Bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số
06/12/2010 | 00:38(VP)- Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện chương trình bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống.
Sau 10 năm thực hiện chương trình bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống, đến nay, cả nước đã có 20 làng, bản, buôn của 15 dân tộc (S’Tiêng, Chăm, Ba Na, K’Ho, M’Nông, Ê đê, Vân Kiều, Khơ Mú, Mường, Thái, Tày, Dao, Lô Lô, Mông, Khmer) thuộc 20 tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, và trở thành những “bảo tàng sống” về văn hoá các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, với một quốc gia có tới 54 dân tộc anh em sinh sống trên hàng ngàn thôn, bản, buôn thì con số trên còn khá khiêm tốn.
Một thoáng Chăm ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xung quanh việc bảo tồn làng, bản, buôn… truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số vẫn còn một số trở ngại, khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Do vậy, để công tác bảo tồn làng, bản, buôn… truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện một cách có hiệu quả, thiết thực hơn, trong thời gian tới, cần có cơ chế, chính sách phù hợp đồng thời cho phép đồng bào các dân tộc thiểu số (cộng đồng chủ thể văn hoá) được tham gia thực hiện và hưởng lợi từ những kết quả do dự án mang lại, đảm bảo công tác bảo tồn làng, bản, buôn… truyền thống thực sự tạo ra sự phát triển một cách bền vững.
HCTC