Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 

20/09/2018 | 08:41

Tối 19/9, Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 đã diễn ra tại sân khấu Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An trong niềm vui chung và niềm tin lớn vào sự phát triển của nghệ thuật cải lương nước nhà.


Diễn ra vào đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, Liên hoan Cải Lương toàn quốc 2018 quy tụ 32 vở diễn của 25 đơn vị nghệ thuật cải lương tiêu biểu, trong đó có 17 đơn vị nghệ thuật công lập, và 8 đơn vị được tổ chức hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Trong bối cảnh sân khấu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc các đơn vị đã vượt qua những khó khăn về tập hợp lực lượng, huy động được tài chính để dàn dựng vở và biểu diễn dự thi là một sự cố gắng lớn lao, đáng trân trọng. Sự cố gắng và nỗ lực của các đoàn nghệ thuật đã được đền đáp bằng sự ủng hộ của đông đảo khán giả khi tất cả các buổi tối khán giả đều chật kín rạp, Ban Tổ chức phải điều động thêm ghế phụ.

Ông Phạm Văn Rạnh – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, trao giải Huy chương Vàng cho các vở diễn. Ảnh: Hương Giang

Đánh giá về chất lượng của Liên hoan, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cho biết: Do không khống chế nên đề tài và nội dung của 32 vở diễn khá đa dạng, bao gồm đề tài chiến tranh cách mạng; đề tài về những vấn đề xã hội và gia đình; xây dựng Đảng; đề tài nông nghiệp nông thôn; đề tài về thân phận buồn thương; đề tài tôn giáo…Dường như nhiều mặt của cuộc sống từ xa xưa đến hôm nay được hiện diện trên sân khấu của 32 vở diễn với những góc nhìn và phương thức tiếp cận khác nhau, nhưng không dừng lại chỉ ở “duy cảm” tự thân cải lương, mà đã có sự cân nhắc của lý trí (“duy lý”) và hướng đến “duy mỹ” (cái đẹp) cho nghệ sĩ và khán giả. 

Ở Liên hoan lần này, một số vở diễn đã dùng màn hình led để mở rộng không gian, tăng thêm yếu tố minh họa; trang trí mỹ thuật đa dạng về phong cách.

Ông Trần Văn Cần – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh và ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan trao Huy chương Bạc cho các vở diễn. Ảnh: Hương Giang

Tuy nhiên, bên cạnh các thành công, NSƯT Lê Chức cũng thẳng thắn chỉ ra ở liên hoan lần này chưa có nhiều kịch bản mới sáng tác, hoặc viết trực tiếp cho loại hình, vẫn phải dựa vào số kịch bản đã có từ khá lâu, được chuyển thể. Số lượng các vở diễn phục dựng lại chiếm số lượng không nhỏ. Thiếu vắng trên sân khấu những kịch bản lớn, xứng tầm với tư tưởng và thời đại hôm nay. Sân khấu Cải lương cần nhiều hơn, cấp thiết hơn sự xuất hiện và khẳng định mình của lực lượng đạo diễn chuyên ngành có kiến thức tổng hợp, chuyên sâu, có tâm huyết và trách nhiệm nghề nghiệp để có sự bứt phá trong tư duy đổi mới cách tân, kịp với sự phát triển tâm lý con người trong đời sống và sinh hoạt hôm nay.  

Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ. Ảnh: Hương Giang

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 49 Huy chương Vàng, 66 Huy chương Bạc cho cá nhân các nghệ sĩ; trao Huy chương Vàng cho 6 vở diễn, trao Huy chương Bạc cho 7 vở diễn.

Cụ thể, 06 vở diễn đã được trao Huy chương Vàng gồm các vở: Chiếc áo thiên nga (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Kiếp tằm (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh), Tổ quốc nơi cuối con đường (Nhà hát Thế giới trẻ - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh), Hiu hiu gió bấc (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Cuộc đời của mẹ (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An), Bão táp một vương triều (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai).

07 vở diễn đạt Huy chương Bạc: Phù sa đỏ (Đoàn Văn công Quân khu 9), Hồn của đá (Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc), Những tấm lòng vàng (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Bão dậy trời Long Hưng (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang), Cánh buồm ngược gió (Nhà hát Tây Đô), Người đồng bằng (Đoàn Văn công Đồng Tháp), Nỗi niềm sau cuộc chiến (Chi hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh Cà Mau).

NSƯT Lê Chức - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật trao thưởng cho các thành phần sáng tạo xuất sắc. Ảnh: Hương Giang

Bên cạnh đó, Liên hoan cũng vinh danh các cá nhân đạt giải xuất sắc dành cho các thành phần sáng tạo: Tác giả xuất sắc: Hoàng Song Việt - NSƯT Triệu Trung Kiên với vở diễn Cuộc đời của mẹ – Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An; Đạo diễn xuất sắc: NSND Hoàng Quỳnh Mai với vở diễn Chiếc áo thiên nga – Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhạc sĩ xuất sắc: nhạc sĩ Minh Tâm với vở diễn Hiu hiu gió bấc – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Họa sĩ xuất sắc: họa sĩ Trần Hồng Vân với vở diễn Tình yêu thời chiến – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Tiết mục biểu diễn tại Lễ Bế mạc. Ảnh: Hương Giang

Đặc biệt, điểm nhấn của Lễ bế mạc Liên hoan là chương trình nghệ thuật “Tài danh hội tụ” gồm các tiết mục ca cổ, tân cổ giao duyên đặc sắc do nhiều nghệ sĩ các thế hệ của cả hai miền Nam – Bắc thể hiện: NSND Thanh Hương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quế Trân, NSƯT Vũ Luân, NSƯT Hồng Thắm… nhằm vinh danh các thế hệ nghệ sĩ cải lương và đưa nghệ thuật cải lương đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật./.

Thanh Tâm

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×