Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tiếp Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội

23/08/2010 | 14:53

(VP)- Chiều 18/8, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã có buổi trao đổi và làm việc với bà Katherina Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cảm ơn UNESCO đã luôn ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa (đặc biệt Dự án Hoàng thành Thăng Long vừa qua) và đề nghị UNESCO tiếp tục quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực: Đào tạo nguồn nhân lực; Kiểm kê, nhận diện, bảo vệ, khôi phục Di sản văn hóa phi vật thể; quảng bá và phát huy giá trị các di sản. Bộ trưởng khẳng định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực trùng tu, tôn tạo nhưng không làm mất đi giá trị nguyên bản của di sản; chú trọng công tác lưu giữ, sưu tầm hiện vật; tăng cường học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới.    


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chụp hình lưu niệm cùng các vị khách mời

Trong không khí thân mật và cởi mở của buổi tiếp, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã có 12 Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận: Vịnh Hạ long, Động Phong nha Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng Chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca Trù…  

Thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng UNESCO khởi động chương trình kéo dài 36 tháng để kịp thời đánh giá giá trị lịch sử, khảo cổ và kinh tế-xã hội của Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, đề nghị giám sát các biện pháp bảo tồn, xây dựng kế hoạch quản lý Khu Di sản một cách toàn diện.  

Bà  Katherina Muller-Marin đánh giá cao Việt Nam bởi nỗ lực giữ gìn, bảo vệ những di sản lịch sử, văn hóa quý giá, dù đã trải qua nhiều năm chiến tranh bảo vệ đất nước. Việc Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản thế giới là phần thưởng lớn và có ý nghĩa đối với Việt Nam đúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. UNESCO  đã và đang thực hiện nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản: Chiến lược lồng ghép Văn hoá và Di sản Văn hoá vào phát triển, cụ thể là Chiến lược Phát triển văn hóa quốc gia 2010-2020. Chiến lược này cũng nhằm mục đích tăng cường việc thực hiện các Công ước quốc tế về văn hóa và các quyền văn hóa, và để UNESCO và các cơ quan khác thuộc Liên Hợp Quốc có thể hỗ trợ văn hóa một cách sâu sắc hơn; Chiến lược lồng ghép Văn hóa và Du lịch cho phát triển bền vững ở Quảng Nam mà hiện tại UNESCO Hà Nội đang hỗ trợ tỉnh Quảng Nam và các khu di sản Hội An, Mỹ Sơn xây dựng một chiến lược lồng ghép Văn hóa Du lịch cho toàn tỉnh. Nếu thành công, dự án này sẽ là một điển hình cho các Khu Di sản thế giới, các Khu Dự trữ sinh quyển và các Khu vực Bảo tồn khác ở Việt Nam.  


Toàn cảnh buổi đón tiếp

Tại buổi làm việc hai bên đã trao đổi về khả năng Bộ VHTTDL cử người tham gia khóa tập huấn Đào tạo nguồn nhân lực trong công tác kiểm kê, xây dựng Hồ sơ công nhận Di sản văn hóa thế giới, dự kiến tổ chức tại Việt Nam do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Văn phòng UNESCO tại Paris cùng phối hợp tổ chức.  

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×