Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tìm hiểu nền điện ảnh của 20 quốc gia phát triển khi xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
29/10/2021 | 08:20Phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu (ĐB) Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào chiều 28/10, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, với 240 ý kiến phát biểu tại tổ và 23 ý kiến phát biểu tại hội trường cho thấy các ĐB rất quan tâm đến dự án luật này.
80% thị phần của rạp chiếu phim ở Việt Nam là do nước ngoài đầu tư
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các ý kiến thảo luận đều trên tinh thần tìm những giải pháp tối ưu nhất để xây dựng một bộ luật điện ảnh nhằm thực hiện bằng được những nội dung cốt lõi mà Chủ tịch Quốc hội đã đề ra, đó là không chỉ là một ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế.
Trước khi giải trình, tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhắc lại lịch sử điện ảnh Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, điện ảnh Việt Nam đã hoàn thành được trọng trách, sứ mệnh cao cả của mình. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế một cách sâu rộng hiện nay, điện ảnh nước nhà cũng phải vươn lên để thực hiện được những trách nhiệm của mình.
Bộ trưởng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tìm hiểu nền điện ảnh của 20 quốc gia đang phát triển để tiếp biến, lựa chọn những vấn đề gì phù hợp đưa vào luật theo hướng tiếp thu có chọn lọc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thị phần chiếu phim ở Việt Nam đã hội nhập sâu vào quốc tế, 80% thị phần của rạp chiếu phim là do nước ngoài đầu tư, quản lý và hoạt động, chúng ta chỉ giữ được 20% thị phần này. Nguyên nhân là vì chúng ta đang thiếu về nguồn lực, trong đó về chính sách tài chính, về con người, rồi vấn đề về phim trường.
"Mặc dù Chính phủ cũng đã có nhiều nghị định, như vấn đề về hợp tác công tư để thu hút đầu tư, nhưng trong thực tiễn không thể đáp ứng được xu thế phát triển trong một sớm, một chiều" - Bộ trưởng lý giải.
Về một số chính sách cụ thể, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo đã đề xuất ở điều 5 và điều 6, trong đó, điều 5 về chính sách dành cho ngành văn hóa nghệ thuật, điều 6 về lĩnh vực kinh tế, đó là công nghiệp điện ảnh. Hai điều này đã thể hiện được đâu là chính sách mà Nhà nước cần phải hướng đến.
Về chính sách trong công nghiệp điện ảnh, Bộ trưởng cho hay, dự thảo luật tập trung vào một số nhóm vấn đề, đó là: Đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh; Hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp điện ảnh; Phát triển thị trường điện ảnh trong nước gắn với sản phẩm, dịch vụ và du lịch; Những biện pháp khuyến khích về mặt pháp lý, Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan và xây dựng hệ thống dữ liệu và thúc đẩy các vấn đề phát triển. Trong đó, thu hút đầu tư và tạo môi trường bình đẳng để tất cả mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện ảnh.
Không phải cơ quan soạn thảo không muốn đấu thầu
Nói về vấn đề thẩm quyền cấp phép và phân loại phim, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là những ý kiến mà các ĐB phát biểu khá nhiều. Theo quy định tại dự thảo luật, việc thẩm định và cấp phép phim do Bộ VHTTDL và UBND các tỉnh thực hiện, vì vậy mà trong luật lần này cũng dự kiến sẽ kế thừa các nội dung của luật cũ.
Về một số ý kiến của ĐB cho rằng, cần bỏ thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác, sử dụng phim hợp tác liên doanh với nước ngoài, Bộ trưởng thông tin, trong quá trình thực hiện đã xảy ra một vấn đề đó là, một số việc liên kết, liên doanh không tuân thủ và vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
"Như một câu chuyện gần đây nhất, khi nhà làm phim làm về hệ thống hang động của Quảng Bình là hang Sơn Đoòng, họ dựng ra một câu chuyện là có một gia đình người nước ngoài phát hiện ra và sinh sống ở đó, xuyên tạc vấn đề không phù hợp với thực tế. Hoặc họ phản ánh sai lệch về cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 khác với lịch sử của dân tộc Việt Nam" - Bộ trưởng nêu dẫn chứng.
"Các phim hợp tác với nước ngoài sau đó thường không phổ biến tại Việt Nam. Nếu như không có thẩm định thì không kiểm soát được. Đây là một vấn đề khó mà cơ quan soạn thảo đang cân nhắc và tính toán để đưa vào" - Bộ trưởng nói thêm.
Vấn đề phân loại phim cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm rõ trước Quốc hội. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất trong dự thảo đó là phải kết hợp về việc phân loại phim và giao trách nhiệm cho các cơ quan phát hành phim, sản xuất phim phải chịu trách nhiệm cung cấp các nội dung theo hướng hậu kiểm trước, tiếp đó mới xem xét để phổ biến phim trên không gian mạng.
"Vấn đề này rất khó, qua làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng ta hiện chỉ mới kiểm soát được phần âm thanh, còn toàn bộ phần hình ảnh chưa có đủ công nghệ để kiểm soát. Vì vậy, phải cân nhắc để không bị lọt những bộ phim có những nội dung không đúng với Việt Nam, chưa muốn nói là vi phạm các quy định của pháp luật" - Bộ trưởng nói.
Trước khi nói vấn đề về sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã thông tin đến các đại biểu: "Do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong 10 năm gần đây, tính ra mỗi năm Nhà nước đầu tư khoảng 65 tỷ đồng để sản xuất khoảng 40 bộ phim, trong đó 20 bộ phim cho truyền hình, gần 15 bộ phim tài liệu, phóng sự….Tính ra 1 phim chỉ được đầu tư 2 tỷ".
"Không phải là cơ quan soạn thảo không muốn đấu thầu mà khi thực hiện đấu thầu thì hầu như không có đơn vị nào tham gia. Chúng tôi mong muốn Quốc hội xem xét để có tính toán vấn đề này" - Bộ trưởng bày tỏ.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Bộ trưởng cho hay, nhiều quốc gia trên thế giới đều áp dụng quỹ, ngay cả những nước có nền điện ảnh phát triển. Quỹ này sẽ hỗ trợ cho các đối tượng ngoài sự đầu tư của Nhà nước có điều kiện tham gia đóng góp cho sự phát triển chung của nền điện ảnh Việt Nam./.
Tạo ra chính sách đột phá và tầm nhìn dài hạn để tạo ra sự phát triển cho điện ảnh Việt Nam
Kết luận phiên thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một buổi làm việc tích cực, nghiêm túc, khẩn trương đã có 23 ý kiến phát biểu thảo luận, 1 ý kiến tranh luận. Các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, trách nhiệm, trên tinh thần xây dựng, có những vấn đề chung, có những vấn đề cụ thể xuất phát từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã giải trình, tiếp thu, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm nhiều. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Với yêu cầu, việc sửa đổi Luật điện ảnh phải tạo ra hàng lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để tạo ra sự phát triển cho điện ảnh Việt Nam, vừa là một ngành văn hoá, vừa là một ngành kinh tế hội nhập quốc tế.