Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Đầu tư cho di sản đã đem lại nguồn lợi vô cùng to lớn

31/10/2018 | 10:06

Sáng 31/10, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về công tác bảo tồn di sản, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong khai thác du lịch, Bộ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định, các di sản đã đem lại nguồn lợi vô cùng to lớn trong sự phát triển du lịch Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa), Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện nay, Việt Nam có 3.500 di tích quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt, trên 62 nghìn di sản phi vật thể đã được kiểm kê và có 26 di sản vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, trong thời gian qua, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản trên cả nước đã được tiến hành thường xuyên và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn có một số di tích trong tu bổ tôn tạo chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc làm không đúng với nội dung cấp phép.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân. Bộ VHTTDL đã đề ra một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tu bổ di tích và theo công ước của Liên Hợp Quốc về Di sản và Luật Di sản văn hóa, giữ gìn tối đa các yếu tố cấu thành di tích; Lập quy hoạch dự án để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng cũng cho rằng, với các các trường hợp vi phạm quy định thì cần xử lý nghiêm. Yêu cầu khắc phục, trả lại yếu tố gốc cho di tích và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Bộ VHTTDL cũng đã yêu cầu xử lý nghiêm, trả lại tính nguyên vẹn của di tích như với trường hợp xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ ở Quần thể di tích Tràng An, Ninh Bình; xây dựng tại núi Bà Chúa Xứ, An Giang.

Một giải pháp nữa, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh các hoạt động vi phạm. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát và bảo đảm an toàn cho các di sản. Ngoài ra, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo tồn.

Về việc phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, chỉ riêng với 8 di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận, trong năm 2017 đã đón 16 triệu khách (7 triệu khách quốc tế), thu hơn 2.500 tỉ đồng. Trong năm 2017, chỉ riêng thu từ tiền bán vé, Vịnh Hạ Long đã thu 1.100 tỷ đồng, trong khi Nhà nước đầu tư có 50 tỷ; Quần thể cố đô Huế thu 320 tỉ, ngân sách đầu tư 47 tỉ đồng; Khu phố cổ Hội An thu 219 tỉ, ngân sách đầu tư 17 tỉ.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, việc thu từ phát triển du lịch si sản rất lớn, chưa kể thu từ lưu trú, đi lại ăn uống…

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm đối với lĩnh vực bảo tồn di sản, vừa góp phần bảo tồn di sản, vừa có nguồn thu ngân sách. "Có thể nói rằng, nếu chúng ta quan tâm, coi đầu tư cho di sản như một công trình dự án đầu tư bằng ngân sách thì không những thu hồi vốn rất nhanh mà còn có lãi lớn. Không dự án nào đầu tư 50 tỉ mà một năm mà thu hơn 1.000 tỉ"- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh./,.

Theo toquoc.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×