Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thăm, làm việc tại Tuyên Quang

14/04/2015 | 14:51

Như tin đã đưa, sau hoạt động kiểm tra trực tiếp một số thiết chế văn hóa trên địa bàn, sáng 10/4 tại TP.Tuyên Quang, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác VHTTDL trên địa bàn.

Tiếp và làm việc với Bộ trưởng và đoàn công tác có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Huấn; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành chức năng trên địa bàn...

Tuyên Quang: “Tiếp nối những trang sử hào hùng của Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến”


“Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, Tuyên Quang tự hào là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Tiếp nối truyền thống đó, thế hệ hôm nay có trách nhiệm viết tiếp vào những trang sử hào hùng bằng những thành tựu mới, mang đến diện mạo đời sống mới cho đồng bào các dân tộc. Đó chính là lời tri ân sâu sắc nhất trước lịch sử...”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đưa tiềm năng thành thế mạnh

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Chẩu Văn Lâm khẳng định, truyền thống lịch sử không chỉ là niềm tự hào mà chính là nền tảng vững chắc, tạo động lực để Tuyên Quang vững bước đi lên trong quá trình hội nhập, phát triển. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, các hoạt động VHTTDL và gia đình đã được Tuyên Quang đặc biệt chú trọng. “Bác Hồ ở Tuyên Quang trong thời gian 5 năm 11 tháng 25 ngày, Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, cụm tượng đài là những công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong diện mạo phát triển chung của Tuyên Quang ngày hôm nay...”, Bí thư Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh.

Báo cáo kết quả hoạt động VHTTDL và gia đình của Tuyên Quang cho biết, nhiều công việc quan trọng đã được thực hiện như ban hành Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; xây dựng Quy hoạch quảng cáo ngoài trời; ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người VN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, Tuyên Quang luôn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đạt nhiều giá trị nổi bật như hoàn thành tổng điều tra văn hóa phi vật thể 7 dân tộc Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Nùng, Mông, Pà Thẻn; hoàn thành phục hồi, bảo tồn, tôn tạo 110/110 di tích thuộc Dự án đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến (ATK) trên địa bàn, trong đó có 80 di tích, cụm di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào... Phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển chất lượng. 3 mô hình phòng chống bạo lực gia đình được xây dựng; 1 mô hình thực hiện Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình VN.

Trong lĩnh vực TDTT, đã hoàn thành quy hoạch chi tiết đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể thao và đang hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến 2020. Du lịch được xác định là mũi nhọn trọng tâm, Tuyên Quang đã ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư; hoàn thành quy hoạch các tour, tuyến du lịch; ban hành quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang. “Các sản phẩm du lịch đặc thù cũng là mục tiêu trọng tâm hướng đến. Du lịch văn hóa lịch sử, Du lịch sinh thái, Du lịch nghỉ dưỡng, Du lịch cộng đồng - Homestay, Du lịch tâm linh, tín ngưỡng... đang là các loại hình có tiềm năng phát triển mạnh mẽ”, báo cáo cho biết.

“Tuy nhiên, để tiềm năng thành sức mạnh hiện thực còn là một quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực. Đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để Tuyên Quang phát triển, khởi sắc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân ...”, Bí thư Chẩu Văn Lâm đề nghị.

Kiểm tra trực tiếp việc xây dựng hồ sơ về nghệ thuật hát Then VN trình UNESCO vinh danh, Bộ trưởng
đã nghe phần trình diễn và trao đổi trực tiếp với nghệ nhân Hà Văn Thuấn, dân tộc Tày (sinh năm 1947)
tại thôn Tân Hợp, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa


Xây dựng hồ sơ nghệ thuật hát Then trình UNESCO

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hải Anh, một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Tuyên Quang là thực hiện vai trò đầu mối, phối hợp với các tỉnh trong khu vực có hát then lập hồ sơ quốc gia về Nghệ thuật hát Then trình UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó là chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ V năm 2015, gắn với Lễ hội thành Tuyên.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Bộ cũng đặc biệt quan tâm tới nội dung xây dựng hồ sơ quốc gia về Nghệ thuật hát Then Việt Nam trình UNESCO vinh danh mà Tuyên Quang là địa phương đầu mối các tỉnh có hát Then trong khu vực. Bộ đã giao trách nhiệm cho Học viện Âm nhạc Quốc gia VN và Viện VHNT quốc gia VN cùng phối hợp với Tuyên Quang và các địa phương nhằm thực hiện các bước trong quy trình lập hồ sơ.

“Các địa phương liên quan cần khẩn trương lập hồ sơ, hoàn thành trước ngày 31.3.2016. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ hỗ trợ, phối hợp để Tuyên Quang chuẩn bị, tổ chức thành công Liên hoan Hát then, Đàn tính lần thứ V, đặc biệt là Hội thảo quốc tế về Nghệ thuật hát Then với sự tham gia của các đoàn khách quốc tế...”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Ông đánh giá cao nỗ lực của Tuyên Quang để hát Then, đàn tính không chỉ có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng mà ngày càng có cơ hội lan tỏa, trở thành một thương hiệu đầy sức hút đối với người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Hiện trên địa bàn tỉnh có 64 CLB hát then, đàn tính, thu hút gần 1000 người tham gia; trong đó phải kể đến vai trò của các nghệ nhân nòng cốt trong giữ lửa, trao truyền di sản tới các thế hệ cháu con.

Cũng trong phát biểu của mình, Bộ trưởng nhấn mạnh, với nền tảng là truyền thống văn hóa - lịch sử, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng những sản phẩm văn hóa - du lịch đặc thù, bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử truyền thống... là những công việc địa phương cần đặc biệt quan tâm. Viết tiếp những trang sử hào hùng chính là trách nhiệm to lớn của thế hệ hôm nay, tạo nền tảng, động lực để Tuyên Quang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo.

Trong các lĩnh vực VHTTDL và gia đình, cần quán triệt, gắn kết sự phát triển với nội dung, tinh thần chỉ đạo trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TƯ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người VN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. Các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015 cần được triển khai với tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực, có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bộ trưởng và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ cũng đã trực tiếp trả lời những đề xuất, kiến nghị của địa phương. Theo đó, yêu cầu Tuyên Quang sớm hoàn thành công tác quy hoạch , xây dựng Khu du lịch lịch sử Tân Trào thành khu du lịch quốc gia để Bộ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ sẽ giao các đơn vị chức năng hỗ trợ địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tuy nhiên cần lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu, tránh tràn lan. “Để thu hút đầu tư vào du lịch, cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng...”, Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng cũng đồng ý với một số đề xuất của tỉnh như bổ sung Khu Liên hợp Thể thao của tỉnh vào Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật thể thao đến năm 2020; bổ sung quy hoạch sân golf trong quần thể Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, huyện Yên Sơn..., đồng thời đề nghị, năm 2015 là năm tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành VH-TT, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang phối hợp cùng với Bộ tổ chức thật tốt trên tinh thần trang trọng, tiết kiệm và hiệu quả các hoạt động nhân dịp kỷ niệm này.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×