Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bế mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020

06/10/2020 | 14:24

Tối ngày 5/10, tại Nhà hát Chèo Việt Nam đã diễn ra Bế mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc -2020.

Tới dự Lễ bế mạc có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; ông Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung Ương; Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan Ban, Ngành thành phố Hà Nội; lãnh đạo các Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Hội đồng giám khảo; Ban Tổ chức và đông đảo nghệ sĩ của các đơn vị tham dự Cuộc thi.

Bế mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ Bế mạc

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang đông khẳng định: "Cuộc thi lần này thực sự là một ngày hội của các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc trên cả nước với sự tham gia của 35 đơn vị với 276 tiết mục cùng sự tham gia của gần 700 nghệ sỹ. Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Cuộc thi của chúng ta đã diễn ra một cách an toàn tuyệt đối và thành công, đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp thêm động lực sáng tạo với các nghệ sỹ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung, nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc nói riêng". Thứ trưởng cũng ghi nhận và biểu dương sáng kiến của Cục Nghệ thuật biểu diễn khi tổ chức thực hiện được việc ghi hình phát trực tiếp tất cả các chương trình, tiết mục của các đơn vị tham gia dự thi trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam để đông đảo nghệ sỹ và khán giả cùng thưởng thức. Tính đến ngày cuối cùng của Cuộc thi, Ban Tổ chức đã thống kê được gần 60 nghìn lượt truy cập, một con số thực sự ấn tượng.

Bế mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa và bằng khen cho các đơn vị đoạt giải

Đánh giá chất lượng Cuộc thi, NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: "Mỗi cuộc thi đều có mục đích, chủ trương nhằm phù hợp thực tế và khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Vì vậy đối với các nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật, các đạo diễn, chỉ huy dàn dựng cần nghiên cứu kỹ các quy chế, quy định được đưa ra của BTC, xác định rõ, tránh sự nhầm lẫn, hoặc sai lầm trong cách đầu tư xây dựng chương trình, tiết mục. Cuộc thi độc tấu, hòa tấu lần này nhằm phát hiện, ghi nhận và tôn vinh những tài năng cá nhân, những tập thể dàn nhạc dân tộc là những người trực tiếp tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc trên sân khấu mặc dù để có được mỗi tiết mục hay một phần trình diễn thì đều có sự kết hợp cộng hưởng từ nhiều yếu tố sáng tạo khác mới có thể thành công…

Bên cạnh một số đơn vị đã mạnh dạn khai thác kết hợp nhiều yếu tố kỹ thuật, yếu tố trình diễn khác tạo nên những hiệu quả mạnh mẽ cho phần trình diễn thì vẫn có những đơn vị mới chỉ tận dụng những sản phẩm đã có mà ít đầu tư dàn dựng mới hoặc chưa khai thác phát huy những thế mạnh của nghệ sĩ hoặc phong cách thể hiện mới cho hấp dẫn hơn. Hoặc cũng có những đơn vị lại áp dụng "quá liều" các nhạc cụ điện tử hoặc sử dụng quá mạnh về cường độ kỹ thuật làm thay đổi tính chất của những cây nhạc cụ dân tộc và làm giảm hiệu quả của phần trình diễn của nghệ sĩ.

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao các giải Nhất, Nhì, Ba và các giải thưởng khác cho các tiết mục xuất sắc.

Bế mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020 - Ảnh 3.

Một tiết mục tại Cuộc thi

Theo nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó trưởng ban tổ chức: Cuộc thi ngoài ý nghĩa góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc dân tộc, đặc biệt là âm nhạc trong đồng bào dân tộc thiểu số thì đây cũng là sân chơi rất đặc thù cho những người nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Cứ mỗi đợt tổ chức cuộc thi là một lần các đoàn dốc sức đầu tư kỹ lưỡng từ tập luyện đến dàn dựng tiết mục, điều này đã nâng cao tính chuyên nghiệp và tạo động lực cho âm nhạc dân tộc phát triển.

“Tôi tin chắc rất nhiều chương trình dự thi lần này nếu mang đi biểu diễn sẽ vô cùng thu hút, lôi cuốn, đặc biệt là với khách quốc tế. Những âm thanh thấm đẫm hồn dân tộc của các nhạc cụ truyền thống qua sự thể hiện đầy thăng hoa của nghệ sĩ sẽ tạo nên những dấu ấn đẹp đối với công chúng”, nhạc sĩ Đức Trịnh nói.

Không chỉ đơn thuần để dự thi, sau cuộc thi các tiết mục sẽ được các đoàn tiếp tục mang đi biểu diễn phục vụ công chúng. Tính chất vùng miền trong mỗi tiết mục sẽ giúp công chúng cảm nhận và hiểu hơn về âm nhạc dân tộc, từ đó góp phần giữ gìn, bảo tồn các loại hình âm nhạc truyền thống của địa phương, dân tộc./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×