Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phát huy sức mạnh văn hóa trong bồi đắp giá trị chân, thiện, mỹ để xây dựng con người phát triển toàn diện

25/11/2021 | 09:03

Chiều 24/11, tại Hội trường Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội), Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục làm việc. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị.

Trình bày tại Hội nghị về việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là bước đi trọng tâm của Bộ VHTTDL trong việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong bài trình bày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh nêu 5 quan điểm xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và các mục tiêu chung.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phát huy sức mạnh văn hóa trong bồi đắp giá trị chân, thiện, mỹ để xây dựng con người phát triển toàn diện - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng nhấn mạnh về các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Các mục tiêu đó là: (1) Phấn đấu có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa. (2) Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ tôn tạo, khoảng 70% di sản văn hóa phi vật thể, vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình để bảo vệ phát huy giá trị. Có ít nhất 5 di sản được Unessco ghi danh. (3) Ít nhất 75% dân số vùng sâu, xa vùng biên giới hải đảo, 80% dân số vùng đồng bằng, dân tộc thiểu số được hưởng thụ, tham gia các hoạt động văn hóa, nghe xem các kênh truyền hình của quốc gia, địa phương. (4) Bảo đảm 85% các địa phương cơ quan đơn vị đạt danh hiệu văn hóa trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa và phong trào thi đua các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở kế thừa phát huy tinh hoa của văn hóa gia đình truyền thống đẻ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, văn minh, hiện đại. (5) Có từ 10-15 công trình nghiên cứu lí luận văn học được công bố, 2 tác phẩm đạt giải thưởng ASEAN, 20-30 tác phẩm công trình văn hóa lịch sử về đấu tranh cách mạng, xây dựng các công trình nghiên cứu lí luận, phê bình.

Nhắc lại những trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc lâu rồi chúng ta không có những tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao, làm lay động lòng người, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chiến lược cũng đặt vấn đề thời gian tới sẽ có những tác phẩm sống mãi với thời gian. "Đất nước ta, với văn hoá 4.000 năm, "Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành thơ". Chúng ta luôn đề cao tính sáng tạo, mong muốn, khuyến khích để có được đội ngũ văn nghệ sĩ cống hiến, tạo ra những "đứa con tinh thần" dâng cho đời", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Nói về đề xuất phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách/năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Trong nhiều năm qua, chúng ta mong muốn có được nguồn lực để đầu tư. Năm 2019, trên diễn đàn Quốc hội cũng có đại biểu thẳng thắn đề cập, "đầu tư cho văn hóa chỉ tương đương vài km đường nhựa trong 5 năm". Thực ra, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng quả thực với số tiền đó thì chưa làm được gì nhiều cho văn hoá. Vì thế, mong muốn có được 2% trong tổng số chi của ngân sách, ít nhất văn hoá cũng được đặt ngang hàng với một số ngành khác.

Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để văn hoá có điều kiện phát triển. “Bộ VHTTDL cũng đã báo cáo trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước và bước đầu nhận được sự đồng tình. Bên cạnh đó, từ những sự sáng tạo của địa phương và khi đang chờ những chính sách của Trung ương, tôi mong rằng các địa phương quan tâm đầu tư, phát triển văn hóa nhiều hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phát huy sức mạnh văn hóa trong bồi đắp giá trị chân, thiện, mỹ để xây dựng con người phát triển toàn diện - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Bộ trưởng cũng nêu 11 nhiệm vụ, giải pháp chính để thực hiện và đạt được các mục tiêu trên.

Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên là phải nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam, tăng cường đa dạng hóa, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động nội dung hình thức, tuyên truyền, giáo dục giá trị, đạo đức, văn hóa, lối sống. Định kỳ 5 năm tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc.

Thứ hai là Hoàn thiện thể chế chính sách và khuôn khổ pháp lý. Đây là công việc cụ thể hóa 1 trong 3 khâu đột phá mà đảng và nhà nước đề ra là thể chế. Chính vì vậy mà ngành Văn hóa cần phải tham mưu để rà soát hoàn thiện các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đề xuất xây dựng bổ sung quy định pháp luật.

Nhiệm vụ và giải pháp thứ 3: Xây dựng con người phát triển toàn diện. Ở đây đặt ra các điều kiện hình thành các giá trị chuẩn mực. "Riêng điều này sáng nay Tổng Bí thư đã nói rất rõ, đó là con người Việt Nam yêu nước, con người của trung thực, con người của dũng cảm, con người của cần cù, con người của sáng tạo, con người của hội nhập, con người tôn trọng pháp luật hay nói cách khác là sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật... Xây dựng con người không tách rời gia đình, nhà trường và xã hội, chú ý vai trò của gia đình tiến bộ ấm no hạnh phúc. Nếu ngay từ gia đình không giáo dục con người hình thành nhân cách và không phát huy được sức mạnh văn hóa trong vấn đề bồi đắp giá trị chân, thiện, mỹ thì sẽ không có những con người như mong muốn mà chúng ta đề ra"- Bộ trưởng nhận định.

Nhiệm vụ thứ tư là xây dựng môi trường văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

Nhiệm vụ thứ 5, nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa. Đây là một yêu cầu của ngành văn hóa nói chung và của các cấp các ngành văn hóa nói riêng.

Nhiệm vụ thứ 6 là bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Nhiệm vụ thứ 7 là hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa. Ưu tiên cho một số ngành công nghiệp văn hóa.

Nhiệm vụ thứ 8 là chủ động hội nhập tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế. Trong quá trình tiếp biến văn hóa Đảng ta xác định rõ, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, đồng thời chúng ta đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. "Văn hóa Việt Nam được hiểu như là một tấm danh thiếp ngoại giao văn hóa. Khi nói đến Việt Nam là bạn bè quốc tế biết đến vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của con người, về sự hiếu khách…Vì vậy chúng ta phải đưa bộ môn nghệ thuật độc đáo mà chỉ có duy nhất ở Việt Nam, ví dụ như rối nước phải được quảng bá, chủ động hội nhập, giao lưu quốc tế cần đẩy mạnh hơn nữa ở các ngành các cấp.…"- Bộ trưởng chia sẻ.

Nhiệm vụ thứ 9 là phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa.

Nhiệm vụ thứ 10 là nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Nhiệm vụ 11 là phát huy các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước chi cho văn hóa, đẩy mạnh hợp tác công tư trong bảo tồn phát triển văn hóa, xây dựng các cơ chế ưu đãi, miễn giảm các thuế thu hút các chính sách đầu tư.

Tin: Hồng Hà- Ảnh: Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×