Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các địa phương cần tăng tính chủ động, tránh tình trạng "Hỏi cho chắc, hỏi để tham khảo"

10/10/2024 | 08:06

Sáng 9/10, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo các địa phương Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng tham gia buổi làm việc có đại diện các Bộ, ngành liên quan; Lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các địa phương cần tăng tính chủ động, tránh tình trạng "Hỏi cho chắc, hỏi để tham khảo" - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Buổi làm việc này nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công văn số 716/TTg-QHĐP ngày 24/9/2024 và Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn. Đây là cuộc họp lần thứ 4 của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng với 03 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Điểm sáng về du lịch trong bức tranh kinh tế xã hội

Tại cuộc họp, lãnh đạo 3 địa phương Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã báo cáo cụ thể về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, những kết quả đạt được cùng những khó khăn, kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn" vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết, các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao; an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện, đảm bảo đời sống người dân trên địa bàn. Nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao diễn ra sôi nổi, đặc biệt, tỉnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk, tổ chức thành công giải Giải Bóng chuyền nữ quốc tế "VTV9 - Bình Điền" lần thứ 14,... góp phần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk và thu hút khách du lịch. Tổng thu từ du lịch toàn tỉnh 9 tháng ước đạt 970 tỷ đồng, tăng 19,02% so với cùng kỳ 2023, bằng 102,11%KH cả năm 2024.

Lãnh đạo 3 địa phương phát biểu tại buổi làm việc

Đà Lạt (Lâm Đồng) là điểm đến du lịch được du khách quan tâm và lựa chọn. Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật, thu hút đông đảo du khách như Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2024, khai thác thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới; triển khai cơ chế, chính sách phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Lạt…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực văn hóa- xã hội thời gian qua được quan tâm chú trọng; nhiều lễ hội, chương trình, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được đẩy mạnh. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chính sách cho đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa, đối tượng yếu thế. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được quan tâm chỉ đạo với mục tiêu trong giai đoạn 2024-2025 hoàn thành xóa gần 2000 căn nhà tạm, nhà dột nát; đồng thời, triển khai xây dựng nhà cho người nghèo.

Tại Đắk Nông, doanh thu từ du lịch tăng trưởng mạnh. Theo ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 của ngành du lịch tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông được chú trọng đẩy mạnh. 9 tháng đầu năm địa phương đầu tư xây dựng được gần 200 km đường bộ.

Đại diện các Bộ, ngành giải đáp các kiến nghị tại buổi làm việc.

Bên cạnh với việc thông báo những kết quả đạt được, lãnh đạo 3 địa phương cũng chia sẻ về những khó khăn thách thức, từ đó đề xuất các kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành liên quan. Các kiến nghị tập trung vào một số vấn đề như thúc đẩy phát triển liên kết vùng; thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia; thực hiện kế hoạch đầu tư công; thu hút đầu tư; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng cơ sở hạ tầng; tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư; công tác an sinh xã hội; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư, NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc, Giao thông vận tải đã có những giải đáp, hướng dẫn các địa phương trong một số nội dung, kiến nghị cụ thể để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn đặt ra.

Tránh tình trạng "Hỏi cho chắc, hỏi để tham khảo"

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia vui với các địa phương với những kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2024, qua đó đã góp phần vào bức tranh chung có nhiều điểm sáng về kinh tế xã hội của đất nước.

Theo Bộ trưởng, 9 tháng đầu năm 2024, dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng cả 3 địa phương đều có sự nỗ lực, cố gắng, đạt được nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội. Qua đó, ngày càng khẳng định vị thế là các cực tăng trưởng của miền Trung – Tây Nguyên.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các địa phương cần tăng tính chủ động, tránh tình trạng "Hỏi cho chắc, hỏi để tham khảo" - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc

Thứ nhất về nông nghiệp, đây là 3 địa phương xác định nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trở thành bệ đỡ, từ đó ngày càng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Thứ hai, trong bối cảnh còn khó khăn nhưng các tỉnh cũng quan tâm đến công tác thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ ba, với địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nhưng các địa phương đã có nhiều chính sách để chăm lo về công tác an sinh xã hội.

Thứ tư là văn hóa xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phát triển, nhất là công tác giáo dục ở vùng sâu vùng xa. Lĩnh vực văn hóa, thể thao được quan tâm, đẩy mạnh đặc biệt là công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc. Từ giá trị văn hóa này đã tạo tiền đề cho phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch tiệm cận với tiêu chí trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt là hai địa phương Lâm Đồng, Đắk Lắk.

Qua nghe các địa phương chia sẻ một số khó khăn thời gian qua, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm trên địa bàn, góp phần hoàn thiện hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt cần rà soát công tác: Tư vấn, giải phóng mặt bằng, thẩm định, quản trị dự án.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương bên cạnh phát triển kinh tế xã hội cũng cần đảm bảo quốc phòng an ninh trên tinh thần "muốn phát triển thì đảm bảo quốc phòng an ninh, muốn ổn định thì phải phát triển kinh tế xã hội".

Khẳng định cả 3 địa phương đều có dư địa lớn về phát triển du lịch, Bộ trưởng cho biết, du lịch hiện nay đang trở thành điểm sáng của kinh tế xã hội. Điều này đã được khẳng định bởi lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ.

Bộ trưởng thông tin, đây là thời điểm chuẩn bị đón khách quốc tế (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau - PV), vì vậy các địa phương cần có giải pháp để tăng cường kết nối, xúc tiến quảng bá, tăng lượng tour, tuyến nhằm phát huy các sản phẩm du lịch, thương hiệu đặc sắc như Lâm Đồng có thành phố sáng tạo, Đắk Lắk, Đắk Nông có thế mạnh về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Bộ trưởng cho rằng, du lịch tác động đến 11 nhóm ngành như giao thông vận tải (lữ hành), nông nghiệp (tiêu thụ nông sản)…vì vậy các địa phương cần quan tâm để đạt "mục tiêu kép" đó là vừa tăng cường giao lưu nhân dân, hiểu thêm về phong tục, truyền thống về vẻ đẹp về đất nước, con người Việt Nam, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các địa phương cần tăng tính chủ động, tránh tình trạng "Hỏi cho chắc, hỏi để tham khảo" - Ảnh 5.

Một trong những vấn đề khác mà Bộ trưởng đề cập đó là việc xóa nhà tạm, nhà dột nát như chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện vừa ban hành. Theo Bộ trưởng, địa phương cần tập trung chủ động nguồn lực, xã hội hóa… để thực hiện hiệu quả chủ trương "Không ai bị bỏ lại phía sau" theo chỉ đạo của Thủ tướng. Ngoài ra, đối với nguồn lực từ Trung ương, với vai trò là thành viên Chính phủ được giao phụ trách 3 địa phương, Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo những khó khăn, thách thức của các địa bàn này để phân bổ nguồn lực phù hợp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành có văn bản trả lời chính thức những kiến nghị mà các địa phương đã đề cập tại cuộc họp này. Đối với các địa phương, cần kiến nghị các vấn đề còn giao thoa giữa các Bộ, ngành, chưa rõ thẩm quyền, chưa có văn bản pháp luật. Tránh tình trạng "Hỏi cho chắc, hỏi để tham khảo" mà cần tiếp cận theo hướng địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Những gì đã rõ cần mạnh dạn quyết định, thực hiện.

Nhắc lại tinh thần phân cấp mạnh mẽ, triệt để cho địa phương như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần đề cập, Bộ trưởng cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 mà Quốc hội dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Bộ VHTTDL- cơ quan soạn thảo, cũng thể hiện rõ việc phân cấp phân quyền cho địa phương. Do đó, các địa phương cần tăng tính chủ động, không ngừng nâng cao năng lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án được Trung ương phân bổ về sau khi Chương trình này được thông qua./.

Thế Công - Ảnh: Việt Hùng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×