Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn để từng bước khắc phục biểu hiện xuống cấp của đạo đức, lối sống
30/10/2018 | 13:40Sáng 30/10, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng xuống cấp của đạo đức, lối sống trong xã hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định, đây là vấn đề rất quan trọng và Bộ VHTTDL hết sức quan tâm, trăn trở.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, vấn đề xuống cấp đạo đức, xã hội là vấn đề rất quan trọng, rất khó và để thực hiện cần thời gian rất lâu dài. Tại kỳ họp lần trước, vấn đề này đã được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời và cho đến nay, sự xuống cấp của đạo đức xã hội vẫn diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã điểm qua một số nhận diện về sự xuống cấp của đạo đức, lối sống trong xã hội như: một số giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang bị mai một. Tình trạng suy thoái đạo đức tư tưởng, lối sống trong xã hội trong cán bộ đảng viên có chiều hướng gia tăng, đạo đức nghề nghiệp sa sút, gian lận trong học hành bằng cấp, nạn chạy chức chạy quyền, bạo lực gia đình, bạo lực với người cao tuổi…
Bộ trưởng đã nêu những giải pháp mà Bộ VHTTDL thực hiện trong thời gian qua nhằm khắc phục tình trạng này. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, trước hết, Bộ VHTTDL được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, xây dựng con người mới, khắc phục những tồn tại hạn chế trong vấn đề xuống cấp của đạo đức xã hội. Bộ đã tham mưu để BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trong hai năm vừa qua, Bộ VHTTDL cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều nghị định liên quan như Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "gia đình văn hóa"; "thôn văn hóa", "làng văn hóa", "ấp văn hóa", "bản văn hóa", "tổ dân phố văn hóa". Qua Nghị định này, quy định cụ thể nhiều quy chế, quy trình xét tặng gia đình văn hóa, làm phong trào này đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn.
Một giải pháp nữa là xây dựng đạo đức lối sống thông qua môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng…
Cùng với đó, cần phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức văn hóa lịch sử, đề cao vai trò giáo dục đạo đức của văn học nghệ thuật, hướng con người tới chân thiện mỹ. Làm sao để ngày càng có nhiều bộ phim, tác phẩm, vở diễn, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, bồi dưỡng tâm hồn xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức, khắc phục những biểu hiện xuống cấp đạo đức, phát huy tài năng, tâm huyết, ý thức công dân của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Bộ cũng đã tăng cường phối hợp liên ngành trong việc xây dựng đạo đức lối sống, phối hợp với với Bộ Giáo dục Đào tạo, đưa di sản văn hóa vào trường học, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Đài TNVN, Đài THVN, Trung ương Đoàn TNCS HCM và các tổ chức xã hội khác để xây dựng đạo đức lối sống.
Bộ cũng triển khai thực hiện Chỉ thị 11/CT-Ttg về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam đến 2020, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý sai phạm..
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc xây dựng đạo đức, lối sống con người là vấn đề lâu dài, phải thực hiện từng bước. Bộ VHTTDL sẽ quyết liệt và mạnh mẽ hơn để từng bước khắc phục biểu hiện xuống cấp của đạo đức, lối sống.
Qua diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội để khắc phục tình trạng xuống cấp trong đạo đức xã hội. Bộ trưởng cho rằng, đây là một vấn đề rất khó, rất cấp bách, ngành văn hóa rất trăn trở trước vấn đề này nhưng nếu chỉ một ngành văn hóa thực hiện thì rất khó khắc phục./.
Hạ Vân