Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Kế thừa mạch nguồn truyền thống, kinh nghiệm lãnh đạo của các thế hệ đi trước để vị thế ngành VHTTDL ngày càng tốt hơn
12/01/2023 | 17:07Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thành công của ngành văn hoá thời gian qua trước hết là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chủ động tham mưu đúng và trúng, kịp thời của lãnh đạo các cấp, đồng thời là sự kế thừa mạch nguồn truyền thống, kinh nghiệm lãnh đạo của các thế hệ đi trước.
Ngày 12/1, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng có buổi gặp mặt các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ VHTTDL, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, Ủy ban Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch qua các thời kỳ. Cùng tham dự có các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, lãnh đạo các Tổng Cục và các đơn vị chức năng thuộc bộ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, với truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, "uống nước nhớ nguồn" "ăn quả nhớ người trông cây" và đặc biệt là để tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, Bộ VHTTDL tổ chức cuộc gặp mặt thân mật chào đón các đồng chí nguyên lãnh đạo của Bộ, những người đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, xây dựng Bộ và ngành văn hoá, thể thao và du lịch nước nhà suốt những năm tháng vừa qua. Thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bộ trưởng cảm ơn sự có mặt và gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp đến các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ đã tới dự buổi gặp mặt.
Điểm lại những điểm nhấn nổi bật của ngành văn hoá, thể thao và du lịch trong năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết năm qua, Bộ đã chuyển mạnh mẽ tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hoá. Từ đó, Bộ đã chủ động báo cáo đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các bộ luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, ban hành các nghị định và lấp những khoảng trống trong vấn đề quản lý nhà nước ở một số lĩnh. Thông qua vấn đề xây dựng pháp luật đã thể hiện một cách tiếp cận mới đó là không phải chỉ quản lý mà còn kiến tạo sự phát triển.
Cũng trong thể chế chính sách, theo Bộ trưởng, nhìn từ thực tiễn hoạt động, Bộ đã đề xuất cấp có thẩm quyền sớm khơi thông các nguồn lực để phát triển văn hoá. Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tham gia, phối hợp tổ chức hai Hội thảo quốc gia quan trọng. Trong đó, Hội thảo có tính chất chiều sâu về lý luận đó là Hội thảo "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới" để làm rõ các nội hàm, các thành tố về văn hoá, qua đó triển khai có chiều sâu ở địa phương. Hội thảo thứ hai được tổ chức cũng để lại tiếng vang, đáp ứng chờ đợi của những người làm văn hóa đó là Hội thảo "Thế chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội. Từ đó, ở kỳ họp bất thường vừa rồi, Quốc hội đã thống nhất giao cho Bộ VHTTDL khẩn trương trình Quốc hội để khởi động lại, làm mới Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.
Theo Bộ trưởng, đây là chương trình đã từng được triển khai có hiệu qua trước đây và lần này sẽ không chỉ làm theo hướng huy động một phần nguồn lực của nhà nước mà sẽ theo hướng những việc gì xã hội làm được thì phải được huy động từ các nguồn khác nhau.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, từ việc chuyển đổi tư duy cách làm đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, ủng hộ, và được các địa phương vào cuộc.
"Có thể nói chưa bao giờ ngành văn hóa nhận được nhiều sự ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền các địa phương như vậy. Chúng ta ngày càng thấm sâu hơn quan điểm phát triển văn hóa phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, người dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, khi xác định văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng, Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều hoạt động, nhiều sự kiện để tôn vinh sân chơi nghệ thuật, bồi dưỡng tài năng, cố gắng lắng nghe để kiến tạo không gian phát triển tự do sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Việc này được các hội chuyên ngành trong lĩnh vực văn hóa hết sức đón nhận.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, trong năm vừa qua chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao ở cấp quốc gia và cấp khu vực. Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX vừa diễn ra đã được ghi nhận là kỳ Đại hội lớn nhất từ trước đến nhất với rất nhiều bộ huy chương được trao, nhiều kỷ lục mới được xác lập, tạo điều kiện để chúng ta phát triển thể thao thành tích cao. Trước đó, SEA Games 31 cũng đã được tổ chức thành công trên rất nhiều phương diện với nhiều dấu ấn. Cùng với đó, du lịch đã mở cửa trở lại, chúng ta đã làm tốt vai trò quản lý nhà nước để tổ chức và hoạt động.
"Tóm lại, cả ba lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch đều đã để lại nhiều dấu ấn. Trong chức năng quản lý nhà nước của Bộ với ba lĩnh vực thì văn hóa luôn luôn giữ vị trí dây cương trong "cỗ xe tam mã", hai lĩnh vực thể thao và du lịch cũng đều tiến hành song song, đồng thời và đều đạt được nhiều kết quả", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Theo Bộ trưởng, báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Quốc hội và Kết luận số 42 của Ban Chấp hanh Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 6 đều khẳng định vai trò, vị trí ngày càng đi lên của ngành văn hoá. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 11 lần nhắc đến hai từ "văn hoá", điều đó đã khẳng định vị trí của văn hoá.
Theo Bộ trưởng, thành công đó trước hết là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chủ động tham mưu đúng và trúng, kịp thời của lãnh đạo các cấp, đồng thời kế thừa mạch nguồn truyền thống, kinh nghiệm lãnh đạo của các thế hệ đi trước để tập trung xây dựng ngành, để ngành có vị thế ngày càng tốt hơn. Vị thế của ngành văn hoá, thể thao và du lịch bắt đầu đúng như quan điểm của Đảng là phải ngang hàng với kinh tế, chính trị.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, văn hóa là lĩnh vực rộng, khó, còn nhiều việc phải làm, chúng ta muốn làm nhưng không phải việc gì cũng làm được vì còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng chúng ta có quyết tâm vươn lên vượt khó. Trong năm tới, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã xác định các nội dung trọng tâm, trọng điểm, tăng cường hơn nữa chức năng quản lý nhà nước, tổ chức một số hoạt động để mang khích lệ, động viên, tạo dấu ấn và có tính chất lan toả.
"Chúng tôi cũng mong các đồng chí nguyên lãnh đạo của ngành tiếp tục theo dõi, động viên, khuyến khích, góp ý chân thành cho thế hệ lãnh đạo hiện tại, đồng hành để xây dựng ngành văn hoá, thể thao, du lịch ngày càng vững mạnh", Bộ trưởng bày tỏ.