo tinh thần Nghị quyết của Đảng đã xác định.

Hoạt động thứ hai là tổ chức diễn đàn khoa học với mục đích làm sâu sắc hơn các vấn đề di sản, phát huy di sản và văn hóa để hỗ trợ phát triển du lịch. Diễn đàn quy tụ các nhà khoa học quốc tế, những người quản lý, cộng đồng doanh nghiệp đang quan tâm đến với Phú Thọ để nghiên cứu trao đổi, tìm kiếm các cơ hội trong tương lai khi đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn hoá.

Hoạt động thứ ba, là Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam lần thứ nhất- năm 2023. Hoạt động thứ 4, tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng một cách trang trọng, đúng với nghi thức thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh.

"Với 4 hoạt động nêu trên, trong không gian lễ hội Quảng trường Hùng Vương và Đền Hùng là nơi diễn ra các hoạt động, không gian đó phải kết nối được với 15 tỉnh có di sản phi vật thể được UNESCO công nhận"- Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu vấn đề: Sau sự kiện điều đọng lại là gì? Thứ nhất đó là nâng tầm vị thế di sản Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các quan hệ đối ngoại, đặc biệt thông qua mối quan hệ với UNESCO và sự hiện diện của lãnh đạo UNESCO đến với Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, kinh nghiệm về quản lý, đặc biệt là phát huy được các giá trị văn hóa cho các cấp, các ngành, nhất là những người đang bảo tồn, thực hành di sản văn hóa và các cơ quan quản lý. Đặt văn hóa trong bối cảnh, mối quan hệ với kinh tế, kinh tế với văn hoá.

Thứ ba, tại nơi diễn ra lễ hội- tỉnh Phú Thọ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, tạo không khí vui tươi lành mạnh cho nhân dân và qua hoạt động này củng cố thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc. "Mọi công dân Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài đều là con Lạc cháu Hồng, đều hướng về Tổ quốc và nguồn cội, thống nhất thành một khối trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế"- Bộ trưởng nhận định.

Thứ tư, tăng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến với địa phương.

Trên cơ sở thống nhất này, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Phú Thọ và các đơn vị của Bộ trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, xây dựng Kế hoạch chi tiết tổng thể và kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể của mỗi bên.

Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh, tăng cường truyền thông trước, trong và sau sự kiện nhằm lan tỏa ý nghĩa, giá trị của các hoạt động này đến nhân dân./.

Tin: Hà An- ảnh: T.H

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×