Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm việc tại Đắk Lắk và Gia Lai

04/09/2009 | 07:00

(VH)- Tiếp tục chuyến làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên, sáng 26.7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Đoàn công tác của Bộ VH,TT&DL đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các Sở, ngành của tỉnh Đắk Lắk. Cùng dự và chủ trì buổi làm việc với Bộ trưởng có Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Ngọc Cư.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu đoàn công tác khảo sát thiết chế văn hóa tại thôn Yông B, xã Ea Yông, (Krông Pắk, Đắk Lắk)

Cần có giải pháp nhằm phát huy những tiềm năng di sản văn hoá

Theo báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh do lãnh đạo Sở VH,TT&DL trình bày, trong những năm qua và 6 tháng đầu năm tình hình phát triển kinh tế, xã hội luôn đạt được mục tiêu đề ra. Cuối năm 2008, đầu năm 2009, mặc dù trong bối cảnh suy thoái nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt được chỉ tiêu đề ra. Trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, với sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các Sở, ngành, Sở VH,TT&DL tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích; thể dục thể thao quần chúng và thành tích cao có sự chuyển biến rõ rệt; số lượng khách du lịch đến với tỉnh không tăng nhiều nhưng bước đầu đã có những nét tích cực mới. Một trong những kết quả gây được sự quan tâm của Đoàn công tác, đó chính là những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND đã ra nhiều nghị quyết, chủ trương đường lối về lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, đáng kể nhất là việc tổ chức tuyên truyền Luật Di sản văn hoá tới tận cơ sở. Báo cáo cho biết, một trong những biện pháp mà tỉnh chú trọng chỉ đạo là yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức phải kiên trì tiến hành một cách có hệ thống, mang tính đồng bộ để tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về trách nhiệm tham gia thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hoá, nhằm làm cho tinh thần và chủ trương của Đảng, Nhà nước từng bước thấm sâu, chuyển hoá một cách tự giác vào đời sống tinh thần của người dân, dần dần trở thành một lực lượng vật chất của đời sống xã hội...

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố, các Sở, ngành và các thành viên trong Đoàn công tác, Bộ trưởng đã ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ rất ấn tượng trước những kết quả đạt được của tỉnh trong những năm qua và sáu tháng đầu năm trên nhiều lĩnh vực, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế; ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự; quốc phòng được giữ vững; đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết, gắn bó giúp nhau phát triển và ngăn chặn kịp thời những âm mưu chống phá. Bộ trưởng nhấn mạnh, Đắk Lắk là tỉnh không những có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá, giàu truyền thống cách mạng mà còn ôm chứa rất nhiều giá trị lịch sử, văn hoá bản địa hết sức đặc sắc và phong phú. Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành VH,TT&DL cùng các ngành, các cấp quan tâm bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc trên địa bàn, góp phần quan trọng gìn giữ kho tàng văn hoá VN. Nhưng bên cạnh việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng kháng chiến, các buôn làng truyền thống, không gian văn hoá cồng chiêng... thì cần phải biết phát huy, giới thiệu, quảng bá những kết quả đó tới đông đảo người dân trong nước, du khách nước ngoài. “Chỉ tiến hành bảo tồn, gìn giữ thôi thì chưa đủ, cần phải biết cách phát huy giá trị, khai thác những tiềm năng văn hoá đó, để những di sản quá khứ của dân tộc, của các thế hệ đi trước trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. Muốn làm được điều đó cần phải có quy hoạch, kế hoạch với những giải pháp đồng bộ cộng với sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành mà Sở VH,TT&DL đóng vai trò quan trọng”, Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng thăm, tặng quà làng văn hóa Nhă, xã Ia Balang, huyện Chư Sê

Trên cơ sở đi khảo sát thực tế tại một số thiết chế văn hoá ở cơ sở, trong đó thăm và tặng quà cho buôn văn hoá Yông B, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp cần quan tâm đến việc quy hoạch, xây dựng thiết chế văn hoá ở cơ sở. Hiện nay tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá ở cơ sở như nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng cho bà con đồng bào, nhưng so với yêu cầu thực tế vẫn chưa được nhiều. Bên cạnh việc xây dựng thiết chế văn hoá, cần đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ văn hoá ở cơ sở. Đây là đội ngũ hạt nhân, quan trọng giúp cho đồng bào xây dựng chương trình, nội dung sinh hoạt văn hoá trong các thiết chế đó. Ông cho rằng, “Nếu xây dựng xong rồi để đó thì rất lãng phí. Cần phải có nhiều hình thức hoạt động, thu hút đồng bào đến tham dự thì việc xây dựng thiết chế văn hoá mới thành công”. Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh và ngành cần quan tâm, chú trọng tới Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, trong đó không được chạy theo hình thức, “phong trào” mà cần phải chú trọng đến chất lượng; Quan tâm đầu tư xây dựng huyện điểm văn hoá trên địa bàn tỉnh; Nâng cao công tác quản lý về gia đình, và phải ngăn chặn cho được tình trạng bạo lực gia đình; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với lĩnh vực VH,TT&DL; Nghiên cứu tìm ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực VH,TT&DL. Tiếp đó, Bộ trưởng cũng đã ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo tỉnh, đồng thời giao cho một số Tổng cục, Cục, Vụ, Viện với chức năng, nhiệm vụ của mình giúp đỡ tỉnh trong việc lập quy hoạch, đề án phát triển ngành trong những năm tới.         

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đi tham quan, khảo sát và cho ý kiến tại một số thiết chế văn hoá của tỉnh và ở cơ sở.

Hội nghị, hội thảo “Xây dựng huyện điểm văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số”

Chiều 25.7, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Đoàn công tác đã đến dự hội nghị, hội thảo “Xây dựng huyện điểm văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số” do Bộ và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức tại huyện Krông Pắk. Tham dự hội nghị có 7 địa phương đang xây dựng huyện điểm văn hoá bao gồm Hà Giang (huyện Bắc Quang), Yên Bái (thị xã Nghĩa Lộ), Lạng Sơn (huyện Văn Lãng), Bắc Giang (huyện Lục Ngạn), Nghệ An (huyện Quỳ Hợp), Đắk Lắk (huyện Krông Pắk) và Trà Vinh (huyện Trà Cú). Sau bài phát biểu khai mạc hội nghị, hội thảo của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, phát biểu chào mừng của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và Báo cáo tóm tắt công tác xây dựng huyện điểm văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số của lãnh đạo Vụ Văn hoá dân tộc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã phát biểu chỉ đạo hội nghị, hội thảo. (Nội dung hội nghị, hội thảo sẽ được phản ánh vào số báo 1720).

Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị tốt để tổ chức Festival Cồng chiêng quốc tế thành công

Trước đó, vào chiều 24.7, tại thành phố Pleiku, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các Sở, ngành tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh; công tác chuẩn bị Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009. Dự và cùng chủ trì với Bộ trưởng có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng.

Báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 11,46%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 903 tỷ đồng... Đề cập các lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, ông Phạm Thế Dũng nói ngành đang tiếp tục được tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy từ tỉnh tới cơ sở. Triển khai xây dựng các kế hoạch, chương trình, quy hoạch ngành cho phù hợp với tình hình mới; tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Ngành đã quản lý tốt về các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch trên địa bàn, đẩy mạnh công tác xã hội hoá các lĩnh vực này và đặc biệt là trong hoạt động thể thao thành tích cao ở môn bóng đá. Các hoạt động này đã góp phần quan trọng làm tăng lượng khách du lịch đến tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn chưa phát huy được thế mạnh sẵn có, chủ yếu dựa vào kinh doanh lưu trú. Căn cứ vào điều kiện và tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã đề nghị với Bộ trưởng và Đoàn công tác một số nội dung, vấn đề cụ thể nhằm góp phần phát triển ngành VH,TT&DL trong thời gian tới.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh  và Đoàn công tác thăm và tặng quà cho đội tuyển quốc gia U23 Lào đang tập huấn tại Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên trong Đoàn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã đánh giá cao về việc trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Gia Lai vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong 6 tháng đầu năm. Dưới sự chỉ đạo và quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các Sở, ngành, ngành VH,TT&DL tỉnh từng bước ổn định tổ chức, bộ máy và đặc biệt dần tạo được sự gắn kết giữa các ngành kể từ sau khi sáp nhập. Bộ trưởng cho rằng, Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nằm trên một địa bàn chiến lược quan trọng, vì thế bên cạnh tập trung phát triển kinh tế-xã hội, làm cho đời sống người dân ngày một cải thiện trên nhiều mặt thì cũng phải đặc biệt chú ý đến sự ổn định về tình hình chính trị, an ninh trật tự. Xét về nhiều mặt, Gia Lai có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá, thể thao, du lịch nhưng những tiềm năng, thế mạnh đó vẫn chưa được khai thác, phát huy một cách có hiệu quả, góp phần tạo nên những thành tích ấn tượng. Lấy ví dụ về việc khai thác, phát huy giá trị của di tích, danh thắng quốc gia Biển Hồ, Bộ trưởng nói, đây là một danh thắng chứa đựng rất nhiều giá trị, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước lại chỉ cách trung tâm tỉnh chỉ mấy km. Tuy nhiên, khi đến đây vẫn thấy cơ sở hạ tầng còn đơn giản và sơ sài, cách thức quản lý, giải pháp khai thác phát huy di tích, danh thắng quốc gia này vẫn còn nhiều hạn chế. Bộ trưởng đề nghị, với những lợi thế, và tiềm năng về lịch sử, văn hoá và danh thắng như thế trong thời gian tới địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá dưới nhiều hình thức để nhân dân cả nước và du khách quốc tế biết, đến với tỉnh nhiều hơn. Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành VH,TT&DL, trong đó cần xác định thật rõ những vấn đề cụ thể để có thể triển khai sớm trong thực tiễn. Tổ chức quy hoạch và đẩy nhanh xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao ở thành phố, cơ sở. Bộ trưởng phân tích, các thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở có một vị trí rất quan trọng, ở đó không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá cộng động, mà còn là nơi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; là nơi gắn kết, cố kết cộng đồng các dân tộc nhằm phát huy những giá trị văn hoá bản địa.  

Về một số đề nghị của tỉnh, nhất là việc lựa chọn vị trí và lập dự án dựng tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, Bộ trưởng cho biết: Đây là công trình đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt, vì thế đề nghị địa phương phải coi trọng việc nghiên cứu lựa chọn vị trí, theo đó cần phải tạo được sự đồng thuận cao từ nhiều giới, nhiều ngành. Việc lập dự án cần lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ kinh nghiệm, trình độ năng lực... Đối với việc tổ chức Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 vào tháng 11 tới tại thành phố Pleiku, Bộ trưởng lưu ý, trước hết địa phương cần thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại văn bản số 3317, ngày 22.5.2009 của Văn phòng Chính phủ. Vì đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức một Festival Cồng chiêng quốc tế kể từ khi UNESCO công nhận Không gian văn hoá Cồng chiêng là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, bởi vậy công tác chuẩn bị từ nhiều mặt cần được nghiên cứu, lên kế hoạch thật sự khoa học, hợp lý, chu đáo và đẩy nhanh tiến độ.

Sự tham gia của các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên là yếu tố rất quan trọng, đề nghị tỉnh Gia Lai làm việc với các địa phương còn lại để lên nội dung chương trình, tham gia của các đoàn bạn với mục đích làm cho Cồng chiêng Tây Nguyên phát huy được giá trị vốn có của nó. Địa điểm tổ chức khai mạc và bế mạc, địa phương cần lựa chọn vị trí phù hợp đảm bảo điều kiện để di sản văn hoá cồng chiêng có không gian trình diễn và phát huy hiệu quả, ấn tượng, tránh tình trạng sân khấu hoá như một số lễ hội trước đây. Trên cơ sở góp ý của một số thành viên trong Đoàn công tác, Bộ trưởng đề nghị địa phương cần xem lại “Kế hoạch tổng thể Festival Cồng chiêng” như tỉnh đã dự thảo. Bộ trưởng gợi ý, kịch bản của buổi khai mạc, bế mạc cần phải xác định thật rõ nội dung của phần lễ và phần hội. Trong nội dung của phần lễ, hội thì cần phải nêu bật ý nghĩa tôn vinh di sản văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, tăng cường tình đoàn kết và giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, phản ánh đúng với tầm vóc của một festival cồng chiêng quốc tế đầu tiên. “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, sau khi hoàn chỉnh dự thảo kịch bản khai mạc và bế mạc, đề nghị tỉnh có văn bản lấy ý kiến của Bộ. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh để kịch bản của Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 đạt được mục đích đề ra”, Bộ trưởng nói. Nhằm tăng cường sự giao lưu văn hoá, hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia có di sản văn hoá cồng chiêng, đề nghị tỉnh nghiên cứu và mời thêm một số nước.  

Cũng trong chuyến làm việc tại Gia Lai, sáng 25.7, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đến thăm Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai; thăm và tặng quà cho Đội tuyển quốc gia U23 Lào đang tập huấn tại Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Cùng ngày, Bộ trưởng đã đến thăm, tặng quà làng văn hoá Nhă, xã Ia Balang, huyện Chư Sê.

Theo Báo Văn Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×