Bình Phước: Đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi
08/05/2025 | 16:12UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Lao Động
Kế hoạch nhằm tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đọc; đặc biệt là hình thành thói quen đọc, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi tỉnh nhà.
Để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động thư viện lưu động, luân chuyển, cung cấp tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện, sản phẩm, dịch vụ thư viện phục vụ thiếu nhi, nhất là thiếu nhi ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đồng thời xây dựng, phát triển mô hình không gian đọc sách ngoài thư viện, trong khuôn viên trường tiểu học, trung học cơ sở thân thiện với môi trường, trang trí phù hợp với sở thích của thiếu nhi; tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn thư viện trường tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn theo Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT ngày 22/11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.
Cùng với đó, thường xuyên cập nhật, bổ sung tài nguyên thông tin, nhất là tài nguyên thông tin số phục vụ thiếu nhi; rà soát, đổi mới sắp xếp, trang trí không gian, phòng đọc tại Thư viện tỉnh, Thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ lứa tuổi thiếu nhi. Thư viện tỉnh có phòng đọc cho thiếu nhi và khu vực bố trí tài nguyên thông tin dành riêng cho thiếu nhi được củng cố, cập nhật, phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế.
Tổ chức các hoạt động khuyến đọc, hình thành và phát triển thói quen đọc cho thiếu nhi thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức tiết đọc sách và hướng dẫn kỹ năng đọc, tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi tại thư viện trường học, Thư viên tỉnh lưu động (sắp xếp linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục khác); tổ chức ngày đọc sách, tuần đọc sách theo chủ đề; thi kể chuyện theo sách, viết về sách, thi "đại sứ văn hóa đọc"; tổ chức không gian trưng bày sách chuyên đề phục vụ thiếu nhi trong các sự kiện chính trị, văn hóa, các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hàng năm.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển, nhân rộng mô hình tủ sách gia đình có nguồn tài nguyên thông tin phù hợp với thiếu nhi; Từng bước xây dựng, hình thành và phát triển mô hình hoạt động thư viện phù hợp phục vụ thiếu nhi khuyết tật; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác thư viện cho người làm công tác thư viện trên địa bàn tỉnh, nhất là kỹ năng hướng dẫn thiếu nhi đọc sách, tiếp cận và xử lý thông tin.
Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng, phát triển văn hóa đọc, nhất là xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, giải pháp phong phú, đa dạng, trong đó chú trọng truyền thông nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình tiên tiến trong trong xây dựng văn hóa đọc.
Tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đọc, chuyển đổi số thư viện, dự trữ, bố trí quỹ đất cho hệ thống thư viện công, đầu tư cơ sở vật chất theo quy định, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác thư viện… Trong đó, chú trọng trang bị các phương tiện hiện đại, tài nguyên thông tin số phục vụ thiếu nhi theo đúng quy định./.