Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Áp dụng triệt để công nghệ, chuyển đổi số để phát triển bền vững ngành Du lịch

08/01/2021 | 13:55

Sáng nay (8/1), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự và chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ VHTTDL.

Phó Thủ tướng: Áp dụng triệt để công nghệ, chuyển đổi số để phát triển bền vững ngành Du lịch - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị.

Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tại Hội nghị cho biết, trong tháng1/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức cao kỷ lục với 2 triệu lượt khách. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 bùng phát, từ cuối tháng 3/2020, hoạt động du lịch quốc tế đã ngừng trệ cho đến nay.

Năm 2020, các chỉ tiêu đều giảm mạnh so với năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 79,5%; Khách du lịch nội địa ước đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%, trong đó có 28,7% triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 58,7%.

Về công tác xây dựng thể chế, chính sách phát triển du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trình Thủ tướng Chính phủ cho lồng ghép đề án "Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch" và đề án "Khai thác chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch".

Xây dựng dự thảo Tuyên bố chung về du lịch số ASEAN đã được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị lần thứ 37; trình Thủ tướng Chính phủ 3 nước thông qua "Kế hoạch phát triển du lịch của khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030" tại Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 11.

Cùng với đó, công tác quản lý cấp phép lữ hành, hướng dẫn viên đảm bảo đúng quy định. Đã thẩm định 709 hồ sơ cấp, đổi, cấp lại, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Đến nay, Du lịch Việt Nam đã có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa; có 26.721 hướng dẫn viên, trong đó có 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, năm 2020, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực Châu Á và của Thế giới, như: Điểm đến Di sản hàng đầu, Điểm đến Văn hóa hàng đầu và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu, Điểm đến Golf tốt nhất. Lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Qua đó đã khẳng định thương hiệu, chất lượng của du lịch Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Áp dụng triệt để công nghệ, chuyển đổi số để phát triển bền vững ngành Du lịch - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại hội nghị.

Trong năm qua, ngành đã tập trung tăng cường công tác truyền thông trên các website và mạng xã hội về các hoạt động phục hồi du lịch nội địa. Phát động Cuộc thi ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc lần thứ 9, cuộc thi Clip quảng bá du lịch Việt Nam. Ra mắt bộ sản phẩm "Stay at home with Viet Nam" dành cho khách quốc tế. Xây dựng clip "Why not Viet Nam", truyền thông trên kênh truyền hình CNN, CNBC; Tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020.

Về hoạt động du lịch của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hưởng ứng chương kích cầu "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", hầu hết các địa phương trong cả nước đã ban hành kế hoạch như: Đà Nẵng tổ chức chương trình "Danang Thank You 2020", Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 "Kết nối lữ hành: Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện"; Khánh Hòa tổ chức Chương trình gặp mặt kết nối doanh nghiệp kích cầu du lịch của tỉnh Khánh Hòa và TP Hà Nội…

Cùng với đó, hợp tác và liên kết vùng miền được quan tâm, thúc đẩy. Các địa phương đã tổ chức chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch như: TP HCM với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Liên kết phát triển vùng Đông Nam Bộ; Chương trình liên kết hành động phục hồi và phát triển du lịch 3 địa phương (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam)…

Đánh giá riêng về lĩnh vực du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Du lịch đã kế thừa từ nhiệm kỳ trước để đạt được bước tiến ngoạn mục trong năm vừa qua.

Đặc biệt là từ sau khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển ngành Du lịch trở thành ngành mũi nhọn, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ đặc biệt là Bộ VHTTDL, các địa phương, Du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Không chỉ phát triển nằm trong quy mô top 10 tăng trưởng thế giới, trong 5 năm qua, Du lịch Việt Nam đã xếp đứng thứ 6 thế giới về tốc độ tăng trưởng.

Phó Thủ tướng cũng nhắc thêm một số kết quả như: Hạ tầng công trình phục vụ du lịch quy mô, chất lượng; Đạt được nhiều giải thưởng du lịch danh giá, hàng trăm các giải thưởng của doanh nghiệp ở quốc tế và khu vực…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, có được kết quả đó một phần là nhờ môi trường kinh doanh, chính sách phát triển nhưng quan trọng đó chính vai trò của Chính phủ, Bộ VHTTDL trong định hướng, hoạch định chính sách.

Áp dụng triệt để công nghệ, chuyển đổi số để phát triển bền vững ngành Du lịch - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ VHTTDL đã điều phối rất tốt giữa 3 lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các ngày lễ lớn của đất nước thì những lĩnh vực này được tổng hòa lại tạo nên một bức tranh sôi động, phong phú về đất nước, con người Việt Nam.

Nhấn mạnh về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là phải đi cùng một chuyến tàu. Ngành Du lịch cần phải chủ động hơn, nắm bắt cơ hội, áp dụng triệt để công nghệ, chuyển đổi số để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Hiện nay, theo quy định Bộ VHTTDL chỉ quản lý được các khách sạn từ 3 sao trở lên. Đặt câu hỏi "Có bao nhiêu khách sạn trong cả nước bộ có nắm được không, nhất là các khách sạn 1 sao 2 sao, HomeStay", Phó Thủ tướng cho rằng muốn nắm được thì phải có số hóa và công nghệ.

Qua đại dịch COVID-19 vừa qua, ngành Công an đã thống kê được tất cả các cơ sở kinh doanh lưu trú trong cả nước, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ VHTTDL cần phải số hóa thống kê từ ngành Công an, đó chính là dữ liệu sau này để nâng cao hơn nữa công tác quản lý.

Bày tỏ trăn trở về việc các ứng dụng đặt phòng ở Việt Nam đều do doanh nghiệp nước ngoài làm, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2021, Bộ VHTTDL cần kiên quyết triển khai vấn đề này, phải lập Ban chỉ đạo số hóa do Bộ trưởng làm trưởng ban chỉ đạo. Thông qua công cụ do Bộ quản lý, vận hành thì các chủ nhà nghỉ, nhà hàng sẽ tự cập nhật lên với mục đích nhằm quảng bá thương hiệu của chính mình./.

Thế Công - Ảnh: Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×