Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ tại Thừa Thiên Huế
21/04/2022 | 17:07Sáng 21/4, tại Học viện Âm nhạc Huế, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng tham dự có các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ.
Phát biểu gợi mở buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tại tỉnh Thừa Thiên Huế kết hợp nghiên cứu báo cáo, phỏng vấn trực tiếp trên tinh thần trao đổi thẳng thắn để nhìn nhận những tồn tại, tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới.
Bà Hà Mai Hương, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết, hiện nay tại Học viện đang có 420 học sinh, sinh viên đang theo học các bậc Trung cấp và Đại học. Đơn vị cũng đã kết nối đào tạo với các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Giáo dục thường xuyên tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước. Số học viên liên thông lên đại học, hình thức vừa học vừa làm là 623 học viên.
Về kết quả tuyển chọn và đào tạo học sinh, sinh viên tài năng, đến nay Học viện đã tuyển chọn được 25 sinh viên. Về kết quả tuyển sinh, năm 2021, chỉ tiêu của Học viện là 260, số nhập học là 141 (đạt 54,2%). Tuy nhiên, theo bà Hà Mai Hương, do là đơn vị đào tạo nghệ thuật đặc thù nên số lượng học sinh, sinh viên các hệ chính quy, liên thông, liên kết với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên theo học ngày càng giảm sút, nguồn tuyển sinh rất hạn chế. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tạm ngưng kéo theo nguồn thu của Học viện giảm theo.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang gặp một số vấn đề khó khăn như: Chưa có nhiều giảng viên có học hàm học vị cao; chưa có nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân; Một số ngành học chưa đáp ứng chuẩn về đội ngũ giảng viên theo quy định;… Vì vậy Học viện cũng kiến nghị Bộ quan tâm trong việc đào tạo nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên âm nhạc phổ thông tại các địa phương theo Nghị định 71. Tạo điều kiện để học viên có cơ hội trao đổi giao lưu về công tác biểu diễn, tham gia các khóa đào tạo, học tập ngắn hạn trong và ngoài nước…
Theo ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế, hiện đơn vị đang tổ chức đào tạo 14 nghề thuộc hệ Cao đẳng, 8 nghề thuộc hệ Trung cấp, 14 nghề Sơ cấp, Đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu xã hội và doanh nghiệp. Trong đó có 5 nghề trọng điểm được Bộ LĐTB&XH lựa chọn hỗ trợ đầu tư để đạt trình độ quốc tế gồm: Quản trị khách sạn; Quản trị Khu Resort; Quản trị nhà hàng; Kỹ thuật chế biến món ăn; Hướng dẫn Du lịch.
Qua 22 năm hoạt động, trường đã phát triển mạnh về mọi mặt. Xét về quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo, về chất lượng đào tạo, đơn vị được đánh giá là cơ sở đào tạo du lịch tiêu biểu có chất lượng hàng đầu của cả nước. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường được doanh nghiệp đánh giá cao, có khả năng thích ứng tốt với công việc, tỷ lệ tìm được việc làm cao.
"Nhà trường đã trở thành địa chỉ đào tạo đáng tin cậy trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên. Gắn với quá trình phát triển chung của ngành, Trường là một thành viên tích cực và có những đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực du lịch tại miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung", ông Vũ Hoài Phương khẳng định.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế cho hay, hiện nay đơn vị cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, công tác tuyển sinh hiện không có sự khác biệt lớn giữa đại học và cao đẳng, các trường đại học đa dạng phương thức xét tuyển đã tạo nhiều cơ hội vào đại học, điều này khiến số học sinh muốn học nghề giảm, tình trạng cạnh tranh, thị phần thu hẹp do có nhiều trường, người học xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng đã ảnh hưởng đến nhận thức và định hướng chọn trường của học sinh. Ảnh hưởng đến các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, các hoạt động dịch vụ… của nhà trường.
Trong buổi làm việc sáng nay, lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đã nghe đại diện Phân Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên báo cáo về tình hình hoạt động trong thời gian qua. Đại diện lãnh đạo Sở VHTT, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chia sẻ về công tác phối hợp, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn với các đơn vị chức năng thuộc Bộ trên địa bàn.
Sau khi các đơn vị tại Thừa Thiên Huế trình bày báo cáo, đại diện lãnh đạo cơ quan chức năng thuộc Bộ đã trực tiếp giải đáp một số kiến nghị, đề xuất. Các Thứ trưởng cũng có ý kiến sâu về các lĩnh vực phụ trách.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tại địa bàn Thừa Thiên Huế nghiêm túc tiếp thu các ý kiến trên tinh thần những vấn đề hợp lý thì phải nghiên cứu bổ sung trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Những vấn đề cần tiếp tục trao đổi, có tính chất gợi mở phải xem xét, nghiên cứu một cách thấu đáo.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua các đơn vị đã có những nỗ lực và những cố gắng nhất định để hoàn thành được trách nhiệm của mình. Tuy ở mỗi một đơn vị có mức độ hoàn thành khác nhau, nhưng về tổng thể đã có sự cố gắng. Những kết quả bước đầu mà các đơn vị đã làm được chính quyền ở địa phương ghi nhận như trong công tác nghiên cứu khoa học, trong công tác đào tạo nguồn nhân lực… Đặc biệt thị trường đã chấp nhận các sản phẩm đào tạo của các đơn vị.
"Trong các cuộc thi tay nghề của ASEAN, học viên của Trường Cao đẳng Du lịch Huế đã giành được nhiều giải thưởng cao. Học viện Âm nhạc Huế dù chưa tham gia các sân chơi lớn nhưng bước đầu cũng tạo ra được nhóm ngành đang tập trung để bảo tồn, phát huy, nhất là gắn liền với di sản và cũng đang xoay trên trục này để đảm trách được nhiệm vụ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu dẫn chứng.
Thời gian qua, công tác liên kết, công tác phối hợp cũng đã được chú ý để góp phần cho các đơn vị hoàn thành được nhiệm vụ, trách nhiệm. Lãnh đạo Bộ VHTTDL ghi nhận, đánh giá cao và đặc biệt cảm ơn cán bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, trực tiếp là hai Sở chuyên ngành, hai cánh tay nối dài của Bộ trong công tác quản lý nhà nước đã có những tác động, hỗ trợ để giúp cho các đơn vị hoàn thành các công việc mà Bộ giao.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý các đơn vị, trong thời gian tới cần chủ động, rà soát để vượt qua những khó khăn, tồn tại. Trong đó lưu ý một số vấn đề như công tác tuyển sinh, nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm, nghiên cứu xây dựng thí điểm đề án khai thác hiệu quả cơ sở vật chất… Trong quá trình đó, các Cục, Vụ tăng cường hỗ trợ, kiểm tra, giám sát và báo cáo thường xuyên về Bộ để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn.