Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Phải đặt được tên gọi, viết nên câu chuyện về thương hiệu du lịch tỉnh Nghệ An"
15/03/2022 | 20:36Sáng nay (15/3), tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã làm việc với tỉnh Nghệ An về công tác văn hóa, thể thao và du lịch. Về phía Bộ VHTTDL còn có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt. Làm việc với lãnh đạo Bộ VHTTDL, về phía tỉnh Nghệ An có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung.
Nghiên cứu nâng tầm Lễ hội Làng Sen
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, tỉnh nhận diện rất rõ thế mạnh về văn hóa và du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội.
Theo đó, Nghệ An là địa phương có bề dày lịch sử; yêu nước, hiếu học, sống có nghĩa có tình; có hệ thống di sản văn hóa "rất dày", có điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch thể thao mạo hiểm... Tỉnh cũng đã bảo tồn, phát huy và đưa di sản văn hóa vào trường học một cách hiệu quả.
Cũng theo ông Thái Thanh Quý, Nghệ An hội tụ đầy đủ thế mạnh để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng và rất mong Bộ quan tâm để hỗ trợ tỉnh phát triển. Tỉnh cũng đề xuất Bộ VHTTDL nghiên cứu có ý kiến với cấp có thẩm quyền nâng tầm Lễ hội Làng Sen thành Lễ hội văn hóa Hồ Chí Minh được tổ chức quy mô toàn quốc. Đồng thời quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh Nghệ An xây dựng Khu du lịch Kim Liên sớm trở thành Khu du lịch quốc gia.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị Bộ quan tâm lựa chọn Nghệ An là địa phương xây dựng điểm về phát triển đời sống văn hóa cơ sở. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ về cơ sở vật chất thiết chế văn hóa cấp xã, các thôn, xóm bản sau sáp nhập; hỗ trợ huyện Nam Đàn xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa gắn với phát triển du lịch; khảo sát, lựa chọn, hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng Khu làng văn hóa gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số và phát triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An.
Trong Chiến lược phát triển thể thao giai đoạn tới, tỉnh mong muốn được đưa vào quy hoạch vùng trọng điểm (Bắc Trung Bộ) tuyển chọn, đào tạo tài năng cho các môn thể thao trọng điểm và là Trung tâm phụ trợ huấn luyện nâng cao thành tích thể thao của quốc gia.
Nhiều mô hình sáng tạo trong Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL Lương Đức Thắng cho rằng, tỉnh Nghệ An là điểm sáng trong thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo. Vì vậy, tỉnh cần xem xét ban hành Nghị quyết đặc thù về vấn đề này để Bộ có thể lựa chọn Nghệ An làm điểm xuất phát xây dựng các mô hình điểm nhân rộng ra cả nước.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL Trần Ly Ly cho biết, hiện đơn vị đang chuẩn bị tổ chức một cuộc thi tuồng và dân ca kịch tại Nghệ An dự kiến được tổ chức vào dịp Lễ hội Làng Sen vào ngày 15/5 và kỳ vọng thông qua sự kiện này sẽ có thể kích cầu phát triển du lịch cho địa phương.
Cho ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, trong thời gian qua, tỉnh đã rất quan tâm phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn. Nhà Văn hóa tỉnh chỉ có 28 người nhưng khối lượng công việc lớn và tuy có diện tích lớn nhưng chưa có hội trường đảm bảo để tổ chức các sự kiện văn hóa lớn tầm cỡ.
Đối với Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh, Thứ trưởng cho rằng, đây là nhà hát có vai trò và vị trí không chỉ đối với tỉnh mà còn cả nước trong việc bảo tồn dân ca ví giặm. Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư cơ sở 2 hoành tráng, khang trang nhưng cần phải bổ sung các thiết bị kỹ thuật để biểu diễn. Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh cần đẩy mạnh việc đặt hàng để nhà hát thực hiện các chương trình biểu diễn cũng như quan tâm đầu tư kinh phí để các vở diễn đạt chất lượng cao.
Về đào tạo nguồn nhân lực, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị tỉnh cần duy trì hoạt động của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, cân nhắc không sáp nhập đơn vị này vào đơn vị khác.
Hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch tỉnh Nghệ An
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Nghệ An là địa phương có đầy đủ thế mạnh về phát triển văn hóa rừng, biển, tâm linh. Tỉnh cũng rất tích cực trong các đợt kích cầu du lịch do Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch tổ chức. Tuy nhiên, qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch các chỉ số về du lịch bị giảm rất mạnh. Đóng góp du lịch cho GDP của địa phương còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa cao, sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn…
Để mở cửa lại du lịch trong bình thường mới, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, địa phương cần ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp người lao động về du lịch, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm mới để hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch tỉnh Nghệ An. Cần nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch và đầu tư kinh phí để xúc tiến quảng bá nhất là trên mạng xã hội.
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến đề nghị trong thời gian tới, tỉnh cần phát triển du lịch gắn với thể thao, chẳng hạn như các giải marathon tổ chức tại Cửa Lò. Đây là mô hình đã được không ít các địa phương tổ chức và thu hút hàng nghìn người tham dự, trong đó có rất nhiều khách du lịch người nước ngoài.
"Những giải thể thao như chạy bộ, đạp xe… ai cũng có thể tham gia được vì không phải đầu tư tốn kém. Nếu chúng ta tổ chức được những sự kiện này thì hoàn toàn có thể phát triển phong trào thể thao cho mọi người, nâng cao nguồn nhân lực và thu hút du lịch rất tốt" - bà Lê Thị Hoàng Yến nêu quan điểm.
Liên quan đến lĩnh vực Du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá, Nghệ An là địa phương có truyền thống, thương hiệu về du lịch cả trong nước và nước ngoài khi có nhiều địa danh, di tích, danh thắng không chỉ trong phạm vi quốc gia mà trên các trang du lịch quốc tế đều đề cập đến. Từ lợi thế về di sản sẵn có, tỉnh cần tập trung đầu tư để thu hút, phát triển du lịch.
Cũng theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, trong thời gian qua, nông nghiệp công nghệ cao của Nghệ An có những bước phát triển rất tích cực. Hiện nay, tỉnh có nhiều mô hình nông nghiệp gắn với phát triển du lịch như đồi hoa Hướng dương, cánh đồng bò sữa, đồi chè Thanh Chương… rất thu hút sự quan tâm của du khách. Chính vì vậy, đây là một hướng đi mà tỉnh cần quan tâm đầu tư trong thời gian tới.
Cũng theo Thứ trưởng, trong năm qua, tỉnh Nghệ An đã rất tích cực trong việc kích cầu, quảng bá du lịch của địa phương, đây chính là cơ sở để phục hồi du lịch sau đại dịch.
Vẫn còn những khó khăn, bất cập
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ phấn khởi với sự phát triển không ngừng của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua trước bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng, khi kinh tế trở thành trung tâm, xây dựng Đảng trở thành nhiệm vụ then chốt, tỉnh Nghệ An đã tập trung đầu tư, chăm lo cho văn hóa. Về văn hóa, thời gian qua tỉnh Nghệ An đã phát triển đúng hướng, biết chọn việc, chọn điểm, qua đó phát huy được giá trị văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của con người Nghệ An.
Một trong những điểm nhấn của tỉnh đó là phát huy giá trị của di tích di sản, biến di tích di sản phục vụ trở lại cho việc giáo dục, kinh tế và nhất là lĩnh vực du lịch. Điểm nhấn tiếp theo đó là Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã đi vào thực chất…
Bên cạnh đó, du lịch đã một phần đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương. Thể thao của tỉnh cũng đóng góp nhiều VĐV cho thể thao thành tích cao của quốc gia, thể thao quần chúng được phát triển thực chất.
"Tất cả những điều đó góp phần cho Nghệ An giữ được sự phát triển, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước đối với địa phương" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trên tinh thần nói thẳng nói thật, Bộ trưởng cho rằng, Nghệ An vẫn còn những khó khăn, bất cập liên quan đến các lĩnh vực VHTTDL. Theo đó, dù tỉnh đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. "Chúng ta đầu tư cho thiết chế nhưng phải phát huy hết được các thiết chế đó, đây là bài toán không chỉ riêng tỉnh Nghệ An. Bên cạnh đó, tính bao phủ vẫn chưa toàn diện, do địa bàn rộng nên một số nơi ở vùng sâu vùng xa của tỉnh vẫn chưa được đầu tư thiết chế văn hóa" - Bộ trưởng nêu dẫn chứng.
Cũng theo Bộ trưởng, Nghệ An có dư địa để phát triển du lịch nhưng lĩnh vực này vẫn chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh vẫn còn thiếu sản phẩm du lịch nổi trội. "Du lịch mà không chú trọng xúc tiến quảng bá thì chúng ta không mở cửa ra thế giới được. Chúng ta có bao nhiêu app (ứng dụng - PV) về du lịch Nghệ An, trang thông tin Sở đã kết nối được đến đâu?" - Bộ trưởng băn khoăn.
Một tồn tại khác mà Bộ trưởng bày tỏ trăn trở đó là, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về lĩnh vực vẫn còn chưa đầy đủ, chỉ thấy ngành văn hóa là tiêu tiền mà không thấy được chiều sâu của văn hóa, điều này dẫn đến việc những người làm văn hóa có lúc có nơi còn cảm thấy đứng ngoài cuộc.
Cần xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh
Để định vị lại tiềm năng của tỉnh, Bộ trưởng đề nghị Nghệ An cần sớm rà soát, sơ kết Nghị quyết của tỉnh liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Theo đó, tỉnh cần xây dựng Đề án về Chiến lược phát triển văn hóa của Nghệ An đến năm 2030. Đây chính là công cụ để Nghệ An triển khai các nhiệm vụ về phát triển văn hóa trên địa bàn.
"Chúng ta tiếp cận vừa toàn diện nhưng cũng có trọng tâm, trọng điểm. Có những cái chúng ta đặt nền móng, nhưng cũng có những cái chúng ta thực hiện. Và để thực hiện được các nhiệm vụ đó, tỉnh cần quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện" - Bộ trưởng lưu ý.
Phát huy giữ gìn giá trị văn hóa của quê hương, con người xứ Nghệ, Bộ trưởng cho rằng tỉnh có thể chọn vấn đề rộng như vậy trong xây dựng Đề án nhưng nội hàm là cần phải có trọng tâm trọng điểm. "Cái gốc vẫn bắt đầu từ lĩnh vực di sản. Tỉnh nên nghiên cứu để đưa dân ca ví giặm trở thành một trong trụ cột để bằng quy luật riêng của lĩnh vực nghệ thuật góp phần bồi dưỡng giá trị chân-thiện-mỹ" - Bộ trưởng gợi mở.
Nhắc đến việc Bắc Ninh có Nghị quyết riêng của HĐND tỉnh phụ cấp cho các nghệ nhân để họ truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu cho thế hệ sau, Bộ trưởng cho rằng Nghệ An cần quan tâm đến chính sách để động viên các thế hệ nghệ nhân của tỉnh. Chính lực lượng này sẽ gieo mầm, truyền lửa để phát triển thế hệ trẻ.
Ông cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch, bên cạnh quy hoạch thiết chế cần có quy hoạch sử dụng đất để đảm bảo không gian cho phát triển văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, để Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào thực chất, thực tiễn hơn nữa, Bộ trưởng cho rằng cần giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt các quy tắc, quy ước do nhân dân tự xây dựng, hình thành.
Về du lịch, Nghệ An cần chú ý nhiều hơn đến Trung tâm xúc tiến, quảng bá. Nếu tỉnh xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đơn vị này phải do tỉnh trực tiếp chỉ đạo. "Chúng ta phải xây dựng cho được thương hiệu sản phẩm du lịch, không cần nhiều nhưng phải đặt được tên gọi, viết nên câu chuyện thương hiệu và quảng bá nó. Bộ sẽ giúp tỉnh kết nối với hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội xây dựng các tour, tuyến du lịch thu hút hơn nữa khách du lịch đến với Nghệ An trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh cần nghiên cứu loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE), đây là thế mạnh về du lịch đang ngủ quên của tỉnh nhà. Đồng thời, cần đặt hàng xây dựng số hóa sản phẩm, điểm đến khi chúng ta mở cửa du lịch trở lại" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về thể thao, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Theo đó, cần giao cho Sở Văn hóa, Thể thao xây dựng các bài tập tùy theo các lứa tuổi. Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã giải đáp một số các kiến nghị của địa phương.
Trước khi kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc những nội dung tại cuộc làm việc, đặc biệt là sẽ tập trung xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Nghệ An đến năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng mong muốn Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành với tỉnh để thực hiện các mục tiêu phát triển nói chung, trong đó có phát triển văn hóa, thể thao, du lịch thời gian tới./.