Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử sẽ kiến tạo sự bền vững
16/09/2022 | 07:51Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Tuyên Quang nghiên cứu việc giữ vững nguyên tắc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử cách mạng hiện có. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình phát triển. Chúng ta đang đi đúng hướng, dự báo được những nguy cơ và vì vậy giữ nguyên tắc phát triển này sẽ kiến tạo cho chúng ta sự bền vững.
Chiều 15/9, tại Tuyên Quang, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã có buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang về kết quả Công tác văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh 8 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đồng chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cùng lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL. Về phía Tuyên Quang có bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo một số sở ngành, UBND huyện, thành phố.
Tuyên Quang có tài nguyên văn hóa, du lịch đồ sộ
Phát biểu chào mừng Bộ trưởng cùng đoàn công tác của Bộ VHTTDL, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm trân trọng cảm ơn tình cảm, sự giúp đỡ của Bộ VHTTDL trong công tác phối hợp, giúp đỡ tỉnh Tuyên Quang tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO "Thực hành then của người Tày, Nùng Thái ở Việt Nam" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên 2022.
Giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, những nét văn hóa nổi bật của tỉnh, tiềm năng, thế mạnh của Tuyên Quang trong việc phát huy, gìn giữ những giá trị văn hóa để phát triển du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang mong muốn, qua buổi làm việc đoàn công tác Bộ VHTTDL sẽ có những đóng góp thiết thực để tỉnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về văn hóa, thể thao và du lịch; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương đã báo cáo với Đoàn công tác về kết quả phát triển kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng; công tác văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh 8 tháng năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Trong đó, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trong tình hình mới, tỉnh kiến nghị Bộ VHTTDL đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Quan tâm, bố trí nguồn lực để tỉnh thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, trọng tâm là Khu du tích quốc gia đặc biệt Tân Trào; di tích quốc gia đặc biệt địa điểm tổ chức Đại hội II của Đảng tại huyện Chiêm Hóa; khu di tích cách mạng Lào. Tăng nguồn lực hỗ trợ triển khai thực hiện các nội dung trong dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan tâm tạo điều kiện cho Tuyên Quang đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao và du lịch. Đưa danh thắng quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình vào Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã phát biểu, trao đổi về một số vấn đề để Tuyên Quang khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa; phát triển du lịch bền vững; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đồng thời tổ chức các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho rằng, Tuyên Quang có thế mạnh mà ít địa phương có được đó là hệ thống các di tích lịch sử cách mạng. Bên cạnh đó là thế mạnh truyền thống văn hóa với 22 dân tộc sinh sống trên địa bàn, cùng với các di sản văn hóa đã được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, đây là những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển du lịch.
Về thể thao, với thành tích rất cao ở SEA Games 31 vừa rồi, có thể khẳng định Tuyên Quang sản sinh ra các vận động viên có tố chất đạt thành tích cao. Vì vậy cần phải tập trung đầu tư các thiết chế thể thao, xây dựng các sân vận động, nhà thi đấu, tạo nơi tập luyện để phát triển thể thao thành tích cao.
Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn tôn tạo và phát huy các di tích lịch sẽ kiến tạo sự bền vững
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ và tỉnh Tuyên Quang đã có sự phối hợp khá chặt chẽ để tập trung các nhiệm vụ phát trển kinh tế - xã hội nói chung, trong lĩnh vực VHTTDL nói riêng. Tuy nhiên, do nguồn lực khác nhau và phương pháp tiếp cận khác nhau, chúng ta chưa thực sự huy động được sức mạnh toàn diện.
Trong nhiệm kỳ này, Bộ VHTTDL đã xác định chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương lãnh đạo trực tiếp và nhân dân là chủ thể xây dựng và sáng tạo văn hóa, Bộ xây dựng thể chế, huy động nguồn lực cùng với địa phương. Nhờ vậy, địa phương đồng tình ủng hộ vì vậy bước đầu đã tạo chiều hướng lan tỏa, đồng nhất trong lãnh đạo để chỉ đạo, mang lại hiệu ứng tích cực trong phát triển KTXH nói chung và VHTTDL nói riêng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, đến với Tuyên Quang, đến với vùng đất cách mạng, thấm đẫm các giá trị văn hóa. Vùng đất không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ chọn làm Thủ đô cách mạng, Thủ đô gió ngàn. Đến với Tuyên Quang giúp chúng tôi có cái nhìn sâu sắc cảm nhận bề dày truyền thống về lịch sử văn hóa, về tên gọi của một vùng đất sáng. Đoàn công tác của Bộ đã có dịp để thẩm định sâu hơn về giá trị tài nguyên văn hóa rất phong phú, đồ sộ của Tuyên Quang mà thiên nhiên và các thế hệ cách mạng tiền bối đã dày công để lại cho đồng bào các dân tộc.
Theo Bộ trưởng, khối lượng di tích, di sản đồ sộ trên địa bàn khiến chúng ta có quyền tự hào so với các tỉnh, thành khác. Bản sắc độc đáo 22 cộng đồng dân tộc trên địa bàn, 40 lễ hội trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc quy mô lớn, giàu bản sắc, có sức thu hút và tạo điểm đến và gắn với phát triển du lịch.
Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phát huy truyền thống các mạng, các giá trị văn hóa của vùng đất để xây dựng Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh. Có thể nói, những con số biết nói đã khẳng định Tuyên Quang có bước phát triển nhanh, đổi sắc thay da trên vùng đất chiến khu cách mạng, xứng đáng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Dù còn nhiều khó khăn nhưng những nguồn lực đầu tư cho văn hóa rất đáng trân trọng.
Nhiều mô hình tiêu biểu, lấy cộng đồng thôn bản, đồng bào các dân tộc, những giá trị cốt lõi của dân tộc để nhân lên và lan tỏa. Bức tranh phát triển du lịch ngày càng nhiều điểm sáng, nhìn thấy lợi thế trong mối liên kết với các tỉnh của vùng Việt Bắc xưa để tìm ra những sản phẩm mới, trên cơ sở phát huy lợi thế từ văn hóa.
Thể thao cũng đang có những bước phát triển dần đi chiều sâu, phong trào tập luyện, rèn luyện nâng cao thể lực, sức khỏe được phát triển. Ghi nhận những kết quả đó, Bộ trưởng đánh giá cao và chia vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và VHTTDL.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả Tuyên Quang còn đang có nhiều khó khăn trong việc lựa chọn quan điểm phát triển liên kết, vấn đề huy động nguồn lực để tạo sức bật mới. Với nhiều tiềm năng, vấn đề đầu tư tương xứng vẫn đặt ra nhiều trăn trở, còn rất nhiều công việc phải làm.
"Chúng tôi chia sẻ và mong muốn Tuyên Quang tiếp tục giữ vững quan điểm: không đổi các giá trị văn hóa lịch sử bằng giá trị kinh tế thuần túy…", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cho rằng đã đến lúc định hình và quán triệt lại, làm rõ hơn các luận điểm về nguyên tắc phát triển, Bộ trưởng nhấn mạnh cần chú trọng các nội hàm, nếu không sẽ dễ chệch trước tác động và sự phát triển "nóng" hiện nay.
Bộ trưởng đề nghị địa phương nghiên cứu việc giữ vững nguyên tắc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử cách mạng hiện có. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình phát triển. Chúng ta đang đi đúng hướng, dự báo được những nguy cơ và vì vậy giữ nguyên tắc phát triển này sẽ kiến tạo cho chúng ta sự bền vững.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy cho rà soát lại việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư, Ban Bí thư để có đánh giá, gắn với đó có thể nghiên cứu thêm để định hướng trong phát triển về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, chú trọng lãnh đạo bằng các Nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Trong đó, tập trung quy hoạch hệ thống cơ sở văn hóa, thể thao của tỉnh, kết hợp với quy hoạch chung, phục vụ cho phát triển bền vững. Tổng kết một số kinh nghiệm làm ở một số đơn vị để khẩn trương ban hành hướng dẫn về xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa trong các cơ quan, đơn vị.
Cần chọn nội dung trọng điểm để triển khai như xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa doanh nghiệp, lấy tiêu chí trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp để tạo thêm nguồn lực. Ban hành các quy ước về xây dựng đời sống văn hóa. Cần nhìn văn hóa từ chiều sâu, thay đổi nhận thức về văn hóa để làm có hiệu quả.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phải cân đối các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện thêm về thiết chế văn hóa các cấp. Nhiệm vụ văn hóa thì nhiều, lĩnh vực văn hóa thì rộng, cần đặt ra vừa tầm, làm từng bước, vừa làm vừa tổng kết để đạt được kết quả có chiều sâu, hiệu quả.
Tuyên Quang có dư địa để phát triển du lịch và hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch bền vững
Đối với lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Tuyên Quang có dư địa để phát triển du lịch và hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch bền vững. Bởi Tuyên Quang có tài nguyên du lịch thiên nhiên bền vững, có di tích lịch sử văn hoá, cách mạng tiêu biểu của quốc gia và có bản sắc văn hóa hết sức độc đáo của 22 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn.
Bộ trưởng nhấn mạnh 3 yếu tố này như thế chân kiềng cho du lịch Tuyên Quang phát triển và đặt ra 4 vấn đề để Tuyên Quang phát triển du lịch.
Thứ nhất, đề nghị lãnh đạo tỉnh có định hướng để xây dựng quy hoạch hệ thống du lịch của tỉnh kết nối vào hệ thống du lịch quốc gia. Từ đó xác định được đâu là khu du lịch, đâu là điểm du lịch.
Thứ hai, từ quy hoạch tỉnh cần xác định đâu là khu vực động lực để phát triển du lịch trên cơ sở dựa vào yếu tố thiên nhiên và giá trị lan toả. Bộ trưởng gợi ý có thể tập trung xây dựng khu Ba Bể - Na Hang, bởi nếu được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, nơi đây sẽ thu hút được đầu tư rất lớn.
Thứ ba, phải xác định lại sản phẩm du lịch, định hình giá trị sản phẩm du lịch của Tuyên Quang, ngoài du lịch về nguồn, tâm linh, cộng đồng và lễ hội thì Tuyên Quang còn thêm sản phẩm gì mới. Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn có du lịch thì phải có sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu.
"Tôi đề nghị phải tính lại các sản phẩm. Khi giao thông thuận lợi, cao tốc được rút ngắn thì phải nghĩ đến sản phẩm mới, đó là du lịch MICE (hội nghị, nghỉ dưỡng, khám chưa bệnh…). Từ sản phẩm đó xác định, định vị và làm mới bộ sản phẩm. Phải có được sản phẩm chứ nếu không mọi thứ chỉ nằm trong Nghị quyết", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ tư, phải thu hút đầu tư, trước mắt phải đầu tư để xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Du khách phải nghỉ lại mới tạo ra nguồn thu cho các điểm du lịch, chứ đến rồi về thì rất khó thu tiền. Bộ trưởng đề nghị tính toán lại việc này và làm mới các địa điểm để thu hút du khách du lịch ở lại.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu rõ, vai trò quản lý nhà nước về du lịch là của Sở VHTTDL nhưng phải phát huy vai trò của hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp vì chính hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành mới là những người trực tiếp làm và kết nối khách du lịch.
Bộ trưởng giao Tổng cục Du lịch từ nay đến cuối năm phải tạo ra một sản phẩm du lịch mới tại Tân Trào để giải quyết vấn đề điểm nghẽn tại đây.
Đối với lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị 3 vấn đề. Thứ nhất, Tuyên Quang cần tập trung lãnh đạo thể thao cho mọi người theo hướng toàn dân học tập, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ.
"Cái cần nhất của nhân dân là hướng dẫn viên tập luyện, trong bối cảnh chưa có biên chế có thể giao cho Sở VHTTDL và Trung tâm Thể thao đưa các bài tập lên mạng, hình thành hướng dẫn viên ảo và cung cấp các bài tập phù hợp với mọi lứa tuổi. Cùng với đó là xây dựng mô hình hướng dẫn viên tự nguyện", Bộ trưởng nói.
Vấn đề thứ hai là phải quy hoạch để có trung tâm thể thao. Thứ ba là phải chuẩn bị tích cực nhất để tham gia Đại hội thể thao toàn quốc sắp tới.
Bày tỏ đồng tình và chia sẻ với các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng cho biết sẽ tạo điều kiện tối đa để thực hiện các đề xuất này. Đặc biệt là với đề xuất hỗ trợ nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng các di tích của Tuyên Quang, xây dựng sản phẩm du lịch tại Tân Trào, phân bổ nguồn lực để tỉnh xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng bảo tàng Tân Trào; xúc tiến quảng bá du lịch, triển khai chuyển đổi số du lịch trên nền tảng du lịch quốc gia tại tỉnh Tuyên Quang../.