Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thúc đẩy "sức mạnh mềm" của Việt Nam thông qua ngoại giao về văn hóa
16/11/2021 | 22:05Chiều tối (16/11), tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi gặp mặt với Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bổ nhiệm năm 2021. Cùng dự buổi làm việc còn có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thủy.
"Ngôn ngữ" nghệ thuật giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam
Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đang được Ban Bí thư giao tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Cũng trong dịp này, Ban Bí thư giao Bộ tiếp tục triển khai sâu rộng Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh về Chiến lược văn hóa đối ngoại.
Trong không khí đó, Bộ trưởng bày tỏ phấn khởi được gặp mặt các Đại sứ, Tổng Lãnh sự, những người được Lãnh đạo Đảng Nhà nước tin tưởng, giao phó, đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp ngoại giao của đất nước.
Ghi nhận hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Bộ VHTTDL trong thời gian qua, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, các Đại sứ, Tổng Lãnh sự sẽ kế thừa những kết quả đó để góp phần đẩy mạnh quảng bá nền văn hóa Việt Nam ra thế giới và tiếp biến những văn hóa tiên tiến của các quốc gia trên thế giới.
Thông tin thêm đến các Đại sứ, Tổng Lãnh sự, Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến hai vấn đề đó là một số nhiệm vụ mà Bộ đã triển khai trong Chiến lược Văn hóa đối ngoại thời gian qua. Thứ hai là nhiệm vụ mà Bộ được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao trong nhiệm kỳ này.
Bộ trưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm đến công tác đối ngoại trong đó có lĩnh vực văn hóa. Theo đó, Bộ đã luôn chủ động phối hợp với các quốc gia mà chúng ta có quan hệ ngoại giao để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.
Thông qua các Đại sứ Việt Nam tại các quốc gia, Bộ đã thường xuyên tiếp cận, trao đổi thông tin, bám sát sự kiện chính trị giữa hai quốc gia để tổ chức các Tuần Văn hóa, Ngày Văn hóa.
"Bằng "ngôn ngữ" nghệ thuật tại các sự kiện này đã góp phần giúp người dân các quốc gia hiểu hơn về bề dày truyền thống, nét riêng về văn hóa, con người Việt Nam. Qua đó tạo nên một "sức mạnh mềm", thể hiện thông điệp mạnh mẽ về một quốc gia đa văn hóa, thống nhất trong chỉnh thể của các dân tộc" - Bộ trưởng cho biết.
Về lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua chúng ta đã tranh thủ được mối quan hệ với các quốc gia có kinh nghiệm để hỗ trợ về công tác tập huấn, đào tạo. Qua đó góp phần giúp cho thể thao Việt Nam đạt được các thành tích trong khu vực và châu lục.
Đối với du lịch, chúng ta cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá tại nhiều quốc gia có tiềm năng. Nhờ đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh đạt được những con số đáng ấn tượng.
Quy tụ nguồn lực để triển khai chiến lược đối ngoại hiệu quả
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, những kết quả đạt được trong công tác ngoại giao về văn hóa thời gian qua vẫn có lúc, có thời điểm chưa kịp thời, thiếu linh hoạt, chưa phát huy được vai trò cộng đồng người Việt Nam tại các quốc gia.
Cho rằng, nguồn lực trong công tác đối ngoại nằm rải ra các bộ, ngành, Bộ trưởng nêu quan điểm: "Nên chăng cần quy tụ các nguồn lực, khi triển khai chiến lược về đối ngoại sẽ tạo ra một bức tranh tổng thể của đất nước vừa có chiều sâu, chiều rộng và bề dày? Vấn đề này đã có lần tôi phát biểu trước Chính phủ".
Về một số nhiệm vụ của ngành, Bộ trưởng chia sẻ, quán triệt chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII về văn hóa, Bộ đã tham mưu để triển khai và xây dựng "sức mạnh mềm" với nội hàm mà Nghị quyết đã đề ra đó là "Khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường".
Bộ đang triển khai thực hiện Chiến lược về Văn hóa bằng các đề án, kế hoạch cụ thể, hình thành môi trường văn hóa, hệ giá trị về văn hóa. Trong đó, Bộ đang tham mưu cho các cơ quan quan tâm nhiều hơn nữa đến các quốc gia có đông kiều bào, xem đây chính là chủ thể văn hóa.
Ngoại giao chính là văn hóa
Trao đổi tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ bày tỏ ấn tượng với chia sẻ của Bộ trưởng, dù ngắn gọn nhưng rất trách nhiệm, thể hiện được sự tâm huyết của lãnh đạo Bộ đối với các Đại sứ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, VHTTDL là lĩnh vực có hàm lượng đối ngoại rất cao. "Chúng tôi xác định, ngoại giao chính là văn hóa, chỉ có ngoại giao văn hóa thành công thì sau đó mới đạt được ngoại giao về chính trị, kinh tế, xã hội" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, trong những năm qua, công tác ngoại giao rất cần có sự đóng góp của Bộ VHTTDL. Các hoạt động xúc tiến kinh tế đều cần thiết có ngoại giao văn hóa kèm theo. Bên cạnh đó, trong các hoạt động của các Đại sứ cũng rất cần đến sự hỗ trợ của Bộ nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra bạn bè quốc tế.
Bày tỏ ủng hộ những kế hoạch của Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa từ các cơ quan của Bộ VHTTDL. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hơn nữa thương hiệu quốc gia, thúc đẩy quảng bá về văn hóa ứng xử của con người Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức nhấn mạnh: "Niềm tự hào của chúng tôi khi ra nước ngoài nhận công tác đó chính là sự hỗ trợ, nền tảng và hậu phương vững chắc bởi nền văn hóa, văn hiến giàu có của Việt Nam".
Bà Phạm Thái Như Mai - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Kazakhstan bày tỏ mong muốn: "Kazakhstan là quốc gia không có nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với kỳ vọng "gieo mầm" văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam tại quốc gia này. Để làm được điều này, chúng tôi rất mong muốn nhận sự hỗ trợ từ Bộ để có các sản phẩm quảng bá cho người dân nước bạn."
Trước khi kết thúc buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, từ đó, ông một lần nữa bày tỏ mong muốn các Đại sứ, Tổng Lãnh sự sẽ nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ và Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó./.