Bình Phước đẩy mạnh công tác GDTC và hoạt động TDTT trong trường học
30/10/2024 | 15:16Cùng với việc triển khai tốt các nhiệm vụ năm học, công tác giáo dục thể chất (GDTC) và hoạt động TDTT trong trường học được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Phước quan tâm, phát triển. Qua đó, giúp học sinh hình thành thói quen tập luyện TDTT để nâng cao thể lực, sức khỏe và phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ.
Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai
Thực hiện chỉ đạo của ngành GDĐT tỉnh Bình Phước, trong những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh luôn tổ chức, thực hiện chương trình môn học GDTC đảm bảo thời lượng 2 tiết/tuần theo quy định của Bộ GDĐT. Các nội dung môn học GDTC phù hợp với lứa tuổi học sinh và được tổ chức với hình thức phong phú. Và để tạo sự hứng thú, yêu thích cho học sinh, sinh viên khi tham gia giờ học thể dục, toàn ngành GDĐT tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh - sinh viên. Sự sáng tạo, đổi mới trong phương pháp giảng dạy đã giúp cho môn học GDTC không bị nhàm chán mà trái lại trở thành môn học được học sinh yêu thích và chờ đợi, giúp cho quá trình học tập của học sinh bớt căng thẳng, áp lực.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tổ chức các hoạt động thể thao gắn liền với nội dung môn học GDTC; đa dạng hóa các hình thức vận động, khuyến khích học sinh tích cực, chủ động tham gia rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất; duy trì việc tập luyện thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, dạy các bài võ Cổ truyền, Vovinam, Taekwondo, Karatedo... Các CLB TDTT trong các trường học được khuyến khích thành lập và không ngừng gia tăng về số lượng. Trong đó, tập trung ở một số môn thể thao được học sinh yêu thích tập luyện như: Bơi, cầu lông, Bóng đá, Bóng rổ…
Các CLB TDTT trong trường học hoạt động hiệu quả và luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh và phụ huynh. Các trường học cũng tăng cường tổ chức các giải thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ - thể thao, qua đó tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên được thường xuyên tham gia tập luyện, thi đấu nhằm duy trì, nâng cao sức khỏe, thể lực phục vụ tốt lao động, học tập.
Cùng với các giải pháp trên, ngành GDĐT tỉnh cũng đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy môn GDTC đảm bảo về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Theo đó, cán bộ, giáo viên, cán bộ phụ trách công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trọng tài do ngành VHTTDL tỉnh tổ chức.
Đặc biệt, để công tác GDTC và đảm bảo tổ chức các hoạt động TDTT trong trường học, các trường học trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dụng cụ dạy và học môn GDTC. Ngoài kinh phí nhà nước, việc huy động xã hội hóa trong các cơ sở giáo dục cũng được triển khai thực hiện và bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Từ đó, nhiều dụng cụ, thiết bị tập luyện TDTT trong trường học được các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư tài trợ; các CLB TDTT trong trường học đều được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa từ sự đóng góp của phụ huynh.
Trong năm học 2023-2024, các trường học trên địa bàn tỉnh đã bám sát các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra. Trong đó, tập trung tăng cường công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; phòng chống dịch bệnh, đuối nước; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể thao học sinh gắn với nội dung môn học GDTC và thành lập các đội tuyển thể thao học sinh của tỉnh tham gia Hội khỏe Phù Đổng các cấp lần thứ X năm 2024…
Với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, đến nay 100% trường học trên địa bàn tỉnh đảm bảo giảng dạy chương trình GDTC nội khóa; 86% số trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa với hình thức phong phú, đa dạng. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, khu vực IV được tổ chức tại Đắk Lắk đoàn thể thao học sinh Bình Phước giành 1 HCV, 2 HCB xếp thứ 8/13 đoàn tham dự. Tại VCK Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc được tổ chức tại Hải Phòng, các VĐV Bình Phước đã giành được 2 HCV, 12 HCB và 6 HCĐ.
Có thể khẳng định, hoạt động GDTC và thể thao trong trường học trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực vào việc rèn luyện thể chất, tinh thần cho học sinh. Qua đó, hình thành thói quen tập luyện TDTT trong học sinh cũng như các kỹ năng cần thiết giúp học sinh phát triển toàn diện. Thông qua các hoạt động TDTT còn tạo cơ hội cho các học sinh nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học môn GDTC
Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác GDTC và thể thao trong trường học đối với sự phát sự nghiệp phát triển TDTT của tỉnh, trong kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 70/KL-TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, Bình Phước đã đặt ra những chỉ tiêu cụ thể về TDTT trường học. Cụ thể, số trường cao đẳng, trung cấp và dạy nghề thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa đến năm 2025 đạt tỷ lệ 90%; đến năm 2030 đạt tỷ lệ 95% và đến năm 2035 đạt tỷ lệ trên 95%.
Phấn đấu đến năm 2025 có trên 90%, năm 2030 đạt 98% và đến năm 2035 đạt trên 98% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; 100% số trường bậc phổ thông có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT.
Thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2025 đạt từ 75% - 80%, đến năm 2030 đạt từ 85% - 90% và đến năm 2035 đạt trên 90% tổng số trường bậc phổ thông các cấp. Số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2025 đạt 90%; đến năm 2030 đạt trên 95% tổng số học sinh bậc phổ thông các cấp và đến năm 2035 phấn đấu đạt thêm 1% so với năm 2030.
Để hoàn thành được các mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra, trong đó cần đổi mới, nâng cao chất lượng GDTC và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, giảng viên cho các cấp học, trình độ đào tạo và nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi, thể dục thể thao trường học.
Phát triển phong trào TDTT trường học gắn với việc nâng cao chất lượng GDTC, nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện đồng thời góp phần phát hiện đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao cho tỉnh nhà. Do đó, cần ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa; tăng cường chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho thể thao trường học. Phong trào thể thao trường học cần phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hơn nữa. Tổ chức lớp năng khiếu thể thao ở những trường phổ thông có đủ cơ sở vật chất, có đội ngũ giáo viên đủ trình độ để huấn luyện các môn thể thao, bảo đảm cho học sinh vừa học kiến thức văn hóa vừa tập luyện thể thao nhằm phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, bổ sung lực lượng vận động viên cho thể thao thành tích cao...