Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
15/06/2022 | 09:37Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Chiều 14/6, phát biểu giải trình, làm rõ các ý kiến các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều nhận thấy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tuy nhiên việc sửa đổi cũng có những khó khăn nhất định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đây là một luật khó, có phạm vi rộng, nằm trong các vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định, và còn liên quan đến nhiều vấn đề đang được điều chỉnh bởi các luật khác về trẻ em, về người cao tuổi, về hôn nhân gia đình cũng như một số luật khác.
"Làm sao để vừa kế tục, phát huy được những quy định pháp luật sẵn có và đang còn tác dụng nhưng vừa thiết kế được những điều luật mới để không ảnh hưởng đến các luật khác không phải là điều đơn giản", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đó là cơ sở chính trị để các đại biểu nghiên cứu và cho ý kiến, nhưng cũng còn các cơ sở pháp lý rất quan trọng khác đó là quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Dự thảo Luật được xây dựng để hài hòa các điều luật khác, cũng vừa phát huy truyền thống văn hóa của gia đình, trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Vì vậy, không thể rập khuôn máy móc, sao chép các luật của quốc gia khác mà phải biết kế thừa, phát huy những giá trị để phòng chống bạo lực, giữ cho gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Về những vấn đề chung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, các đại biểu tiếp tục làm rõ hơn thực trạng về công tác phòng, chống bạo lực trong thời gian qua, nêu lên những mong muốn, tranh luận để làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu đang còn có ý kiến khác nhau. Chính những mong muốn, những trăn trở đó đã tạo ra đòi hỏi cao hơn cho cơ quan soạn thảo khi xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét ban hành.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập đến kỹ thuật lập pháp, yêu cầu làm rõ hơn vấn đề giải thích từ ngữ, các khái niệm, các nội hàm… theo Bộ trưởng, cơ quan soạn thảo đã cố gắng tìm kiếm các thuật ngữ về mặt pháp luật trong từ điển Việt Nam để làm rõ nghĩa nhất, giúp ai cũng có thể đọc và hiểu được, đảm bảo thuận lợi khi áp dụng pháp luật.
Về những ý kiến đóng góp cụ thể của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ý kiến của các đại biểu đã đề cập đến rất nhiều nội dung, có thể tập trung thành 5 nhóm vấn đề lớn.
Nhóm thứ nhất, các đại biểu mong muốn có chính sách cụ thể hơn nữa để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của một nhóm đối tượng đặc thù. Trong đó, phải bảo vệ cho được trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, những mong muốn này là hoàn toàn chính đáng và tuy đã được cơ quan soạn thảo thiết kế trong bộ luật nhưng theo các đại biểu, các vấn đề này cần phải rõ hơn và cụ thể hơn. Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu và bàn thêm với các cơ quan để thiết kế trong luật.
Nhóm thứ hai, đó là hành vi về bạo lực gia đình, theo Bộ trưởng trong dự thảo luật lần này, cơ quan soạn thảo đã cố gắng phân loại ra 4 nhóm lĩnh vực. Luật mới cũng đưa ra 18 hành vi nhận diện so với 9 hành vi ở luật cũ. Tuy nhiên, bạo lực tinh thần là vấn đề khó nhận diện và kiểm định đầy đủ, vì vậy cơ quan soạn thảo mong nhận được góp ý cụ thể hơn nữa của các đại biểu để tiếp thu.
Nhóm thứ ba, liên quan đến vấn đề hòa giải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, luật lần này đã đề cập hòa giải trong gia đình có tính đặc thù, thể hiện ở 3 loại hình. Đối với hòa giải ở cơ sở, sẽ không áp dụng với các vụ việc bị xử lý hình sự hay xử lý hành chính.
"Chúng tôi muốn hướng hòa giải để giữ cho gia đình thực sự tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Mọi việc trong gia đình bắt đầu từ gia đình giải quyết, theo hướng tạo dựng sự hiểu biết, thông cảm, bỏ qua nếu chưa đến mức vi phạm và đang còn muốn hàn gắn, xây dựng", Bộ trưởng nói.
Nhóm thứ tư liên quan quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, nhiều đại biểu băn khoăn cần phải làm rõ nội dung và trách nhiệm của các bộ ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan soạn thảo đã cố gắng thiết kế vào luật, lượng hóa theo chức năng nhiệm vụ. Tới đây, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu thêm ý kiến của các đại biểu đề có quy định phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan.
Nhóm vấn đề thứ năm, liên quan đến các biện pháp phòng chống bạo lực, các đại biểu đề nghị nâng cao nhận thức và đẩy mạnh công tác truyền thông, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng điều này là hoàn toàn đúng vì nếu không thay đổi được nhận thức thì sẽ khó thay đổi được hành vi, chính vì vậy, các công cụ pháp luật phải được thể hiện và khi tổ chức thực hiện thì toàn xã hội phải đẩy mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề về biện pháp, nhóm vấn đề về tư vấn, vấn đề huy động nguồn lực trong phòng, chống bạo lực gia đình để làm rõ hơn các nội dung và cụ thể hóa trong dự thảo Luật.