Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm việc với Cục Điện ảnh

07/03/2018 | 13:59

Sáng 7/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Cục Điện ảnh để nghe báo cáo về đề xuất giải pháp bảo vệ và phát triển điện ảnh Việt Nam.

Những tín hiệu vui

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Điện ảnh - Ngô Phương Lan cho biết: Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam có những tiến bộ rõ rệt trong phát triển thị trường, xã hội hóa các hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim cũng như mở rộng hội nhập quốc tế.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan trình bày một số khó khăn của ngành điện ảnh Việt Nam.
 

So với một số nền điện ảnh của quốc tế thì nền điện ảnh Việt Nam thời gian qua có sự tăng trưởng khá "nóng", trung bình từ 25 - 30%/năm, riêng năm 2017 đạt gần 20%. Số lượng phim Việt Nam sản xuất trong nước cũng tăng nhanh, trước đây chỉ có 10 - 20 phim/năm nhưng hiện nay đã lên con số 40 phim/năm.

Cũng theo Cục trưởng Ngô Phương Lan: "Việc khán giả trong nước đang có xu hướng trở lại yêu thích điện ảnh Việt Nam là tín hiệu đáng mừng ngay trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua. Năm 2017, đã có một bộ phim Việt Nam lập kỷ lục doanh thu hơn 170 tỷ. Chỉ riêng dịp Tết vừa qua, có bộ phim Việt đã đạt doanh thu trên 60 tỷ đồng".

Tuy nhiên, theo đánh giá thực trạng, số phim nội sản xuất mỗi năm hiện nay cũng rất khó có thể tăng thêm, bởi khi phim Việt Nam phát hành ra thị trường nếu không liên doanh với các công ty nước ngoài thì số buổi chiếu sẽ rất hạn chế. Cùng với đó là đề tài chưa phong phú, chủ yếu nhằm mục đích thương mại, giải trí, các đề tài về lịch sử, giáo dục chiếm số lượng nhỏ.

"Vướng" chính sách thực hiện phim Nhà nước đặt hàng

Trong Dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ lần này, Cục Điện ảnh cũng nêu rõ, Luật Điện ảnh và Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh quy định sản xuất phim đặt hàng phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Bộ VHTTDL đã dự thảo Thông tư liên tịch Bộ VHTTDL và Bộ Tài chính hướng dẫn đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách Nhà nước, tuy nhiên Thông tư này không thể ban hành vì vướng một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Do chưa ban hành Thông tư nên Bộ Tài chính không bố trí được ngân sách đặt hành sản xuất phim hằng năm. Điều này cũng gây khó khăn cho ngành điện ảnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao và tuyên truyền văn hóa. Theo đó, từ năm 2015 - 2017, không có một bộ phim truyện điện ảnh nào do Nhà nước đặt hàng được sản xuất.

Cục trưởng Ngô Phương Lan cho rằng, từ việc không đủ đầu tư, định hướng chủ trương rõ ràng trong đặt hàng sản xuất phim nên đội ngũ sản xuất phim của Nhà nước sẽ rất khó để hoạt động. Đó là chưa nói đến thực trạng, kể cả khi có tiền cũng khó tìm ra người để làm.

Bà Lan cũng nêu vấn đề, do mất nhiều thời gian để giải ngân gói đặt hàng nên khi trình hết các kịch bản và được phê duyệt thì phải gần một năm sau mới có kinh phí, như vậy tính thời sự của bộ phim này sẽ không còn. Thực tế đã có nhiều bộ phim ách tắc vì vướng thủ tục hành chính.

Cần khép chặt việc nhập phim ồ ạt hiện nay

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, việc số lượng phim trong nước, phòng chiếu và phim nhập khẩu tăng trong thời gian qua đó là điều rất đáng mừng đối với nền điện ảnh Việt Nam nói chung.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại cuộc họp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc "mở cửa" điện ảnh cũng là sự thể hiện việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại của người Việt Nam. Nếu không có những nhà phát hành phim ngoại thì thực tế, phim Việt đến với người Việt Nam cũng rất hạn chế. Một rạp phim của Việt Nam cũng chỉ chiếu được một số lượng nhất định phim Việt, còn lại vẫn phải chiếu phim nước ngoài. Trong khi đó, các rạp phim của nhà đầu tư nước ngoài họ vẫn chiếu phim của Việt Nam nếu chất lượng tốt. Đó là một cú hích tích cực đối với điện ảnh Việt.

Bộ trưởng cho rằng, các giải pháp để phát triển điện ảnh Việt Nam thì mục đích cuối cùng vẫn là bảo tồn và phát triển văn hóa Việt, phim Việt tăng về số lượng, người Việt đi xem phim Việt nhiều hơn. Muốn làm được điều này, điện ảnh Việt Nam cần phải kêu gọi được những nhà đầu tư lớn như Vin Group, Sun Group...

Cùng với đó, cần phải có hàng rào kỹ thuật, khép chặt việc nhập phim ồ ạt hiện nay. Đồng thời, sửa đổi Luật cạnh tranh để làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, muốn sản xuất phim trong nước phát triển cần phải có cơ chế hỗ trợ thuế, liên doanh liên kết đầu tư nước ngoài...

"Nói điện ảnh Việt Nam là bao gồm cả doanh nghiệp điện ảnh trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào điện ảnh trong nước. Cần phải có sự phối hợp để điện ảnh Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào ngành công nghiệp Văn hóa."-Bộ trưởng đề nghị./.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×