Bàn giải pháp phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới
26/11/2024 | 14:20Sáng 26/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới" (ICCM 2024). Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế từ các viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng cả trong và ngoài nước.
Thị trường văn hóa Việt Nam phải đổi mới, sáng tạo và thích ứng linh hoạt
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, văn hóa ngày càng khẳng định vai trò không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà còn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Trong chiến lược phát triển văn hóa, Đảng và Nhà nước đã xác định việc phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá về khoa học và công nghệ, cùng những biến động phức tạp của kinh tế, chính trị thế giới, đã đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển của thị trường văn hóa. Những thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng và nhu cầu thụ hưởng văn hóa của công chúng, đòi hỏi thị trường văn hóa Việt Nam phải đổi mới, sáng tạo và thích ứng linh hoạt hơn bao giờ hết.
Theo PGS.TS. Đinh Công Tuấn, thời gian qua, thị trường văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, cũng như nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số bất cập và hạn chế cần được khắc phục.
"Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế ICCM 2024 nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật, nơi các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý trong và ngoài nước cùng trao đổi, thảo luận và tìm ra những giải pháp phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của thị trường văn hóa Việt Nam", PGS.TS. Đinh Công Tuấn bày tỏ.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo lần này hết sức có ý nghĩa, không chỉ là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn, mà còn là môi trường để kết nối tri thức, mở ra các hướng đi mới, sáng tạo và bền vững trong phát triển thị trường văn hóa, đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng các chiến lược phát triển thị trường văn hóa phù hợp với thực tiễn và bối cảnh của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo cũng sẽ là nguồn thông tin đáng tin cậy giúp tham mưu cho các nhà quản lý, xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế, các doanh nghiệp có những thông tin hữu ích, giúp lựa chọn chiến lược kinh doanh hiệu quả, tránh các rủi ro và các tác động tiêu cực…
"Tại Hội thảo, Ban Tổ chức mong được lắng nghe tất cả các ý kiến tâm huyết, khách quan từ các vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến "Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới".
Những ý tưởng và đóng góp từ Hội thảo là minh chứng rõ nét cho sự chung tay của cộng đồng khoa học trong nỗ lực phát triển thị trường văn hóa, góp phần nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy hội nhập quốc tế", PGS.TS. Đinh Công Tuấn bày tỏ.
Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa là một loại thị trường đặc biệt
Theo PGS.TS. Đặng Hoài Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, văn hóa là "sức mạnh mềm" của quốc gia và các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng đóng góp lớn cho GDP đất nước.
Do đó, việc xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa là yêu cầu cấp thiết nhằm giải phóng năng lực sáng tạo và sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa "đặc biệt", không chỉ có chức năng kinh tế, đem lại thu nhập cho người sáng tạo và người sản xuất, mà còn góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm thẩm mỹ, xây dựng đạo đức, nhân cách của con người, làm lành mạnh hóa đời sống tinh thần của xã hội.
Theo đó, thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa là một loại thị trường đặc biệt, vừa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần bồi dưỡng nhân cách, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đấu tranh phê phán các xu hướng phản văn hóa, phản thẩm mỹ, bảo vệ nền tảng tinh thần của dân tộc, của quốc gia.
Xu thế phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong giao lưu quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ, sôi động là xu thế tất yếu. Muốn hội nhập quốc tế hiệu quả, mỗi quốc gia phải nâng cao nội lực của thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong nước, tạo tiền đề cần thiết cho quá trình mở cửa giao lưu quốc tế.
PGS.TS. Đặng Hoài Thu cho biết, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã sớm quan tâm phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong đã được nâng lên đáng kể.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh phát triển mới, việc phát triển thị trường văn hóa và sản phẩm văn hóa ở Việt Nam vẫn có một số hạn chế nhất định, như: Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa bước đầu được hình thành, nhưng còn chậm phát triển, quy mô nhỏ, mang tính tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp; Chưa có các chính sách mang tính đột phá để khuyến khích sáng tạo, sản xuất, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa; Sản phẩm văn hóa ở một số lĩnh vực còn nghèo nàn, đơn điệu, sức cạnh tranh yếu, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước; Thị trường sản phẩm văn hóa nội địa có dấu hiệu bị các sản phẩm văn hóa nước ngoài lấn lướt, áp đảo…
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ, và bối cảnh chuyển đổi số đặt ra nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa nói riêng.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cùng những biến động khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã và đang tạo ra nhiều sự thay đổi về thói quen tiêu dùng và nhu cầu văn hóa, nghệ thuật của công chúng.
"Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu đổi mới, sáng tạo và thích ứng linh hoạt của thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận đưa ra được những vấn đề lý luận và giải pháp hiệu quả nhằm phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở nước ta theo hướng đồng bộ và toàn diện, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", PGS.TS. Đặng Hoài Thu bày tỏ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày các báo cáo tham luận, tiến hành thảo luận, trao đổi những vấn đề lý luận cơ bản như vai trò và đặc điểm của thị trường văn hóa trong bối cảnh mới, đi sâu vào các khía cạnh thực tiễn như: xây dựng chính sách, vai trò của khoa học và công nghệ, mối quan hệ hợp tác công - tư, cũng như các mô hình phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo…
Các tham luận cũng nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong những yếu tố then chốt để thị trường văn hóa Việt Nam có thể bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu.
Đặc biệt, các chuyên gia đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã có những chia sẻ từ thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát huy các giá trị du lịch văn hóa thông qua công nghệ số ở các quốc gia này./.