Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Bộ VHTTDL làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Cần chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa

13/05/2016 | 17:37

Chiều ngày 12.5.2016, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại đây, Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến công tác xây dựng thiết chế văn hóa tại Thừa Thiên Huế để phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế của địa phương về văn hóa-du lịch.



Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ VHTTDL có Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng đại diện lãnh đạo các Tổng cục TDTT, Tổng cục Du lịch, Văn phòng Bộ, các Cục Di sản văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn, Văn hóa cơ sở và các Vụ TCCB, KHTC, Đào tạo, Văn hóa dân tộc. Phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng Giám đốc Sở VHTTDL, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các ban, ngành đã nêu nhiều kiến nghị với các cơ quan thuộc Bộ. Về vấn đề tu bổ di tích, tỉnh kiến nghị Bộ có các giải pháp phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Thông tư liên tịch để thực hiện tốt Nghị định số 70/2012/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự thủ tục lập phê duyệt quy hoạch, dự toán bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng công trình xây dựng; phân công, ủy quyền cho tỉnh thẩm định phê duyệt một số công trình có kiến trúc đơn giản như tu bổ kè, tường thành, hạ tầng kỹ thuật, tôn tạo cảnh quan… Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng: Hệ thống di sản Huế có rất nhiều dự án tu bổ, tôn tạo di tích, nếu tất cả các dự án lớn nhỏ đều phải phụ thuộc vào Bộ Xây dựng thì rất khó cho các đơn vị quản lý di tích, hay các địa phương có di tích. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, mới đây Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét để giải quyết; trước đó Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản gửi trực tiếp đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng để kiến nghị giảm bớt các thủ tục trong trùng tu di tích. Ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng: Luôn ủng hộ việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong địa bàn khu di tích Huế. Nguồn thu từ bán vé tham quan và nguồn thu từ kinh doanh dịch vụ ở đây vẫn còn chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, việc mở rộng dịch vụ vẫn luôn phải đảm bảo hài hòa với việc gìn giữ và bảo vệ di tích.
 
Về chủ trương thành lập Học viện Du lịch Huế dựa trên cơ sở tổ chức lại Trường CĐ Nghề Du lịch Huế (đơn vị thuộc Bộ) và Khoa Du lịch- Đại học Huế, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và nhiều đại biểu trong đoàn công tác của Bộ đã đồng thuận với kiến nghị này. Bộ trưởng yêu cầu địa phương cần nghiên cứu kỹ và có kế hoạch lập đề án cho vấn đề này để có hướng thực hiện cụ thể. Theo đại diện của Tổng cục Du lịch, trong quy hoạch về phát triển du lịch quốc gia 2020-2030 thì Thừa Thiên Huế thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, và Huế là điểm đến chiến lược của du lịch vùng này. Hiện cả nước chưa có một trường Đại học chuyên về du lịch nào - chỉ có trường Cao đẳng Du lịch; nên việc tiến tới thành lập một Học viện Du lịch tại Huế là điều cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho khu vực du lịch Bắc Trung Bộ, và mở rộng ra miền Trung-Tây Nguyên…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý ngành du lịch địa phương cần chú ý đến công tác quảng bá, giới thiệu điểm đến, các sản phẩm du lịch… Thừa Thiên Huế nên hướng tới khách du lịch Tây Âu và vùng Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và du khách quốc tế đến Huế thường là những người có điều kiện, , địa phương nên quan tâm vào chất lượng du khách, không nên chạy theo vào số lượng.

Về kiến nghị cho phép nghiên cứu điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, nhất là các khu vực trong Quần thể di tích Cố đô Huế có nhiều dân cư, Bộ trưởng cũng đồng tình cho rằng: “Cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có đề án, kế hoạch cụ thể. Đây là vấn đề được nhiều người dân và cử tri quan tâm trong các kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ vừa qua”. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng: Huế là địa phương có thế mạnh về văn hóa- du lịch nhưng suốt mấy chục năm qua vẫn chưa có một nhà hát xứng tầm, còn bảo tàng lịch sử- cách mạng thì đang “ở tạm”. Thế nên, chính quyền cũng quan tâm để có hướng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa nói trên; tìm địa điểm mới cho bảo tàng. Song song với việc chú trọng đến thiết chế văn hóa, địa phương cũng cần quan tâm đến công tác xây dựng nếp sống văn minh ở các khu dân cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm ngăn ngừa các tệ nạn, đẩy lùi sự xuống cấp về văn hóa…

Riêng vấn đề triển khai dự án Nhà hát Sông Hương nằm trong khuôn viên số 01 Lê Lợi - của Học viện Âm nhạc Huế (đơn vị thuộc Bộ), thì Bộ luôn đốc thúc thực hiện. Kinh phí về đền bù cho các hộ dân, Bộ đã thực hiện; vì thế đề nghị địa phương hỗ trợ thực hiện việc giải phóng mặt bằng để nhanh chóng khởi công xây dựng.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×