Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả

08/10/2021 | 08:59

Trong những năm qua, trước những yêu cầu ngày càng cao của xã hội về hoạt động bảo tàng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chỉ đạo kịp thời, nhằm từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo tàng và di tích.

Nhờ đó, từ năm 2017, hoạt động của hệ thống bảo tàng, di tích trực thuộc Bộ đã có những chuyển động tích cực, khởi sắc hơn trước. Song, có lẽ, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bảo tàng phải là quá trình thường xuyên, liên tục, là nhu cầu tự thân đối với hoạt động bảo tàng và là mục tiêu mà các bảo tàng luôn hướng đến. Vì vậy, làm thế nào để có thể nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động là vấn đề luôn được suy nghĩ, trăn trở đối với mỗi bảo tàng trong quá trình hoạt động của mình.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập năm 2011 trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, vốn là những bảo tàng có bề dày hoạt động thành công và được thừa kế cơ cở vật chất ưu việt mà không phải bảo tàng nào ở Việt Nam có được, đó là: khối tài liệu, hiện vật quý hiếm, có giá trị, những tòa kiến trúc do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, trải qua thời gian tồn tại lâu dài đã cho thấy những giá trị về nghệ thuật kiến trúc phong cách Đông Dương hết sức độc đáo, ngày nay đã trở thành điểm nhấn đặc biệt trong diện mạo kiến trúc cổ của Hà Nội, thu hút công chúng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới về phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp, nhất là về cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động bảo tàng như: không gian chật hẹp (hệ thống trưng bày, kho hiện vật, tư liệu…), hệ thống hạ tầng xuống cấp, lạc hậu (tòa nhà dột, mốc; ánh sáng, điều hòa, bãi đỗ xe, khu vệ sinh…). Trước thực trạng đó cũng như để kịp thời đáp ứng những yêu cầu phát triển đất nước, năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới ở một vị trí khác với quy mô to lớn, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại. Theo đó, Bảo tàng cần tập trung xây dựng Bảo tàng mới, 2 cơ sở Bảo tàng hiện tại được xác định chỉ duy trì hoạt động theo hiện trạng, nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế đầu tư lớn, tập trung. Tuy nhiên, trên thực tế, sau nhiều năm giãn tiến độ, đến thời điểm này, việc xây dựng bảo tàng mới là chưa thể, trong khi đó, với vị trí, vai trò là bảo tàng đầu hệ trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay vẫn phải tiến hành các hoạt động bình thường đáp ứng các yêu cầu chính trị, xã hội, chuyên môn ngày càng cao, lĩnh vực hoạt động ngày càng rộng… đã trở thành những thách thức Bảo tàng phải đối mặt và tập trung giải quyết. Trong bài viết này, trên cơ sở nghiên cứu điều kiện thực tiễn, xu thế phát triển của bảo tàng và thực trạng hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay, tôi xin nêu một vài suy nghĩ, với một số công việc và giải pháp trước mắt, mong muốn từng bước nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả hoạt động Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Những định hướng lâu dài, mang tính chiến lược cho sự phát triển của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần có thêm thời gian, trên cơ sở thực tiễn hoạt động với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và ý kiến của chuyên gia, các nhà quản lý, để xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tàng, góp phần cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Một số giải pháp cụ thể

- Công tác tổ chức sắp xếp nhân sự: Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp vị trí việc làm hợp lý theo chủ trương và lộ trình, nâng cao trình độ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cán bộ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên gia là yêu cầu bắt buộc, theo phương châm mỗi cán bộ “giỏi một việc nhưng biết nhiều việc”; từng bước kiện toàn, định hướng xây dựng đội ngũ chuyên gia về các lĩnh vực như khảo cổ học, bảo quản, trưng bày, giáo dục… Đặc biệt, sau khi sáp nhập từ 6 phòng thành phòng Hành chính tổng hợp với số lượng cán bộ đông, nhất là cán bộ quản lý đã dẫn đến khá nhiều bất cập trong quản lý và điều hành công việc. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác phân công, kiểm tra, giám sát các tổ, nhóm, bộ phận, vào việc một cách tích cực, chủ động trong từng mảng công việc rõ ràng.

- Công tác hành chính, an ninh, an toàn: Trước hết, cần tập trung vào việc chỉnh trang, nâng cấp khuôn viên bảo tàng khang trang sạch, đẹp. Theo đó, trước mắt, phối hợp cùng phòng Trưng bày, phòng Bảo quản thực hiện việc chỉnh lý, nâng cấp hệ thống trưng bày ngoài trời, đặc biệt là khu vực phía Đông, nhằm phát huy giá trị các hiện vật trưng bày về văn hóa Champa được hiệu quả hơn đồng thời tạo thành thể thống nhất hai khu vực trưng bày ngoài trời phía Đông và Tây sao cho ấn tượng, hấp dẫn khách tham quan hơn nữa.

Đồng thời sắp xếp vị trí, ổn định cơ sở làm việc cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm bảo khoa học, phù hợp hơn nhằm tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát và phối hợp thực hiện công việc của cán bộ các phòng, ban chuyên môn đảm bảo hiệu quả.

Công tác an ninh, an toàn đã được thực hiện khá tốt trong thời gian qua cần được duy trì, phát huy hơn nữa đồng thời sớm lập kế hoạch, giải pháp khắc phục khó khăn cho lực lượng bảo vệ, đặc biệt là bảo vệ hệ thống trưng bày thông qua phối hợp, tăng cường các biện pháp bảo vệ bằng thiết bị an ninh và tinh thần, trách nhiệm của từng cá nhân thực hiện nhiệm vụ.

- Công tác hợp tác quốc tế: Với vai trò là cầu nối giữa hệ thống bảo tàng Việt Nam với các cơ quan, bảo tàng khu vực và thế giới trong các lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, do vậy, hợp tác quốc tế trở thành thế mạnh của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trên nhiều lĩnh vực.  Trong quá trình nỗ lực hoạt động, đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có quan hệ hợp tác thường xuyên với khoảng hơn 30 tổ chức, viện nghiên cứu, bảo tàng thuộc nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có nhiều đối tác trong các hợp tác dài hạn, với nhiều nội dung phong phú thuộc các lĩnh vực bảo tàng học khác nhau, đạt hiệu quả cao cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, lưu giữ và phát huy di sản văn hóa. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, trong điều kiện khách quan, chủ quan có nhiều khó khăn, nhất là tình hình dịch bệnh Covid - 19 đang lây lan, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hợp tác quốc tế. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiều chương trình hợp tác quốc tế sẽ tạm dừng như: Chương trình khai quật di tích tiền sơ sử với Viện Khảo cổ học Tứ Xuyên (Trung Quốc); nghiên cứu và khai quật 10 thế kỷ đầu Công nguyên với Đại học Đông Á (Nhật Bản); nghiên cứu di sản văn hóa biển với Viện Di sản văn hóa Biển (Hàn Quốc); nghiên cứu, khai quật di chỉ gốm sứ Hải Dương với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc; trưng bày di sản văn hóa Champa với Bảo tàng Quốc gia Malaixia; trưng bày gốm sứ Việt Nam với Bảo tàng Guangzju…

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả - Ảnh 1.

Chuyên gia Nhật Bản tu bổ, bảo quản tương phật tại BTLSQG trong khuôn khổ dự án do quỹ Sumitomo tài trợ

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả - Ảnh 2.

Cán bộ BTLSQG làm việc cùng chuyên gia Nhật tu bổ tượng phật trong khuôn khổ dự án do quỹ Sumitomo tài trợ

Hơn nữa, trong quá trình hoạt động thực tiễn cũng cho thấy những hạn chế, đó là, hoạt động hợp tác quốc tế chưa được triển khai đồng bộ do thiếu sự đầu tư và chủ động kinh phí từ phía Việt Nam. Trước thực trạng đó, Bảo tàng cần xác định các hoạt động phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn như: tập trung vào thực hiện các chương trình nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện làm nền tảng khoa học vững chắc cho các hoạt động hợp tác khi được kết nối trở lại đạt hiệu quả, chất lượng cao và tiếp tục tham dự các hội nghị, hội thảo không thể hoãn, hủy (với điều kiện chi phí từ phía đối tác, tiết kiệm chi từ ngân sách, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả hợp tác); duy trì và tiếp tục chương trình hợp tác với Viện nghiên cứu di sản văn hóa Biển Hàn Quốc, đó là hợp tác chiến lược, sẽ là cơ sở để Bảo tàng xây dựng mô hình nghiên cứu di sản biển ở Việt Nam, vốn còn nhiều hạn chế đối với một quốc gia biển đảo như nước ta và cũng là điều vô cùng cần thiết với Bảo tàng, khi phải đối mặt với những vấn đề liên quan tới di sản văn hóa biển. Đồng thời, Bảo tàng cũng cần sớm tiếp cận, tận dụng thời cơ, khai thác sự hỗ trợ từ các dự án của Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để mở rộng lĩnh vực hoạt động, phát triển hơn nữa xứng tầm với vị trí, vai trò và tiềm năng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

- Công tác nghiên cứu, sưu tầm được coi là thế mạnh của Bảo tàng Lịch sử quốc gia với phương thức sưu tầm thông qua trao đổi, chuyển nhượng, hiến tặng, nghiên cứu, khai quật khảo cổ học. Trong đó, khai quật khảo cổ học Bảo tàng Lịch sử quốc gia là điểm đặc thù so với hệ thống bảo tàng Việt Nam và có điểm khác biệt với 3 trung tâm nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam, đó là thông qua thực hiện khai quật khảo cổ học với mục tiêu chính là phục vụ nghiên cứu, sưu tầm hiện vật phục vụ trưng bày, phát huy giá trị ở trong và ngoài nước, đồng thời góp phần nghiên cứu những vấn đề cơ bản, mang tính thời sự của khảo cổ học Việt Nam đặt ra về các thời đại, thời kỳ, các nền văn hóa hay các nhân vật, sự kiện lịch sử cũng như phục vụ các dự án trùng tu, tôn tạo di tích…

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả - Ảnh 3.

Khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả - Ảnh 4.

Xử lý hố khai quật di tích Báo Ân thời Trần

Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, công tác nghiên cứu, sưu tầm vẫn tiếp tục bám sát mục tiêu trên, với việc phối hợp, hợp tác thực hiện các chương trình khảo sát, khai quật về gốm sứ, kiến trúc, di sản văn hóa biển, đảo. Đặc biệt, ưu tiên mở rộng hợp tác quốc tế, hướng tới quy trình nghiên cứu, khai quật, chỉnh lý, in ấn công bố, trưng bày, hội thảo… Thông qua nghiên cứu, khai quật, là cơ sở để các cán bộ Bảo tàng xây dựng các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Viện, làm tiền đề cho việc xuất bản các ấn phẩm, những sách công cụ, chuyên khảo, catalogue…như đã từng được đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao bởi hàm lượng khoa học và hình thức phong phú, đẹp mắt. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên môn được đào tạo, rèn luyện thực tế, thu được nhiều kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực liên quan trong quá trình tác nghiệp, làm cơ sở nền tảng hình thành đội ngũ chuyên gia cho Bảo tàng. Đây cũng là những thành quả độc đáo, có giá trị mà không phải bảo tàng, hay trung tâm khảo cổ nào ở Việt Nam cũng có được. Vì vậy, đó là hướng đi mà Bảo tàng cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả - Ảnh 5.

Tương Tu sĩ, khai quật di tích tháp Mẫm, 2014

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả - Ảnh 6.

Tượng Garuda, di tích tháp Mẫm, Bình Định, khai quật 2014

Một trong những công việc thực hiện khá thường xuyên trong những năm qua, đó là việc tiến hành sưu tầm tài liệu, hiện vật, đặc biệt thông qua hình thức chuyển nhượng từ các sưu tập tư nhân. Tuy nhiên, do điều kiện đầu tư kinh phí hạn chế, hình thức sưu tầm này sẽ tạm dừng, do đó, Bảo tàng cần chú trọng thực hiện sưu tầm từ nguồn từ hiến tặng, xã hội hóa, nhằm làm phong phú hơn các sưu tập bảo tàng. Đồng thời, vẫn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị tư liệu, xây dựng kế hoạch sưu tầm theo phương thức chuyển nhượng, bởi trong thực tế, thực hiện phương thức này thì mới có thể đảm bảo tính chủ động, đáp ứng, đảm bảo mục tiêu bảo tàng đặt ra. 

Để kịp thời đáp ứng cho việc chỉnh lý, đổi mới hệ thống trưng bày, công tác sưu tầm cần được đẩy mạnh hơn nữa, trên cả hai giai đoạn lịch sử cổ trung đại và lịch sử cận hiện đại. Đề cương và đối tượng sưu tầm cần phải thực hiện trên cơ sở đề cương chỉnh lý trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Từ thực tiễn và kinh nghiệm chỉnh lý của bảo tàng trong những năm qua cho thấy, mặc dù Bảo tàng hiện nay lưu gữ hơn 200.000 ngàn tài liệu, hiện vật nhưng lại trùng lặp loại hình, thiếu vắng hiện vật phản ánh nhiều giai đoạn, chủ đề, vấn đề quan trọng, đặc biệt là trong điều kiện cùng một thời điểm tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề trong và ngoài nước. Vì vậy, việc sưu tầm tài liệu, hiện vật bằng các phương thức khác nhau luôn là vấn đề cần được tập trung thực hiện.

- Công tác quản lý hiện vật, tư liệu:

+ Quản lý hiện vật: Trước hết, cần phải tập trung thực hiện sắp xếp hiện vật, vệ sinh sạch sẽ kho tàng đảm bảo môi trường ổn định cho hiện vật, đặc biệt là các kho lưu giữ hiện vật chất liệu hữu cơ.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, việc quản lý hiện vật tiếp cận xu thế hiện đại, tư liệu hóa, số hóa còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, trước mắt cần khắc phục, hoàn thiện việc thống nhất về nội dung lịch sử, hệ thống phích phiếu, hồ sơ khoa học hiện vật, đồng thời, chỉnh trang, sắp xếp, lên phương án mở rộng diện tích kho Hữu cơ, đảm bảo quản lý khoa học, môi trường bảo quản an toàn cho hiện vật, từng bước cải tạo, nâng cấp hệ thống kho cơ sở 25 Tôn Đản trong điều kiện kinh phí dự án.

Song song là việc tiếp tục hoàn thiện phần mềm, nhập dữ liệu thông tin và ảnh; tổ chức giám định bổ sung hồ sơ khoa học các sưu tập hiện vật chất liệu hữu cơ, kho kim loại phục vụ công tác tra cứu và trưng bày; nghiên cứu đánh giá, đề xuất bổ sung hiện vật còn thiếu; nghiên cứu, lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ, xây dựng địa hình, trước hết là các kho: gốm Việt Nam, gốm sứ Đông Nam Á, kho gỗ, kho đồ đồng, kho đá nguyên thủy, đá phong kiến…

+ Tư liệu thư viện: Tập trung, tăng cường xây dựng hệ thống tài liệu lưu trữ, nghe nhìn theo các chủ đề, sưu tập; đầu tư khai thác thông tin tư liệu, nghiên cứu, xây dựng thành sản phẩm công bố, bài viết, ấn phẩm.

Tất cả những công việc đó, thực hiện tốt, sẽ là nền tảng tốt, thuận lợi khi Bảo tàng có điều kiện tiến hành việc số hóa, tư liệu hóa, hiện đại hóa quản lý, khai thác tài liệu, hiện vật đạt được hiệu quả cao hơn đồng thời đảm bảo tiết kiệm thời gian và kinh phí.

- Công tác bảo quản hiện vật: Tiếp tục thực hiện việc khảo sát, đánh giá tổng thể tài liệu, hiện vật trong kho và hệ thống trưng bày, lập kế hoạch bảo quản phòng ngừa tư liệu chất liệu hữu cơ, bảo quản cấp thiết phục vụ trưng bày thường trực, trưng bày chuyên đề trong nước và quốc tế.

Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có trình độ và chuyên môn sâu đáp ứng yêu cầu công việc tại bảo tàng và tham gia giúp đỡ các địa phương, các đối tác trong bảo quản hiện vật.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả - Ảnh 7.

Cán bộ BTLSQG đang tu bổ, phục dựng tranh lụa

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả - Ảnh 8.

Cán bộ BTLSQG đang tu bổ bảo quản hiện vật chất liệu giấy

Tham gia và thông qua các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, đánh giá kết quả, kinh nghiệm thực tiễn.

Bảo tàng đã hướng tới việc xây dựng phòng thí nghiệm theo hướng hiện đại, song, trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế chưa thể thực hiện, tuy nhiên, cần sớm có sự chuẩn bị, tham khảo, xây dựng đề án, bổ sung các trang thiết bị, cũng như nguồn nhân lực thực hiện nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả khi có đủ điều kiện xây dựng phòng thí nghiệm.

- Công tác trưng bày, giáo dục, truyền thông  

+ Công tác trưng bày, cần tăng cường rà soát, chỉnh trang hệ thống trưng bày thường xuyên đảm bảo thông tin khoa học, chính xác, khang trang, sạch đẹp; chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng các trưng bày chuyên đề, trong đó, cần tập trung hướng đến mô hình hợp tác với các tỉnh thành, các khu di tích lớn (di sản thế giới, quốc gia đặc biệt) tổ chức trưng bày chuyên đề phục vụ các dịp lễ kỷ niệm, giới thiệu quảng bá di sản văn hóa địa phương, đặc sắc văn hóa vùng miền thông qua các phát hiện mới, di tích mới khai quật, kịp thời giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước

Đặc biệt, vấn đề cấp thiết hiện nay cần sớm được quan tâm, khắc phục, đó là hệ thống trưng bày thời kỳ cận hiện đại tại nhà trưng bày thường trực cơ sở 2 (216 Trần Quang Khải) với hiện trạng hệ thống trưng bày đã xuống cấp nghiêm trọng, tài liệu hiện vật cũ, mờ; đai vách trưng bày bị mối mọt xông rỗng, tường trần nhà ẩm mốc, dột… không chỉ nguy cơ hư hại đến tài liệu, hiện vật trưng bày mà còn có nguy cơ cho sức khỏe, tính mạng khách tham quan. Trước thực trạng đó, tùy theo điều kiện kinh phí cho phép, sẽ nâng cấp, chỉnh trang từng phần, tiến tới toàn bộ hệ thống.

Đối với các trưng bày chuyên đề, cần chủ động lập kế hoạch nghiên cứu, xây dựng các trưng bày chuyên đề giai đoạn lịch sử cận - hiện đại, về Đảng, cách mạng, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Đặc biệt, cần hướng tới nghiên cứu, xây dựng các trưng bày chuyên đề phục vụ chỉnh lý, bổ sung hệ thống trưng bày thường trực (các trưng bày chuyên đề là các nội dung của hệ thống trưng bày thường trực), đây là giải pháp thực hiện một công việc đáp ứng được 2 mục tiêu, tiết kiệm kinh phí và mang lại hiệu quả cao hơn, phù hợp với điều kiện thực tế khó khăn như hiện nay.

Đồng thời với việc tập trung chỉnh trang, nghiên cứu trưng bày là việc khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ khách tham quan như: khu dịch vụ, vệ sinh, bãi đỗ xe, giao thông nội bộ, liên kết 2 cơ sở, nhất là không gian trưng bày chuyên đề phần cổ trung đại quá nhỏ hẹp (chỉ hơn 60m2) như hiện nay đang rất hạn chế khả năng phát huy giá trị các trưng bày chuyên đề. 

+ Công tác giáo dục công chúng, cần đẩy mạnh đổi mới, đa dạng hóa các phương thức và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ hướng dẫn đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khách tham quan, theo đó, cần sớm nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm mô hình xã hội hóa dịch vụ hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách tham quan trong nước và quốc tế.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả - Ảnh 9.

Hoạt động thể chất “Em tập làm chiến sĩ” trong buổi Giờ học Lịch sử tại Bảo tàng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả - Ảnh 10.

Học sinh tham gia trò chơi “Gánh lương thực vào trận địa” trong buổi Giờ học Lịch sử tại Bảo tàng

Tập trung vào các chương trình giáo dục dành cho đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là các chương trình, hoạt động giáo dục đã trở thành “thương hiệu” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia như: chương trình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, Giờ học lịch sử; chú trọng hơn sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà trường, các trường đại học với bảo tàng, nâng cao chất lượng các tọa đàm, giao lưu, thuyết trình. Năm 2020, trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, khách tham gia các chương trình giáo dục của Bảo tàng bị hạn chế. Vì vậy, đây là thời điểm cần thiết và quan trọng để các cán bộ giáo dục tập trung, đẩy mạnh đầu tư học tập, trau dồi tri thức, nâng cao trình độ, nghiên cứu, khai thác tư liệu, xây dựng chương trình giáo dục, tài liệu học tập nhằm chuẩn bị “ngân hàng chương trình giáo dục” cũng như tăng cường chất lượng, đổi mới hình thức cho các chương trình, sẵn sàng phục vụ khách tham gia chương trình khi các chương trình hoạt động trở lại đảm bảo hiệu quả, hấp dẫn hơn. Tích cực, chủ động trong khảo sát, đánh giá khách tham quan.

+ Công tác truyền thông, trong những năm qua, đã từng bước tiếp cận và bước đầu thực hiện đề án truyền thông, quảng bá góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng truyền thông, thu hút khách. Mặc dù đạt kết quả bước đầu khá khả quan nhưng với sự đầu tư về nguồn lực và kinh phí còn khiêm tốn nên hoạt động này đôi lúc còn cầm chừng, chưa bài bản và hệ thống. Để khắc phục tình trạng này, công tác truyền thông cần tập trung, đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hình thức Trang thông tin điện tử, nội dung tin bài với 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp tạo thành công cụ quan trọng, hữu hiệu để bảo tàng tiếp cận sâu, rộng tới công chúng cũng như quảng bá về lịch sử, văn hóa Việt Nam với công chúng trong và ngoài nước; tăng cường chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ Tình nguyện viên…

Tăng cường phối hợp, kết nối với hệ thống bảo tàng, di tích, đơn vị du lịch lữ hành trên địa bàn Hà Nội và các thành phố khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các tour, tuyến và sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn hơn.

Đặc biệt, cần tập trung đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thông, theo đó, cán bộ truyền thông cần phải chủ động nghiên cứu, xây dựng sản phẩm truyền thông mang đặc trưng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Kết luận

Trải qua gần 10 năm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã cố gắng nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đạt được một số thành quả nhất định và dần đi vào ổn định, làm nền tảng cho bước phát triển tiếp theo của Bảo tàng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, dường như việc sáp nhập, ở nhiều lĩnh vực, bộ phận, còn mang tính lắp ghép cơ học giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam mà chưa thực sự hòa quyện, hữu cơ, nhất là hệ thống trưng bày và quản lý hiện vật cần được giải quyết, tạo thành chỉnh thể thống nhất, xuyên suốt đúng với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Để từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trước những yêu cầu mới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần có định hướng tập trung vào các vấn đề sau:

- Về tổ chức bộ máy, đào tạo, cần sớm được kiện toàn, sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp đảm bảo phát huy cao nhất năng lực cán bộ; tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng mềm thông qua thực tiễn công việc đảm bảo tất cả các cán bộ làm việc ở bất cứ vị trí nào, lĩnh vực nào cũng nắm được kiến thức cơ bản về Bảo tàng Lịch sử quốc gia (hay nói cách khác, dấu ấn chuyên môn Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng thông qua năng lực, hiểu biết và tính chuyên nghiệp của cán bộ Bảo tàng). Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, chuyên gia thực hiện tốt nhiệm vụ của Bảo tàng đồng thời tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ các bảo tàng, di tích trên cả nước.

- Về thực hiện các công tác chuyên môn, nghiệp vụ:

+ Cần sớm xây dựng quy trình, quy chuẩn trong từng lĩnh vực hoạt động và thống nhất thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc kế hoạch, quy trình thực hiện đảm bảo từng bước chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa trong thực hiện, làm nền tảng cho việc phối hợp thực hiện công việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

+ Tập trung đầu tư công tác nghiên cứu, tăng cường hàm lượng khoa học trong từng công việc cụ thể của các phòng, ban chuyên môn; công tác thẩm định cần được thực hiện nghiêm túc đảm bảo chất lượng công việc, sản phẩm…

- Về định hướng mục tiêu phát triển của Bảo tàng Lịch sử quốc gia:

Đồng thời với thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công việc cụ thể hàng năm, Bảo tàng cần lập kế hoạch tổng thể nhằm định hướng mục tiêu phát triển cho Bảo tàng phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, đó là một Bảo tàng Lịch sử quốc gia hoàn chỉnh, hiện đại (có thể là một công trình mới, ở vị trí mới như Dự án Đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang tiến hành hoặc tại vị trí Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện tại được đầu tư mở rộng, bằng hệ thống “ngầm hóa” nhằm liên thông 2 cở sở hiện tại thành một thể thống nhất, đồng thời kết nối với các điểm tham quan xung quanh như Nhà hát Lớn, Hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội… tạo thành một quần thể du lịch hấp dẫn). Theo đó, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, công việc cụ thể, các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ cần lồng ghép xây dựng kế hoạch thực hiện “nhiệm vụ kép”. Định hướng này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn như: trưng bày (nghiên cứu, xây dựng nội dung), sưu tầm, tư liệu, quản lý, bảo quản (chuẩn bị nguồn tài liệu, hiện vật, dữ liệu tốt cho nghiên cứu, xây dựng nội dung trưng bày) v.v... Đây là bước chuẩn bị quan trọng, mất nhiều thời gian, công sức, tập trung trí tuệ của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài Bảo tàng… nên rất cần được tập trung định hướng thực hiện sớm, lồng ghép trong các hoạt động thường xuyên của Bảo tàng. Có như vậy mới kịp thời đáp ứng yêu cầu và đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khả thi khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia có đủ điều kiện xây dựng Bảo tàng mới và đi vào vận hành khai thác.

Trên đây là một vài suy nghĩ trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với vị thế của mình, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục có nhiều khó khăn, phức tạp, Việt Nam đang tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ có nhiều cơ hội, song cũng đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự giúp đỡ của các cơ quan, đối tác trong và ngoài nước; sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động. Hy vọng, trong tương lai không xa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia từng bước phát triển, có nhiều đóng góp hơn nữa trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam./.

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×