Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thăm và làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
22/08/2016 | 10:53Trân trọng bề dày truyền thống 50 năm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1966 - 2016), trong buổi thăm và làm việc tại Bảo tàng ngày 19.8 mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, là bảo tàng hàng đầu đất nước trong lĩnh vực mỹ thuật, nơi sở hữu những di sản văn hóa, nghệ thuật vô giá, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần phát huy tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, từng bước xây dựng và định vị thương hiệu trên bản đồ những địa chỉ văn hóa quốc gia.
Nằm trong hệ thống các Bảo tàng quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được đánh giá là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng bậc nhất trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật dân tộc. Đi qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Bảo tàng đã có những dấu ấn thành công trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử là nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, bảo quản và giới thiệu di sản mỹ thuật của nước nhà tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
" Chúng ta cần phải luôn trăn trở và tự hỏi: “Phải làm gì cho xứng?”. Đương nhiên lời giải không đơn giản, nhất là để xây dựng và định vị một thương hiệu xứng tầm Bảo tàng quốc gia. Vì lẽ đó, hãy quyết liệt ngay từ bây giờ…
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hãy luôn mở rộng cánh cửa để tiếp đón đông đảo công chúng yêu mến nền mỹ thuật Việt độc đáo và đầy bản sắc. Muốn có được kết quả này, không có cách nào khác là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. “Ngọc” đang ở trong tay, hãy thu hút du khách bằng chính những “viên ngọc” mà chúng ta đang có…"(Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện)
Ghi nhận những cố gắng của các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Các thế hệ đã tiếp nối, kế thừa truyền thống để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo quản, giữ gìn và giới thiệu đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế những tác phẩm nghệ thuật giá trị, rất nhiều trong số đó là tài sản độc nhất vô nhị của đất nước. 50 năm đã kết tinh vô vàn công sức, trí tuệ của biết bao con người, vì vậy, thế hệ ngày hôm nay phải luôn trân trọng, gìn giữ và phát huy bề dày truyền thống đó…”.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ những sưu tập tác phẩm nghệ thuật hàng đầu của các bậc danh họa tài ba, những tên tuổi đã làm nổi danh mỹ thuật Việt Nam trên bản đồ mỹ thuật thế giới. Bộ trưởng cho rằng, niềm tự hào đó cũng đồng nghĩa là trách nhiệm vô cùng lớn lao mà đất nước đã trao vào tay đội ngũ cán bộ Bảo tàng qua nhiều thế hệ. “Chúng ta cần phải luôn trăn trở và tự hỏi: “Phải làm gì cho xứng?”. Đương nhiên lời giải không đơn giản, nhất là để xây dựng và định vị một thương hiệu xứng tầm Bảo tàng quốc gia. Vì lẽ đó, hãy quyết liệt ngay từ bây giờ…”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, ngay trong thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển, trong đó xác định rõ những định hướng trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời đưa ra các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đó. Là hình ảnh đại diện của quốc gia, nơi bảo quản, lưu giữ và quảng bá những hình ảnh văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của đất nước đến với bè bạn năm châu, việc cần làm ngay của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là thu hút sự quan tâm, chú ý của công chúng trong nước và quốc tế từ chính những tác phẩm hội họa, điêu khắc giá trị, góp phần nâng cao vị thế của nền mỹ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.
Mỹ thuật Việt Nam bao nhiêu thập kỷ qua vẫn luôn lặng lẽ, chưa có nhiều dấu ấn, một phần vì những giá trị thực sự của các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao chưa được quảng bá rộng rãi. “Thế hệ hôm nay của Bảo tàng phải thực hiện được nhiệm vụ này.
Hãy nhìn ra thế giới, các Bảo tàng luôn là một lựa chọn hàng đầu trong những điểm đến của người dân. Chúng ta cũng cần làm được điều đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hãy luôn mở rộng cánh cửa để tiếp đón đông đảo công chúng yêu mến nền mỹ thuật Việt độc đáo và đầy bản sắc. Muốn có được kết quả này, không có cách nào khác là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. “Ngọc” đang ở trong tay, hãy thu hút du khách bằng chính những “viên ngọc” mà chúng ta đang có…”, Bộ trưởng gửi lời nhắn nhủ.
Phải là môi trường văn hóa lý tưởng
Trước những khối lượng lớn công việc phía trước, Bộ trưởng cho rằng, nội dung quan trọng hàng đầu là công tác trưng bày, Bảo tàng cần đầu tư nhiều công sức, trí tuệ vào đó. Trưng bày tốt, hấp dẫn sẽ là lời mời chào lý tưởng để công chúng tìm đến. Ngược lại, trưng bày hời hợt thì dù có nói cách nào cũng chẳng ai tìm đến. “Ngay trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hãy tạo nên những dấu ấn đẹp trong lòng công chúng bằng những sưu tập đặc biệt giá trị được đưa ra trưng bày…”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng lưu ý đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Bảo tàng về những nhiệm vụ quan trọng khác như công tác kiểm kê, bảo quản, công tác tu sửa, phục chế, sưu tầm, giám định tác phẩm mỹ thuật… Các nhiệm vụ đều cần được triển khai khẩn trương, quyết liệt, tuy nhiên cũng cần lựa chọn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không tràn lan, hời hợt.
Trong nhiều giải pháp được đưa ra, Bộ trưởng nhấn mạnh, tập thể Bảo tàng cần đề cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng để thực hiện nhiệm vụ chung là góp phần nâng cao vị thế của nền mỹ thuật nước nhà. Công tác đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất cũng cần được quan tâm. “Bảo tàng cũng cần tăng cường đầu tư cho hoạt động truyền thông và xây dựng thương hiệu. Đây là nhiệm vụ và cũng là giải pháp để Bảo tàng khẳng định tên tuổi của mình…”.
Đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng, Bộ trưởng cho rằng, đây chính là linh hồn của mọi hoạt động, là nhân tố tạo nên sức sống và sức hấp dẫn của Bảo tàng. Muốn có một đội ngũ mạnh, nhiều tâm huyết, Bảo tàng phải là một môi trường văn hóa lý tưởng, nơi tiếp sức và tạo động lực cho những ý tưởng sáng tạo, tạo nên lực hút mạnh mẽ để ngày càng có nhiều hơn nữa công chúng quan tâm, yêu mến và tìm đến Bảo tàng với vị thế là một địa chỉ văn hóa tin cậy, sang trọng và lôi cuốn./.