Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm việc tại Thái Bình và Hà Nam

30/07/2013 | 08:34

Như tin đã đưa, tiếp tục làm việc với các tỉnh, thành phía Bắc về việc 5 năm thực hiện NQ TƯ 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 26.7 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, thành viên Ban Chỉ đạo TƯ sơ kết 5 năm thực hiện NQ TƯ 7 Khóa X và đoàn công tác làm việc tại Thái Bình và Hà Nam.

Chiều 26.7, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam. Về phía tỉnh Hà Nam có ông Trần Xuân Lộc- Bí thư Tỉnh ủy, ông Mai Tiến Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, trong năm qua tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Chiến lược phát triển VHTTDL và gia đình của Chính phủ, Chương trình, kế hoạch của Bộ VHTTDL, các Quy hoạch phát triển VHTTDL của tỉnh, Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Ngành VHTTDL đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như tổ chức thành công Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ phát lương đền Trần Thương, Lễ hội đền Lảnh Giang, hưởng ứng Tuần VHTTDL tại Hải Phòng trong tháng 5. Tham gia Liên hoan Hát Dân ca Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh; Liên hoan Hát văn, chầu văn 2013 tại Vĩnh Phúc đoạt Huy chương vàng... Hà Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tính đến tháng 6.2013, toàn tỉnh có 53 Trung tâm VHTT cấp xã, hơn 870 Nhà văn hoá - Khu thể thao thôn. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn đã quy hoạch xong diện tích đất dành cho sân tập thể dục thể thao, trong đó 78/116 xã, phường, thị trấn đã có sân tập TDTT phổ thông, diện tích từ 6.000 - 7.000m2.

Đặc biệt, năm 2012, Nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam với quy mô lớn và hiện đại đã được khởi công xây dựng để tiến tới đăng cai tổ chức một số môn tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc năm 2014 và những giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế.

Theo kế hoạch, Hà Nam sẽ tổ chức đăng cai tổ chức 4 môn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - 2014 gồm Bóng đá nữ, Bóng đá Futsal, Taekwondo và đá cầu chinh. Về du lịch, Hà Nam đang tích cực xây dựng và phát triển Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao xứng tầm trọng điểm du lịch quốc gia.

Công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, đặc biệt là quảng bá, xúc tiến tại Hải Phòng, Phú Thọ và các lễ hội lớn của tỉnh. 6 tháng đầu năm tỉnh đã đón 280.000 lượt khách du lịch, đạt 56% kế hoạch năm. Doanh thu du lịch ước đạt 66,5 tỉ đồng, đạt 60,45% kế hoạch năm.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh biểu dương Hà Nam là một tỉnh đặc biệt quan tâm và đầu tư cho các lĩnh vực VHTTDL đạt hiệu quả cao. Bộ trưởng đề nghị Hà Nam xúc tiến công việc tổng kết 15 năm thực hiện NQ TƯ 5 Khóa VIII về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời sơ kết 5 năm thực hiện NQ TƯ 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Bộ trưởng lưu ý Hà Nam rà soát lại quy hoạch phát triển VHTTDL, có cơ chế chính sách thông thoáng hơn để thu hút các nhà đầu tư. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Nam hỗ trợ thực hiện giải phóng mặt bằng trong kế hoạch di dời 6 trường ĐH và trung tâm thể thao trực thuộc Bộ VHTTDL về khu Đại học Nam Cao của tỉnh.

Theo Bộ trưởng, để Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao xứng tầm trọng điểm du lịch quốc gia, trước hết tỉnh cần khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể, sau đó đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khu du lịch, và cuối cùng là cần đầu tư quảng bá rộng rãi theo chiều sâu. Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã xuống hiện trường kiểm tra tiến độ thi công Nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam.

Trước đó, sáng 26.7, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cùng đoàn công tác đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện NQ TƯ 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại tỉnh Thái Bình. Dự hội nghị có ông Trần Cẩm Tú- UV TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cùng đại diện các Ban, Bộ ngành của TƯ, lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Thái Bình, ngay sau khi NQ TƯ 7 Khóa X được ban hành, Thái Bình đã ban hành Chương trình hành động, xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và xây dựng nông thôn mới là hai nhiệm vụ trọng tâm.

Mục tiêu phấn đấu được đặt ra là đến năm 2015, tất cả các xã trong tỉnh đạt 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên; trong đó có 70 xã trở lên hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đến năm 2020, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí nông thôn mới trở lên; 6 huyện trở lên đạt tiêu chí nông thôn mới.

Bộ trưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị tại Thái Bình

Sau 5 năm thực hiện NQ TƯ 7 Khóa X, Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Về chăn nuôi, trong 4 năm (2009 - 2012), Thái Bình phát triển 3.000 gia trại, 40 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ hiện đại; đến tháng 6.2013, toàn tỉnh có 690 trang trại, 15.452 gia trại. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng bình quân 5 năm (2008 - 2012) đạt 5,29%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển biến tích cực... Thái Bình cũng xây dựng quy hoạch sử dụng đất trồng lúa đến năm 2020 là 76.000 ha, đã được Chính phủ phê duyệt.

Tổng kết kết quả xây dựng nông thôn mới đến tháng 7.2013, Thái Bình đã có 4 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; 6 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 115 xã đạt 11 - 14 tiêu chí; 100 xã đạt từ 8 - 10 tiêu chí; 40 xã đạt 6 - 7 tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 8 - 9 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới…

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh lưu ý Thái Bình trong thời gian tới cần lồng ghép việc thực hiện NQ TƯ 7 Khóa X với thực hiện NQ TƯ 5 Khóa VIII. Trước mắt tỉnh nên xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Phát triển việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động ở nông thôn. Đồng thời tỉnh cần chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch, tập trung cho khâu chế biến và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp, thế mạnh của địa phương…


Theo báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×