Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tham gia phiên thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế, xã hội

22/05/2019 | 17:46

Sáng 22/5, tại Hà Nội đã diễn ra phiên thảo luận cho ý kiến về báo cáo kinh tế, xã hội sáng 22/5. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã tham gia phiên thảo luận tại tổ.

Hiệu trưởng trường văn hóa sang giữ kho vật tư

Theo ĐBQH Triệu Thế Hùng - Lâm Đồng, tại các địa phương, quy hoạch khối trường cao đẳng, trung cấp rất cơ học và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cũng như lãnh đạo các địa phương khi quy hoạch lại cần có đánh giá có căn cứ khoa học, đầu tư một cách có trọng điểm.

"Có tỉnh ghép trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật vào Cao đẳng Y, hoặc ghép với Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật, dẫn tới bằng của sinh viên vừa là thợ bậc mấy vừa là thanh nhạc. Rồi hiệu trưởng trường văn hóa khi sáp nhập lại sang giữ kho vật liệu, máy móc. Việc này cần hết sức rút kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp"- ĐB Triệu Thế Hùng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tham gia phiên thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế, xã hội - Ảnh 1.

Các ĐBQH thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế, xã hội sáng 22/5.

Ngoài ra, theo ĐB này, một sự lãng phí lớn là hiện các trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề, cộng đồng… tại các huyện quá nhiều.

"Chúng tôi đi giám sát tại các tỉnh phía Bắc, các trung tâm này như xây dựng đồng phục, lớn lắm, mười mấy tỷ đồng một trụ sở nhưng hàng chục năm nay không hoạt động. Thậm chí mỗi trung tâm chỉ có mười mấy em, thiết bị không hoạt động, nhưng hàng năm báo cáo lên hàng trăm em để lấy tiền về chi cho hoạt động thường xuyên. Tôi cho rằng cần đánh giá lại vai trò lịch sử các trung tâm này, để sử dụng cho việc khác..."- ĐB Triệu Thế Hùng nói.

Khá Bảnh, Phúc XO: Hành vi lệch chuẩn lại được giới trẻ tung hô

Ở một khía cạnh khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho biết, trong báo cáo kinh tế, xã hội thì các vấn đề về văn hóa, xã hội vẫn mờ nhạt, chưa phản ánh rõ những tích cực và những vấn đề còn tồn tại.

Theo ông Phạm Tất Thắng, cử tri và dư luận xã hội băn khoăn, lo lắng trước biểu hiện xuống cấp văn hóa, giới trẻ hiện nay.

"Số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước đây. Gần đây rất đau xót có một số vụ trọng án xảy ra đối tượng gây án là thanh niên. Con cháu giết ông bà cha mẹ…"- ĐBQH Phạm Tất Thắng nêu.

Ngoài ra, theo ĐB này, tác động tiêu cực của mạng xã hội có biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa, lối sống của một bộ phận giới trẻ. Thời gian qua, dư luận xã hội phản ánh rất nhiều hiện tượng lệch chuẩn như trường hợp Khá Bảnh, Phúc XO…

"Đây là những cá nhân có biểu hiện lệch chuẩn, hành vi không phù hợp với hành vi đạo đức xã hội của chúng ta nhưng được giới trẻ tung hô, thu hút lượng theo dõi trên mạng xã hội lớn. Việc này có tác động gì tới đời sống xã hội, hành vi ứng xử lối sống của giới trẻ? Vấn đề này, các ngành chức năng địa phương phải quan tâm để có những định hướng giáo dục đạo đức lối sống cho xã hội, cho nhân dân, trong đó có giới trẻ"- ĐBQH Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tham gia phiên thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế, xã hội - Ảnh 2.

Đầu tư cho di tích phải đi rất lòng vòng

Về đầu tư cho di tích, ĐB Triệu Thế Hùng nêu, chúng ta có thế mạnh rất lớn về di tích, di sản văn hóa nhưng thời gian gần đây, bị cắt tất cả chương trình mục tiêu đầu tư cho di tích.

"Để đầu tư được cho một di tích thường phải đi rất lòng vong, lồng ghép vào các chương trình này, hay chương trình khác. Đây là vấn đề cấp thiết, Bộ VHTTDL, chính quyền địa phương rất vất vả trong việc bảo tồn di tích xuống cấp"- ĐB Triệu Thế Hùng nêu.

Về vấn đề xã hội hóa lĩnh vực bảo tồn di tích, ĐB này nhận định, đây là nội dung đang nở rộ. Tuy nhiên, các ĐBQH chưa đánh giá được hoạt động này như thế nào, chỉ biết là không dùng ngân sách để chi.

"Nhưng không có một doanh nghiệp nào bỏ tiền để không cả, chính quyền phải đổi cái này cái khác, việc đổi này có lợi rất nhiều cho doanh nghiệp. Xét cho cùng đất đai, cơ sở hạ tầng là tài sản của nhân dân. Do vậy, cần nhìn nhận lại vấn đề ngân sách, không thể đẩy việc này cho xã hội hóa được. Cần có sự đánh giá lại, khởi động lại chương trình quốc gia, không đi lòng vòng. Khi có nguồn thu từ di tích thì di tích xuống cấp có thể lấy nguồn ngân sách để bù vào"- ĐB Triệu Thế Hùng nêu.

Ông cũng nói thêm, di tích di sản là tài nguyên lớn của ngành du lịch. Thời gian qua, ngành du lịch rất thành công có lực hút lớn với du khách. Nguồn thu từ du lịch phải đầu tư sang để tiếp tục bảo tồn, phát huy di tích.

"Chúng ta không thể khai thác một cách khánh kiệt mà không đầu tư gì cả cho di tích"- ĐBQH Triệu Thế Hùng nhấn mạnh./.

Song Đào

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×