Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Cần có tư duy mới trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”
28/07/2020 | 20:20Chiều 28/7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì Hội nghị Sơ kết công tác VHTTDL 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm 6 tháng cuối năm 2020.
Hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi 09 di tích quốc gia đặc biệt; Ban hành Quyết định xếp hạng 21 di tích quốc gia; Thêm 11 di sản được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia; Trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các hoạt động văn hóa cơ sở bám sát nhiệm vụ tuyên truyền phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo không khí phấn khởi, sôi nổi thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức 9 cuộc triển lãm truyên truyền cổ động trực quan, triển lãm tại các tỉnh/thành. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cổ động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.
Công tác tổ chức thẩm định, phân loại và cho phép phát hành được thực hiện theo đúng quy định. Hệ thống các rạp chiếu phim trong cả nước đã mở cửa trở lại; các đội chiếu phim lưu động của các Trung tâm/Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Công tác quản lý nhà nước về gia đình được đẩy mạnh. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình”. Chủ trì xây dựng hồ sơ lập đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Triển khai tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020.
Về lĩnh vực Thể dục thể thao, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức SEA Games 31, ASEAN Para Games 11; Quyết định số 288/QĐ-BCĐQG2021 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia thành lập Ban Tổ chức SEA Games 31 và Ban Tổ chức ASEAN Para Games 11. Ban hành Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 năm 2021 tại Việt Nam.
Sau khi dịch bệnh COVID-19 bước đầu được kiểm soát, các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức trở lại trong tháng 5 đã được người hâm mộ thể thao cả nước hoan nghênh. Đặc biệt tổ chức các trận đấu của giải Vô địch Quốc gia (V-League); Cúp quốc gia đã thu hút đông đảo khán giả các địa phương tới xem và cổ vũ gây tiếng vang lớn đối với truyền thông quốc tế và được coi là một minh chứng cụ thể cho kết quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả ở nước ta.
Trong 6 tháng đầu năm, thể thao Việt Nam đã tham gia 18 giải thể thao quốc tế, giành được 26 huy chương vàng, 11 huy chương bạc, 8 huy chương đồng. Đến nay, Việt Nam đã có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo gồm các môn: Bắn cung (2), Boxing (1), Thể dục dụng cụ (1), Bơi (1).
Về lĩnh vực du lịch, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 49,5% so với 6 tháng đầu năm 2019. Khách du lịch nội địa đạt 23 triệu lượt, trong đó có 11,8 triệu lượt khách lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176.800 tỷ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ 2019.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khởi động lại thị trường du lịch nội địa, chuẩn bị sẵn sàng để đón du khách quốc tế vào Việt Nam khi điều kiện cho phép, Bộ VHTTDL đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa.
Không chủ quan nhưng cũng không quá sợ đến mức không làm gì
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, 6 tháng vừa qua đã đi vào lịch sử của ngành VHTTDL. Chưa có ngành nào thiệt hại nặng nề như ngành VHTTDL trong đợt dịch COVID-19.
“Tuy nhiên, trong khó khăn đó, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn của đơn vị, cán bộ công chức viên chức, người lao động của ngành. Đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ “kép” mà Thủ tướng giao đó là vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế” - Bộ trưởng nhấn mạn.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, khó khăn vẫn còn dài, chưa biết khi nào chấm dứt, nên tinh thần là các đơn vị phải thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, không chủ quan lơ là trong nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19. Chấp hành nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng và địa phương. Theo đó, phải phát huy những kết quả bước đầu trong những tháng đầu năm. Phải tìm giải pháp để khắc phục những khó khăn đó.
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, giải quyết dứt điểm “nợ” của công tác xây dựng pháp luật. Theo lộ trình, Luật Điện ảnh phải trình Quốc hội vào tháng 10/2021 nên Cục Điện ảnh cần phải nỗ lực để hoàn thành.
Bộ trưởng cũng yêu cẩu Tổng cục Thể dục thể thao chuẩn bị tốt nhất SEA Games 31. Theo đó, cần triển khai các công việc để đảm bảo tiến độ. Chuẩn bị chuyên môn thật tốt, cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu.
Đối với du lịch, bám sát diễn biến tình hình chỉ đạo chung của Chính phủ để có những giải pháp phù hợp với thực tiễn dịch bệnh. “Những ca bệnh mới đã đặt ra cho chúng ta tình huống mới, vừa phải kích cầu du lịch nội địa nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đồng thời, phải chuẩn bị phương án đón khách quốc tế khi mở cửa” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm và phải đảm bảo an toàn về dịch bệnh cho đồng bào dân tộc đang sinh sống tại Làng.
Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tiếp tục chỉ đạo các Nhà hát thực hiện các đơn đặt hàng của Bộ. Vụ Kế hoạch Tài chính cần bố trí kinh phí cho các vở diễn mới như: thực hiện vở diễn, công diễn, quảng bá.
Chia sẻ với những khó khăn của lĩnh vực điện ảnh, Bộ trưởng đề nghị Trung tâm Chiếu phim quốc gia cần nghiên cứu các cách làm mới nhưng vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19. “Cần có tư duy mới trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, không chủ quan nhưng cũng không quá sợ đến mức không làm gì” - Bộ trưởng yêu cầu.