Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ cho toàn ngành Văn hóa thấy được mình đang đi đúng hướng”
24/08/2023 | 07:42Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lĩnh vực văn hóa tại Hội nghị Trung ương 7, chúng ta có thể thấy rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành các cấp chính quyền, sự nỗ lực của ngành VHTTDL và sự quan tâm của toàn xã hội, lĩnh vực văn hóa đã có nhiều bước phát triển. Sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã khích lệ toàn ngành Văn hóa, giúp cho toàn ngành Văn hóa thấy được mình đang đi đúng hướng.
Ngày 28/8/1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được thành lập.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Câu nói hết sức ngắn gọn, nhưng ý nghĩa lại vô cùng lớn lao, chỉ ra vai trò, sứ mệnh của văn hóa trong đời sống xã hội.
Sự quan tâm đến văn hóa của Đảng và Nhà nước ngày càng sâu sắc hơn, đặc biệt kể từ khi các ngành, các cấp triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, điều đó cũng được thể hiện qua các hội nghị, hội thảo về văn hóa của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với các địa phương trong cả nước.
Nhân 78 năm kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2023), Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng để nhìn nhận lại chặng đường đã qua của toàn Ngành Văn hóa sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Tổ Quốc. Thưa Bộ trưởng, nhìn lại chặng đường của nửa nhiệm kỳ qua, có thể đánh giá khách quan rằng, ngành VHTTDL chưa bao giờ nhận được sự quan tâm của toàn xã hội như hiện nay. Với một tư duy đổi mới đó là chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng phương châm "Quyết liệt hành động- Khát vọng cống hiến", toàn ngành đã vượt qua những nghịch cảnh để nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng? Theo Bộ trưởng, đâu là điểm sáng qua nửa nhiệm kỳ?
Tại Hội nghị Trung ương 7, trong phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hoá, xã hội vẫn tiếp tục được đầu tư phát triển và đạt nhiều kết quả rõ rệt, đúng tinh thần: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi".
Qua nhận định của Tổng Bí thư chúng ta có thể thấy rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành các cấp chính quyền, sự nỗ lực của ngành VHTTDL, lĩnh vực văn hóa đã có nhiều bước phát triển. Sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã khích lệ cho toàn ngành Văn hóa.
Khi chúng ta nghiêm túc nhìn lại, ngành Văn hóa đã nhận thức đầy đủ hơn về những điểm mới khi quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó khẳng định văn hóa vừa là nguồn lực, vừa là động lực cho sự phát triển của đất nước.
Từ nhận thức đúng đắn đó, Bộ VHTTDL đã chủ trì, tham mưu, phối hợp với các ngành, các cấp tập trung vào việc xây dựng các chương trình, đề án cụ thể để đầu tư toàn diện cho văn hóa, để văn hóa thực sự được phát triển ngang hàng với chính trị, kinh tế. Khái quát lại, chúng ta có thể nhìn ở mấy góc độ.
Thứ nhất, chúng ta phải hiểu văn hóa là lĩnh vực rộng lớn liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng. Văn hóa phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Vì vậy, chúng ta phải khu trú lại. Phải xác định lại đâu là trách nhiệm của ngành, đâu là công tác phải phối hợp, đâu là địa bàn để triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.
Từ đó, ngành Văn hóa đã xốc lại hành trang, xác định làm tốt nhiệm vụ của mình phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy nhận thức, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Với tư duy đổi mới này, Bộ đã xác định đầu tư cho thể chế, chính sách là đầu tư cho phát triển bền vững, với một nhận thức sâu sắc, công cụ pháp luật là cơ sở để kiến tạo phát triển chứ không đơn thuần chỉ phục vụ quản lý.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ VHTTDL đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát để phát hiện những "điểm nghẽn". Từ đó, bổ sung và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện về thể chế chính sách liên quan đến ngành. Nhờ vậy, trong 2 năm qua nhiều bộ luật được trình Quốc hội thông qua để tạo cơ sở pháp lý phát triển văn hóa.
Đi kèm với đó, Bộ cũng đã tập trung khơi thông các nguồn lực văn hóa, thông qua các hội thảo, luận cứ khoa học để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu kiến tạo chính sách. Sau những hội thảo cơ sở khoa học này đã giúp cho chúng ta nhìn thấy được những việc cần làm, những công việc cần hành động, từ đó Bộ đã có những tham mưu "đúng" và "trúng", được Đảng, Nhà nước ghi nhận.
Trong hơn hai năm qua, với sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, ngành Văn hóa tháo gỡ được nhiều "điểm nghẽn" không chỉ về mặt thể chế, chính sách mà quan trọng nhất đó là tư duy, nhận thức. Thông qua việc tham mưu sát và đúng của ngành Văn hóa, từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đến kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, các Hội thảo do Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, các Hội nghị văn hóa do địa phương tổ chức đã giúp chúng ta chuyển đổi được nhận thức trong Nhân dân, các cấp ủy đảng về lĩnh vực văn hóa.
Từ thay đổi về mặt nhận thức đã giúp hành động của các cấp chính quyền sâu sắc hơn trong nhận định, hiểu đầy đủ, toàn diện hơn về văn hóa, coi văn hóa là sức mạnh mềm, một sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững, luôn hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, văn hóa với kinh tế trong mọi chính sách phát triển.
Và khi các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương đã thấy được văn hóa thực sự là sức mạnh mềm trong tiến trình phát triển của đất nước thì lúc đó nhận thức cũng đã dần được thay đổi. Từ đó đã từng bước khắc phục định kiến hẹp hòi trước đây khi coi văn hóa chỉ là lĩnh vực "cờ, đèn, kèn, trống", điều mà lâu này ngành Văn hóa rất trăn trở.
Thứ ba, có thể thấy rằng từ nhận thức thay đổi, nhận thức đúng, khi hiểu được chi cho văn hóa là chi cho sự nghiệp phát triển bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã hành động rất quyết liệt trong việc đầu tư toàn diện cho lĩnh vực văn hóa, đúng như phương châm mà Bộ VHTTDL đã phát động từ đầu nhiệm kỳ đó là "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến". Phương châm hành động mà Bộ đặt ra cho cả nhiệm kỳ cũng chính là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng về “Khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường”.
Chúng ta cũng rất mừng khi đây là lần đầu tiên chúng ta cán mốc Kết luận của Bộ Chính trị về chi đầu tư cho văn hóa. Trong hơn 2 năm qua, nhiều sự kiện lớn, hoạt động lớn, các dự án của Trung ương và địa phương chúng ta đã thấy được sự hiện diện của lĩnh vực văn hóa, đưa văn hóa vào trong tất cả trong các lĩnh vực, đóng góp vào sự phát triển bền vững.
Qua đó đã góp phần tích cực cho công tác tôn tạo, bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa. Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống đã được ưu tiên, giá trị di tích di sản bắt đầu được phát huy. Từng bước cụ thể hóa quan điểm biến giá trị của di sản văn hóa thành giá trị kinh tế. Cụ thể nhất là chúng ta đã biến các giá trị văn hóa mà chúng ta sẵn có để trở thành các sản phẩm của du lịch văn hóa, góp phần thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ tư là, nhìn nhận quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng ta thấy được nhiều bất cập và vấn đề cần phải làm. Nhưng khi lượng hóa, tìm ra đúng "bệnh", toàn ngành đã thấy được môi trường văn hóa chính là vấn đề căn cơ. Vì vậy, khi cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhằm lượng hóa, xác định các tiêu chí cụ thể về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, Bộ đã tập trung rà soát, nghiên cứu để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".
Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, bước vào năm 2022, Bộ VHTTDL đã xác định chủ đề công tác năm đó là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ". Từ đó đến nay, môi trường văn hóa bắt đầu được quan tâm nhiều hơn, các ngành các cấp cũng đã chú trọng hơn đến các nội dung phải làm, phải hướng đến.
Trong việc này, Bộ đã quan tâm, tập trung chỉ đạo theo hướng có trọng tâm trọng điểm, chọn những khâu có tính chất đột phá. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm hơn cả về thực chất, chiều sâu, lấy nhân dân làm chủ thể, địa bàn tác nghiệp là phường xã, thôn bản, thông qua việc xây dựng các hương ước, quy ước. Chúng ta cũng đã tập trung xây dựng môi trường văn hóa công sở, môi trường văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí…
Có thể khẳng định, sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, những kết quả đạt được cho chúng ta thấy hướng đi đó là đúng. Những kết quả chỉ mới bước đầu nhưng đã góp phần lan tỏa, cổ vũ cho toàn ngành xác định được đây là nơi để hình thành giá trị, nhân cách con người Việt Nam. Thông qua việc xây dựng môi trường văn hóa chúng ta lan tỏa các giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Vấn đề cốt lõi mà ngành đã rút ra được đó chính là, muốn có một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì đầu tiên phải có những con người văn hóa.
Thứ năm, qua nửa nhiệm kỳ, khi xây dựng, kiến tạo chính sách, chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng của yếu tố nhân lực. Vì vậy mà đồng thời với việc xây dựng môi trường văn hóa, Bộ cũng xác định tập trung cho công tác cán bộ để xây dựng những con người làm văn hóa, những người am hiểu văn hóa, biết cách vận hành. Từ đó cũng để xây dựng được khối đại đoàn kết, tạo nên một sức mạnh tổng thể trong lĩnh vực văn hóa.
Những kết quả đạt được qua nửa nhiệm kỳ có thể chứng minh một điều rằng, những người làm quản lý văn hóa, những người thực hành văn hóa đều có chung một khát vọng, đều đồng tâm để nỗ lực cụ thể hóa 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Đương nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng tổng thể có thể nói chúng ta đang tiếp cận đúng hướng, điều đó được thể hiện qua những đánh giá, kết quả đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đặc biệt là đánh giá của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7 mà tôi đã dẫn ra từ đầu.
- Bên cạnh những kết quả ấn tượng đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, Bộ trưởng còn trăn trở về những điều gì?
Như tôi đã nói, văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, chưa thể thấy được kết quả trong ngày một, ngày hai, việc biến nhận thức thành hành động cũng chưa thể đồng đều.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thể thẳng thắn nhìn nhận lại một số tồn tại hạn chế trong lĩnh vực Văn hóa của chúng ta đó là: Dù có nhiều cố gắng nhưng vấn đề về thể chế, quy định pháp luật trong một số lĩnh vực vẫn chưa được hoàn thiện.
Quá trình triển khai thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy tại một số địa phương, đơn vị, khiến cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn, tác động đến tâm lý đội ngũ văn nghệ sĩ và những người trực tiếp làm nghệ thuật.
Ngoài ra là những khó khăn về chính sách cho các nghệ nhân, những người truyền lửa, giữ hồn di sản, văn hóa truyền thống. Hệ thống thiết chế văn hóa trong toàn quốc vừa thiếu, vừa yếu, chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập…
Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Chúng ta vẫn còn nhiều "vùng trũng" về hưởng thụ văn hóa.
Cùng với đó, nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
Những vấn đề trên đã được ngành Văn hóa nhìn thấy rõ và đã có nhiều nỗ lực để khắc phục ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
- Chúng ta vẫn còn nửa nhiệm kỳ còn lại với nhiều nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Bộ trưởng có thể chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành sẽ tập trung vào thời gian tới?
Những kết quả bước đầu là tiền đề, hành trang quan trọng để thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó trong cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ toàn ngành luôn ghi nhớ sâu sắc lời nhắc nhở của Tổng Bí thư "Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế", không được thỏa mãn, chủ quan, không bằng lòng với hiện tại.
Vì vậy, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, để nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tập trung tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện về mặt thể chế nhằm khơi thông các nguồn lực phát triển.
Sắp tới, Bộ VHTTDL sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Chương trình MTQG về chấn hưng và phát triển văn hóa. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là tiền đề cho sự phát triển văn hóa theo hướng bền vững.
Cũng về mặt thể chế, Bộ đang tiếp tục tham mưu cho cơ quan thẩm quyền tiếp tục xây dựng những bộ luật liên quan đến lĩnh vực văn hóa như như di sản, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn. Cùng với đó là phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát những bộ luật có liên quan đến lĩnh vực Văn hóa để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
Công tác rà soát các điểm nghẽn để hoàn thiện thể chế phải được thực hiện thường xuyên trên tinh thần như tôi đã nêu ở trên đó là, không chỉ góp phần làm tốt công tác quản lý nhà nước mà còn nhằm kiến tạo để phát triển lĩnh vực Văn hóa.
Ngoài ra chúng ta cũng phải thấy rằng, kinh tế gắn liền với văn hóa, văn hóa trong kinh tế, vì vậy phải xem xét để tháo gỡ những rào cản, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển văn hóa. Cũng với tinh thần này, những bộ luật mà Quốc hội đang xem xét cũng đặt vấn đề theo hướng ưu tiên nguồn lực cho phát triển văn hóa. Đây là điều rất đáng quan tâm, bởi có như vậy thì văn hóa mới có nguồn lực để phát triển theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, các thành phần xã hội đều chung tay xây dựng, đầu tư cho văn hóa.
Thứ hai, chúng ta cũng phải nhận thức đầy đủ hơn, vì kiến tạo phát triển văn hóa không phải ngày một ngày hai, nhiều công việc phải có giải pháp đồng bộ, không chỉ riêng ngành Văn hóa. Xuyên suốt phải đặt dưới sự lãnh đạo, sự phối hợp tổng thể của các ngành để tạo ra sức mạnh mềm văn hóa, trong đó ngành Văn hóa, Bộ VHTTDL giữ vai trò tham mưu.
Các ngành, các cấp, các địa phương phải giữ gìn cho được môi trường văn hóa mà ngành Văn hóa đang tập trung xây dựng. Chỉ có hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ thì các giá trị văn hóa của con người, văn hóa Việt Nam mới phát triển.
Thứ ba, quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta cũng thấy được nhiều bất cập. Ngoài việc định hình, lan tỏa các giá trị văn hóa, chúng ta cũng phải chú ý đến quá trình tiếp biến văn hóa. Quá trình này phải biết gạn đục, khơi trong. Những giá trị tiến bộ của nhân loại chúng ta phải bổ sung để làm phong phú hơn nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta không đánh đổi mà phải luôn ý thức, ghi nhớ lời dẫn rất nhẹ nhàng nhưng đầy sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là: "Văn hóa còn thì dân tộc còn".
Cuối cùng, văn hóa có sức mạnh mềm, một loại hình của văn hóa hay nói cách khác là các thành tố của văn hóa đều giữ những vị trí quan trọng khác nhau. Trong đó chú ý nhiều hơn đến yếu tố về nghệ thuật, văn hóa. Cho nên ngành Văn hóa cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước đang tập trung mọi nguồn lực để tạo mọi điều kiện, quan tâm hơn đến đội ngũ văn nghệ sĩ, những người đang giữ lửa, giữ hồn, những người đang tác động đến lĩnh vực văn hóa bằng quy luật riêng của văn học nghệ thuật.
Chúng ta khuyến khích sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để họ có những tác phẩm sống mãi với thời gian, từ đó góp phần bồi dưỡng, vun đắp nhân cách văn hóa con người Việt Nam. Có như vậy thì chúng ta sẽ tiếp cận được, xây dựng được các quan điểm, yêu cầu về văn hóa mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Bên cạnh việc tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII thì chúng ta cũng cần thường xuyên cập nhật bổ sung những điểm mới với một yêu cầu có tính chất bắt buộc đó là phải chú ý đến nhiều hơn đến nguồn lực, bao gồm nhân lực làm Văn hóa và nguồn lực đầu tư cho Văn hóa. Khi đáp ứng 2 yêu cầu cần và đủ thì Văn hóa sẽ có bước phát triển đúng như mong muốn của Đảng, Nhà nước được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
- Nhìn lại những kết quả của chặng đường đã qua, có thể thấy rằng chúng ta đã biết khơi dậy ý chí, tinh thần, làm rõ hơn vai trò, vị trí và sự cống hiến của cán bộ ngành Văn hóa đối với sự phát triển chung của đất nước. Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm hướng đến 78 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam và Ngày truyền thống ngành Văn hóa, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023. Xin Bộ trưởng có thể chia sẻ đôi điều suy nghĩ của mình trong dịp này?
Bước vào thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã xác định phương châm hành động của Bộ đó là "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", tinh thần đấy chính là sự cụ thể hóa của lời thi đua ái quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động "Thi đua là phải yêu nước, yêu nước phải thi đua".
Xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ đã quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Vì vậy, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là dịp chúng ta kỷ niệm 75 năm Phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, Bộ đã cụ thể hóa nhiều nội dung từ khâu phát động phong trào đến tổ chức chỉ đạo một cách sâu sát với các tiêu chí thi đua cụ thể, rõ ràng, được lượng hóa ở 3 góc độ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.
Sau nửa nhiệm kỳ, gắn liền với thực hiện nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, có thể thấy rằng, phong trào thi đua yêu nước của ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả theo hướng thực chất, hiệu quả.
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa, chúng ta đã lựa chọn được 78 tấm gương tiêu biểu đại diện cho những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa ngàn việc tốt trong phong trào thi đua của ngành Văn hóa.
Đây là những tấm gương bình dị mà cao quý, có nhiều đóng góp cho toàn Ngành, cho đất nước bằng những công việc được lượng hóa cụ thể. Những công việc đó đã lan tỏa một tinh thần tích cực "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu" đến toàn xã hội.
Tôi hy vọng, những kết quả bước đầu này sẽ góp phần làm tốt hơn động lực thi đua yêu nước của toàn ngành, giúp chúng ta có thêm nhiều tấm gương điển hình tiên tiến về văn hóa thời gian tới.
Các nhân tố này chính là những cánh tay nối dài, góp phần đưa văn hóa lan tỏa, đến gần hơn nữa với những bản làng xa xôi, những nơi biên cương, hải đảo, những địa bàn còn "trũng" về văn hóa, từng bước thu hẹp chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!