Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Di tích lịch sử chính là báu vật vô giá của nhân dân Quảng Trị, phải giữ được thì mới phát triển lâu dài và bền vững”
05/11/2021 | 22:13Chiều nay (5/11), tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cùng chủ trì buổi làm việc.
Xây dựng phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị
Mở đầu buổi làm việc, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã báo cáo về một số kết quả phát triển kinh tế xã hội, nhất là lĩnh vực VHTTDL của địa phương trong thời gian qua. Theo đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 2.646 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 9.253 tỷ đồng.
Về lĩnh vực Văn hóa, tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch, đề án nhằm phát huy các giá trị về văn hóa, di tích lịch sử và con người tỉnh Quảng Trị. Trong đó, nổi bật là Đề án "Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn và Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất năm 2022", Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị giai đoạn 2022-2025…
Về Du lịch, tỉnh đã thực hiện công tác quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh cũng nghiên cứu, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, có thế mạnh. Tiếp tục xây dựng phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị như: "Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình", "Cửa ngõ Hàng lang Kinh tế Đồng Tây", kết nối du lịch "Con đường Di sản miền Trung"…
Bên cạnh đó, lĩnh vực thể thao cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh có 800 câu lạc bộ và điểm tập thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh, đến nay tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 35,5%, tỉ lệ gia đình thể thao đạt 27,2%…
Nêu một số kiến nghị tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị Bộ VHTTDL quan tâm, hỗ trợ chuyên môn và nguồn lực giúp tỉnh tổ chức thành công một số hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và Lễ hội Vì hòa bình năm 2022. Cụ thể là các sự kiện như: Lễ kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị…
Cùng với đó, tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Bộ phối hợp với tỉnh tổ chức Liên hoan nghệ thuật quốc tế "Ước nguyện hòa bình"; Tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc dành cho các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước; Tổ chức Trại sáng tác điêu khắc đá "Cồn Cỏ - Khát vọng hòa bình".
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Tổng cục và các cục của Bộ VHTTDL đã trao đổi về một số vấn đề về đề xuất của tỉnh Quảng Trị liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó, nghiên cứu để đưa vào quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia một số khu du lịch có tiềm năng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Tổ chức một số giải thể thao phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; Tham mưu trong quá trình lập quy hoạch và xây dựng Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị; Hỗ trợ về nhân lực và vật lực giúp tỉnh Quảng Trị tổ chức thành công các ngày lễ lớn, nhất là Lễ hội vì Hòa bình năm 2022; Tổ chức định kỳ Ngày hội giao lưu các đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc trên địa bàn tỉnh…
Di tích lịch sử chính là báu vật vô giá của nhân dân Quảng Trị
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng bày tỏ vui mừng về những định hướng phát triển mới và lớn mà Bộ VHTTDL đã đề ra vào đầu nhiệm kỳ 2021-2026. Từ đó, ông kỳ vọng Bộ VHTTDL sẽ tạo được sự đột phá trong nhiệm kỳ này.
Ông Lê Quang Tùng cho biết, dù là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn quan tâm đến phát triển các lĩnh vực VHTTDL, xem văn hóa là cốt lõi trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Theo đó, trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị có nhiều lĩnh vực VHTTDL.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị bày tỏ mong muốn, Bộ VHTTDL sẽ quan tâm hỗ trợ thêm cho địa phương một số thiết chế văn hóa; Hỗ trợ trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương; Hỗ trợ tỉnh đầu tư tu bổ, bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn bằng các chương trình, đề án cụ thể…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ VHTTDL là bộ đa ngành, có trách nhiệm tổng hợp tình hình phát triển của địa phương để tham mưu cho Chính phủ. Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII nên Bộ càng có nhiều điều kiện làm việc với địa phương.
Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng với sự quyết liệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh bằng các chương trình hành động sát với thực tiễn. Nhờ đó Quảng Trị đã thực sự trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư với các dự án động lực.
Trong lĩnh vực Văn hóa, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, kế thừa hợp lý Nghị quyết Đại hội Đảng khóa 16 của tỉnh đề ra. Trong phát triển kinh tế, tỉnh cũng xác định công nghiệp điện năng, chế biến là chủ đạo và xem đây là khâu đột phá, trọng tâm. Nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ là nhiệm vụ thường xuyên. Để phát huy hành lang kinh tế Đông Tây thì du lịch dịch vụ là khâu mũi nhọn.
Nói về lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng cho rằng, dù còn khó khăn nhưng tỉnh đã biết tận dụng lợi thế của mình khi kết nối được với 2 địa phương là Huế và Quảng Bình, qua đó phát huy được di tích lịch sử cách mạng, quá khứ hào hùng. "Di tích lịch sử chính là báu vật vô giá của nhân dân Quảng Trị, phải giữ được thì mới phát triển lâu dài và bền vững" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng thông tin, được sự cho phép từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngày 24/11 sắp tới, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ chính thức diễn ra. Vì vậy, ông đề nghị tỉnh Quảng Trị chủ động lựa chọn công việc phù hợp để tiếp cận nhanh với các đề án sau thời điểm diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Bày tỏ trăn trở tỉnh Quảng Trị phải làm gì để tiếp tục gìn giữ, nâng tầm giá trị di tích, Bộ trưởng gợi mở: "Liệu Địa đạo Vịnh mốc có trình được hồ sơ lên UNESCO để công nhận văn hóa di sản thế giới hay không?. Nếu được thì tên gọi và thương hiệu đó sẽ giúp cho địa phương phát triển du lịch".
Về quy hoạch các khu du lịch, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Trị phải sớm triển khai để có điều kiện kết nối với các khu du lịch trọng điểm của quốc gia.
Đối với từng đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm "cho cần câu chứ không cho xâu cá". Theo đó, ông bày tỏ ủng hộ việc tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung cho Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương...tỉnh cần sớm lập dự án, đưa vào danh mục dự án đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, đối với các hoạt động trong lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị cần phải cân đối, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Về Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất năm 2022 và các hoạt động nghệ thuật liên quan, Bộ sẽ hỗ trợ tỉnh xây dựng kịch bản, chuyên môn và nguồn lực cụ thể. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Trị trong việc đầu tư xây dựng một số thiết chế văn hóa trên địa bàn và nâng cao quy mô công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương./.